Hoạt động của các ban thuộc Hội đồng nhân dân: Thiếu mô hình chuẩn

11:09, 28/02/2013

Nhiều thành viên kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách, chưa có mô hình thống nhất là những hạn chế được các đại biểu tham dự hội nghị lần thứ 5, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ chỉ ra khi đánh giá về mô hình tổ chức và hoạt động của các ban thuộc HĐND hiện nay.

Kết quả khảo sát trên địa bàn cả nước nói chung, khu vực Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Bắc bộ nói riêng, cho thấy, HĐND các tỉnh, thành phố đều thành lập ba ban là: Ban Kinh tế và Ngân sách, Pháp chế và Văn hóa - Xã hội. Mỗi ban đều có từ một đến hai thành viên là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, giữ chức vụ trưởng, phó ban, đồng thời là cán bộ thuộc chỉ tiêu biên chế của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND. Còn lại, đa số thành viên là đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm, đại diện các sở, ngành, quận, huyện. Giúp việc trực tiếp mảng biên tập, tổng hợp cho thường trực và các ban của HĐND có từ 3 đến 5 cán bộ, thuộc chỉ tiêu biên chế của văn phòng.

 

 

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, mô hình trên khá gọn nhẹ. Đặc biệt, việc thành viên của các ban đều là cán bộ thuộc các cơ quan Đảng, đoàn thể hoặc cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã tạo thuận lợi nhất định cho các ban trong hoạt động thẩm tra, giám sát và tiếp thu, phản ánh ý kiến cử tri gửi đến HĐND cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng mô hình đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong quá trình hoạt động. Theo quy định, các ban HĐND có nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện hoạt động thẩm tra và hoạt động giám sát. Ngoài ra, để phục vụ cho thẩm tra, các ban còn tiến hành hoạt động khảo sát, tiếp xúc cử tri chuyên đề hoặc xin ý kiến chuyên gia, phối hợp với MTTQ tổ chức phản biện xã hội. Nhưng do cán bộ ít lại kiêm nhiệm nhiều việc nên các ban HĐND hiện nay chỉ có thể tập trung vào các hoạt động thẩm tra báo cáo và chuẩn bị thuyết trình tại các kỳ họp mà không còn nhiều thời gian cho việc giám sát các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức trong thực thi pháp luật, nghị quyết của HĐND. Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên đánh giá, vì kiêm nhiệm nên "tiếng nói" của đại biểu - thành viên các ban HĐND - nhiều lúc thiếu khách quan, thậm chí né tránh cả những vấn đề mà cử tri, xã hội quan tâm.

 

Bên cạnh đó, do chưa có mô hình chuẩn chung cho hoạt động của các ban nên đã có sự khác biệt giữa các địa phương. Đơn cử, nhiệm kỳ này, HĐND TP Hà Nội có 3 ban, mỗi ban gồm 15 thành viên; trong đó có trưởng ban, một phó ban và một ủy viên hoạt động chuyên trách, một phó ban kiêm nhiệm. Tại Ninh Bình, mỗi ban HĐND tỉnh có 7 thành viên, trong đó có một lãnh đạo chuyên trách. Còn tại Hà Nam, mỗi ban của HĐND tỉnh chỉ có 5 thành viên. Tại Hải Phòng, số thành viên của các ban lại là 11.

 

Để đáp ứng nhu cầu công việc, thời gian qua, Thường trực HĐND một số tỉnh, thành phố trong khu vực đã có sáng kiến tăng số lượng đại biểu thành viên các ban HĐND hoạt động chuyên trách và tách khỏi quỹ biên chế của văn phòng; đồng thời, thành lập các phòng công tác đại biểu tương ứng với mỗi ban của HĐND và phòng tổng hợp, giúp việc trực tiếp Thường trực HĐND. Mặc dù vậy, mô hình trên cũng đang tồn tại những bất cập, lớn nhất là thiếu căn cứ pháp lý và các điều kiện bảo đảm. Mặt khác, vì mới là tự phát nên mô hình tổ chức của mỗi tỉnh, thành phố không giống nhau; phương thức hoạt động của các cơ quan này cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Hơn nữa, bộ máy văn phòng tham mưu, giúp việc các ban do song trùng lãnh đạo, chịu sự phân công và điều hành công việc của cả lãnh đạo ban và lãnh đạo văn phòng nên nhiều lúc bị chồng chéo, ảnh hưởng đến công việc chung.

 

Để nâng cao chất lượng hoạt động các ban của HĐND, nhiều tỉnh, thành phố đề nghị cần thiết phải có một mô hình chuẩn về tổ chức cũng như hoạt động. Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Văn Nam đề xuất, trước mắt cần tăng cường đại biểu chuyên trách cho các ban; cũng cần có quy định về chế độ đãi ngộ cho đại biểu chuyên trách cũng như đội ngũ chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND để tạo điều kiện thu hút, bổ sung cán bộ làm công tác HĐND.

 

Về lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội xem xét, sớm ban hành Luật Giám sát của HĐND, trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của các ban HĐND tỉnh, thành phố trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các ban HĐND trong hoạt động.