Đề nghị tách nội dung luật sư thành một phần riêng

08:46, 21/02/2013

I. Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của luật sư trong đời sống xã hội.

Từ bao đời nay và trong các quốc gia có chế độ chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau, luật sư luôn được xem là một nghề cao quý và trân trọng vì luật sư không chỉ là người đại diện cho bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự hay thay mặt đương sự trong các vụ án dân sự, kinh tế, hành chính... mà còn là người giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng nhìn nhận sự thật khách quan của vụ việc. Trên cơ sở đó góp phần bảo vệ công lý, duy trì trật tự pháp luật và nâng cao uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, ngày 10/10/1945 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh số 46 về tổ chức đoàn thể luật sư Điều 67 Hiến pháp năm 1946 quy định người bị cáo có quyền bào chữa lấy hoặc mượn luật sư". Điều 101 Hiến pháp năm 1959 khẳng định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm”. Điều 133 Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định "Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý...". Hiến pháp năm 1992 kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, tại Điều 132 Hiến pháp năm 1992 một lần nữa khẳng định: “Quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm... Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp”.

 

Như vậy, trong lĩnh vực nghề nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp, luật sư được quy định trong Hiến pháp (một nghề do hiến định).

 

Đất nước ta đang đổi mới, hội nhập quốc tế, đang tiếp tục phát triển. “Hoạt động của luật sư có vị trí, vai trò rất quan trọng trong cơ chế thực thi pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hoạt động luật sư cũng có mối liên hệ chặt chẽ với cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cơ quan tiến hành tố tụng”

 

Ngày 30/3/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động luật sư: “Xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo ngày càng có nhiều luật sư có trình độ ngang tầm với các luật sư trong khu vực và thế giới”

 

Từ ngày thành lập 10/10/1945 đến nay, luật sư Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, sự giúp đỡ của Nhà nước, sự đùm bọc của nhân dân, nên suốt chặng đường lịch sử, luật sư Việt Nam đã lớn lên, trưởng thành, vững mạnh phát triển cùng đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng CNXH, đổi mới, hội nhập, phát triển của đất nước.

 

Đặc biệt từ ngày thành lập (11/5/2009), Liên đoàn luật sư Việt Nam tiếp tục hoàn thiện về bộ máy, tổ chức.

 

Tính đến tháng 7/2012, cả nước có 62 đoàn luật sư (tỉnh Lai Châu chưa có đoàn luật sư). Tổng số luật sư đã được phát thẻ là 7.190 luật sư (tăng so với khi thành lập liên đoàn là 1.846 luật sư) và 1.500 người tập sự hành nghề luật sư. Có trên 3.000 tổ chức hành nghề luật sư trong đó có 2.200 văn phòng, 800 công ty luật và 100 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Song song với những hoạt động: thụ lý các vụ án, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, dịch vụ pháp lý, các đoàn luật sư còn tham gia ý kiến xây dựng các dự án luật do các đoàn đại biểu Quốc hội mời. Tham gia Đề án 30 về cải cách các thủ tục hành chính, tham gia vào Ban chỉ đạo cải cách tư pháp từ Trung ương đến các tỉnh, tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc...

 

II. Ý kiến đề nghị:

 

Như phần trên đã trình bày chúng ta thấy: Luật sư là một nghề được các quốc gia, chế độ xã hội tôn vinh, đó là một nghề hiến định, xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống xã hội. Nghề luật sư cùng phát triển gắn liền với việc thực hiện cơ chế công khai, dân chủ, công bằng xã hội, đó cũng chính là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta, dân tộc ta, nhấn dân ta vì: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn mimh”.

 

Trong công cuộc đổi mới, hội nhập phát triển của đất nước luật sư Việt Nam tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, đang tiếp tục có nhiều cống hiến cho sự phát triển của đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đứng trước thời cơ mới, vận hội mới đan xen với những thuận lợi, khó khăn và thử thách, giới luật sư Việt Nam nguyện trung thành với Đảng, có hiếu với dân, làm theo lời Bác, nguyện đi theo con đường của Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn.

 

Sự phát triển của đất nước gắn liền với sự phát triển của luật sư càng gắn liền và thúc đẩy công bằng, dân chủ xã hội. Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, luật sư Việt Nam trong tiến trình lịch sử những thời điểm đó do số lượng luật sư, phạm vi hoạt động còn khiêm tốn nên chế định về luật sư được ghi thành một mục của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp.

 

Ngày nay, luật sư phát triển cả về số lượng, chất lượng, nội dung hoạt động và phạm vi hoạt động, đã tham gia vào nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đang tiếp tục có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Để đáp ứng công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước, với truyền thống 67 năm tổ chức hoạt động và trưởng thành, tương xứng với các nước trong khu vực, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước, chúng tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Tách phần luật sư thành một nội dung riêng (Sau phần: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân).