Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều vấn đề quan trọng về cư trú, thường trú, tạm trú... nhưng lại không nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 26/2, tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ đã trình bày tờ trình về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến băn khoăn trước nhiều quy định “siết” cư trú sẽ làm khó dân.
“Quyền tự do cư trú đã được hiến định, nay ngôn từ sử dụng trong dự thảo sửa đổi lại thấy cấm, cắt, xóa..., cứ bắt phải thế này, thế kia là dân rất khổ” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đánh giá.
Dự luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng về hành vi bị nghiêm cấm, điều kiện đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc Trung ương, xóa đăng ký thường trú, thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp, đăng ký tạm trú, lưu trú và thông báo lưu trú.
Tuy nhiên, những quy định mới này lại không nhận được sự đồng thuận cao từ Ủy ban Pháp luật của QH - cơ quan thẩm tra dự luật. Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng một số điểm chưa tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú theo Hiến pháp mà phần lớn hướng đến thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó, dự luật lại chưa bao quát các vấn đề quan trọng khác trong công tác quản lý cư trú như quản lý tại khu vực biên giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng dự thảo luật quy định: “Nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú” có thể dẫn đến việc hạn chế quyền của người dân”.
Trước hàng loạt khúc mắc của dự luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị rà soát lại toàn bộ dự luật để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, phải bảo đảm tính khả thi của quy định pháp luật và sau khi thông qua Hiến pháp không phải làm lại.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh tự do cư trú là quyền hiến định, Nhà nước phải tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền này. Dự luật cần tiếp thu và hoàn chỉnh dự luật để tiếp tục cho ý kiến ở 2 phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH tới trước khi trình QH.