Ngược Quốc lộ 3, vượt đèo Giàng, đèo Gió… quanh co với những khúc cua tay áo, chúng tôi tìm Cao Bằng trong làn mưa bụi lất phất rơi. Hai bên đường, những rừng cây đâm chồi lộc biếc xanh ngát một màu, hương hoa rừng đang tỏa đâu đây. Từ trên đỉnh đèo Gió nhìn xuống phía dưới, những con nhỏ vắt ngang qua sườn núi trông thật thơ mộng…
Về miền biên viễn, địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là Pắc Bó, nơi mà sau 30 năm xa Tổ quốc, ngày 28/1/1941 (mùng 2 Tết Nguyên đán năm Tân Tỵ), Bác Hồ qua cột mốc 108 biên giới Việt - Trung về Việt Nam. Nơi đây thuộc dãy núi cao được Bác đặt tên là núi Các Mác. Dưới chân núi có hồ nước lớn trong xanh, nơi bắt đầu dòng suối chảy uốn quanh đổ xuống đồng bằng của bản Khuổi Nậm, Bác đặt tên là suối Lê-nin. Cột mốc 108 nằm trên núi cao cách chân núi chừng nghìn mét thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Thời điểm này, Pắc Bó tràn căng sức sống với những cây đào nở bung khoe sắc. Khu lưu niệm Pác Bó được xây trên đồi cao lộng gió, nhộn nhịp người đến dâng hương tỏ lòng thành kính trước anh linh vị Cha già của dân tộc. Núi Các Mác cũng phủ một màu xanh của lá non. Dòng suối Lê-nin róc rách chảy, những chú cá tung mình nhảy múa trong làn nước trong xanh như đón chào mùa xuân và du khách.
Những ngày đầu năm Quý Tỵ, mặc dù trời mưa rả rích nhưng dòng người đổ về Pắc Bó dường như đông hơn. Người ở Hà Nội, Thái Nguyên, người ở tận Nghệ An, Thanh Hóa... Những tấm biển chỉ dẫn gắn trên vách núi, đặt bên phiến đá cạnh bờ suối, gắn vào thân cây, giúp du khách hiểu thêm về một thời hoạt động của Bác Hồ kính yêu. Hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ sống, làm việc thu hút rất nhiều khách tham quan. Ai cũng bồi hồi lặng nhìn chỗ Bác đã hàng ngày ngồi viết sách. Hòn đá cao làm bàn, hòn đá thấp làm ghế, chỗ Bác nằm nghỉ đơn sơ bằng ván gỗ. Mọi người càng xúc động hơn khi đứng bên gốc ổi năm xưa Bác thường lấy lá thay chè đun nước uống; thăm nơi Bác ngồi câu cá sau giờ làm việc; thăm lán Khuổi Nặm, nơi họp Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám đề ra những quyết sách lãnh đạo cách mạng Việt Nam… Về nơi đây, chúng tôi còn được tìm hiểu bản Cò Rạc, làng Khuổi Nặm... những nơi Bác trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp của Trung ương, càng hiểu thêm và quý trọng tình cảm của nhân dân nơi đây với Bác những năm tiền khởi nghĩa...
Trong những ngày gian khó,.điều kiện làm việc thiếu thốn là vậy mà Người vẫn ung dung, tự tại, vẫn thấy “cuộc đời cách mạng thật là sang”. Có lẽ nghị lực thép của Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc Việt Nam “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Bà Lê Thị Hạ, một người dân ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) nói: Đã nghe bài hát “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ nên tôi rất ấn tượng về Pắc Bó. Hôm nay, lần đầu tiên được đến đây, tôi thấy nơi này còn hùng vĩ hơn trong tưởng tượng của mình. Thăm Pắc Bó, tôi càng hiểu nỗi vất vả của các đống chí cán bộ cách mạng và Bác Hồ năm xưa. Gian khổ là thế, phải sống và làm việc trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng vẫn mang trong mình ý chí sắt đá, tinh thần lạc quan và tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng. Cùng chung với suy nghĩ của bà Hạ, anh Trịnh Ngọc Linh, một người dân ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Lớp trẻ đến đây, hiểu về những tháng ngày dựng nước đầy gian khổ, hy sinh của bao lớp đàn anh đi trước sẽ biết nâng niu giá trị của cuộc sống hôm nay…
Với chúng tôi, tuy không phải là lần đầy đến Pắc Bó nhưng cũng cảm nhận được sự đổi thay tích cực của khu di tích đang được đề nghị là di tích đặc biệt cấp Quốc gia này. Đó là việc các điểm di tích được trùng tu, tôn tạo; các loại hình dịch vụ cũng được chú trọng nhiều hơn. Môi trường xung quanh di tích sạch, đẹp… Đặc biệt, trong các cửa hàng lưu niệm, những cuốn sách rất có ý nghĩa được bày bán như: Sách giới thiệu về những tháng ngày hoạt động của Bác Hồ ở Pắc Bó; về anh Kim Đồng, một đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (người con ưu tú của thôn Nà Mạ, xã Trường Hà) đã anh dũng hy sinh, để bảo vệ cách mạng ở tuổi 13; tập thơ “Những vần thơ Pắc Bó” của Hội Nhà văn Việt Nam… Những cuốn sách này sẽ mang đến nhiều thông tin hơn cho những ai muốn hiểu thêm về Pắc Bó…
Vượt gần 300km đến Pắc Bó chúng tôi thấy mình may mắn khi được tận hưởng hương xuân, sắc xuân nơi mảnh đất cội nguồn cách mạng. Đến Pắc Bó, lòng ta nhớ Bác, khí phách của Người, sự hy sinh cao cả của một con người suốt đời vì nước, vì dân chính là tấm gương sáng để mỗi người dân đất Việt noi theo. Vâng, “Nhớ về Bác, lòng ta trong sáng hơn”, không phải chúng tôi mà tất cả những ai đến đây đều có chung một tâm trạng như thế…