Từ một cơ sở đảng nhiều năm chỉ dừng ở mức độ hoàn thành hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong 2 năm 2011 và 2012, Đảng bộ xã Phú Đô (Phú Lương) đã vươn lên xếp loại trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Cấp ủy, chính quyền xã đã linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Đồng chí Trần Quang Tốn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phú Đô cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến nhiều năm liên tục Đảng bộ xã hoạt động không thực sự hiệu quả là công tác tổ chức cán bộ còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ của Phú Đô từng bị cấp trên đánh giá thuộc loại yếu ở huyện Phú Lương. Cụ thể, trước năm 2005, trong số cán bộ, công chức của xã chỉ có 2 người học hết chương trình THPT, số còn lại mới tốt nghiệp THCS. Bản thân tôi cũng chỉ học hết lớp 7 theo chương trình cũ. Cán bộ trình độ thấp dẫn đến năng lực điều hành hạn chế, làm việc gì cũng vướng mắc.
Xác định cán bộ là yếu tố quyết định thành công của mọi việc, từ nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ xã đã đặt ra mục tiêu và giải pháp nâng cao trình độ, năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Cán bộ muốn giữ nguyên vị trí công tác hoặc bổ nhiệm thì bắt buộc phải đi học nâng cao trình độ. Chính vì vậy, trong 5 năm đã 25 cán bộ cấp xã và bí thư chi bộ, trưởng xóm của Phú Đô được cho đi học bổ túc văn hóa THPT, 2 người học đại học chuyên ngành. Từ 2010 đến nay, xã có thêm 2 cán bộ học đại học. Hầu hết cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.
Đồng chí Phạm Ngọc Tân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện tại, đội ngũ cán bộ đã cơ bản đạt chuẩn theo quy định. Không chỉ đào tạo, chúng tôi còn quan tâm kiện toàn bộ máy, sắp xếp lại cán bộ cho phù hợp với năng lực chuyên môn. Ngoài ra, xã còn quan tâm đội ngũ là trưởng xóm, bí thư chi bộ - những người gần dân nhất và quyết định chất lượng các phong trào ở ở sở. Tiêu chuẩn được lựa chọn là người nhiệt tình, có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng. Sau khi được bầu, hầu hết bí thư chi bộ, trưởng xóm đã được cho học lớp sơ cấp về lý luận chính trị.
Đột phá trong công tác cán bộ đã giúp cho việc chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền linh hoạt và khoa hoạt. Hiệu quả rõ nhất phải kể đến là việc định hướng, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Là một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp nên đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn. Qua khảo sát, đánh giá thực tế, từ 2007, Đảng bộ xã đã lựa chọn cây chè là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế, giúp giảm nghèo và tăng thu thập cho người dân. Nội dung này được đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ và kế hoạch triển khai của chính quyền theo từng giai đoạn 2010-2015. Đồng chí Phạm Ngọc Tân cho biết: Ngoài cơ chế hỗ trợ về giống của Nhà nước, xã đã tích cực phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện để giúp đỡ bà con về kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng của những thửa ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chè. Chỉ đạo các xóm không tự ý chuyển đổi sang trồng chè cành theo kiểu phong trào mà chỉ trồng ở những nơi địa hình, thổ nhưỡng phù hợp. Ngoài ra, để giúp bà con nâng cao thu nhập bằng cây chè vụ đông, xã đã tập trung các nguồn đầu tư xây dựng 5 đập ngăn nước trên suối Khe Vàng để lấy nước tưới cho bà con. Theo báo cáo, từ năm 2007 tới nay, diện tích chè của Phú Đô đã tăng từ 315 ha lên 478 ha, diện tích chè cành giống mới chiếm 30%.
Trong phát triển kinh tế ở Phú Đô, còn phải kể đến sự tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các xóm. Đảng viên Đào Anh Thắng, Trưởng xóm Phú Nam 5 là một điển hình. Hiện nay, gia đình ông Thắng đang có gần 1ha chè, thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Năm 2010, nhận thấy hơn 2 nghìn m2 đất ruộng lầy thụt không sử dụng được, ông đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để san ủi và trồng mới giống chè cành Phúc Vân Tiên. Ông chia sẻ: Tuy đầu tư lớn nhưng chỉ 2 năm là tôi có thể thu hồi vốn, trong khi cây chè lại cho thu hoạch hàng chục năm. Là trưởng xóm, tôi luôn tâm niệm mình phải làm trước để bà con noi theo. Ông Nguyễn Văn Cứ, Trưởng xóm Phú Nam 4 lại là một trong những người tiên phong làm chè vụ đông ở xã. Ông cho biết: Làm chè vụ đông hiệu quả hơn nhiều so với chính vụ. Ưu điểm là ít sâu bệnh, được giá và dễ tiêu thụ, trong khi mức đầu tư chỉ khoảng chục triệu đồng để mua máy bơm về hệ thống ống dẫn. Từ những người tiên phong như ông Cứ, hiện nay xã Phú Đô đã có gần 100 gia đình làm chè trái vụ.
Cùng với chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền xã Phú Đô đã lãnh đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu về văn hóa – xã hội. Trong 2 năm 2011 và 2012, xã đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 27% xuống còn 19%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 92%; làm mới 4,5km đường bê tông đi qua 8 xóm phía Nam của xã… Các tổ chức đoàn thể đều được cấp trên đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2012, Đảng bộ xã đã phát triển được 16 đảng viên mới, gấp 2 lần kế hoạch đề ra (bằng 10% tổng số đảng viên). Đảng bộ xã được Huyện ủy Phú Lương công nhận đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu năm 2012.