Năm kiến nghị về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

10:02, 26/02/2013

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nhất của một quốc gia. Cũng như mọi nước khác, Hiến pháp quy định những việc quan trọng của quốc gia, mà quan trọng nhất là các quyền tự do cơ bản của người dân; những nguyên tắc cơ bản của chế độ, hình thức tổ chức và cơ chế hoạt động của ba nhánh quyền lực Nhà nước là lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Những gì mà Hiến pháp quy định có hiệu lực pháp lý cao nhất. Có thể coi Hiến pháp là nền móng của đất nước, nền móng mà bị tổn hại thì đất nước dễ bị suy sụp, thậm chí có thể tan vỡ.

 

 

Chính vì vậy, việc Bộ Chính trị và Quốc hội đồng ý triển khai trong toàn quốc việc lấy ý kiến của nhân dân về Dự  thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là rất hợp lòng dân và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

 

Với góc nhìn của một trí thức ngoài Đảng, tôi chỉ xin đóng góp một số ý kiến, có thể còn rất chủ quan nhưng là những điều mà tôi cảm thấy hết sức cần thiết.

 

Một là, về Điều 4 của Hiến pháp: Một số người cho là nên bỏ điều này, với lý do là có lẽ chả có nước nào có một điều khoản như vậy trong Hiến pháp. Tôi cho rằng, hoàn cảnh nước ta khác với nhiều nước khác, vì chúng ta chỉ có duy nhất một Đảng lãnh đạo. Đảng đó do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và trải qua trên tám thập kỷ lãnh đạo nhân dân ta, Đảng đã đưa đất nước từ chỗ bị nô lệ, nghèo nàn, lạc hậu đến vị trí một quốc gia được thế giới tôn trọng, nhân dân được sống trong một môi trường độc lập, thống nhất với cuộc sống ngày một được cải thiện về mọi mặt. Đành rằng trong những năm gần đây, có sự đánh giá như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: "Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên". Chính vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này đã đưa vào Điều 4 hai đoạn hết sức quan trọng, đó là: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình", và "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Nếu làm được đúng như vậy thì sẽ không còn tình trạng như chính Tổng Bí thư đã khẳng định: "Hiện nay cái làm cho quần chúng oán thán nhất, gây mất lòng tin nhất, làm xói mòn bản chất Đảng đó chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; cái này thật là nghiêm trọng". Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Điều 4 Hiến pháp sửa đổi, chắc chắn sẽ lấy lại được niềm tin vốn rất lớn lao của nhân dân ta đối với Đảng tiền phong và chuyện yêu cầu bỏ Điều 4 chắc không còn là chuyện cần thảo luận nữa.

 

Hai là, các quyền cơ bản của người dân: Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ đạo soạn thảo đã ghi rõ: "Điều thứ 10: Công dân Việt Nam có quyền: - Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi: Điều 24 (giữ nguyên Điều 68): "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật"; Điều 26 (sửa đổi, bổ sung Điều 69): "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật".

 

Đông đảo nhân dân cho rằng viết thêm dòng "theo quy định của pháp luật" thì thật là mơ hồ và chẳng nhẽ lại chịu thua Hiến pháp 1946? Đành rằng chúng ta không để mọi quyền tự do bị kẻ xấu lợi dụng, để những thế lực thù địch gây rối, nhưng nếu ghi như vậy thì quá dễ dãi để xét xử oan sai người vô tội và không chỉ không phù hợp với Hiến pháp 1946 mà còn không phù hợp với Hiến pháp của rất nhiều quốc gia khác. Pháp luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng Hiến pháp là bộ Luật gốc, cần được duy trì nhiều năm và là công cụ đắc lực để chống lại mọi cách xử sự vi hiến. Tôi đề nghị sửa dòng "theo quy định của pháp luật" bằng nội dung "nếu các quyền tự do đó không đi ngược lại với nguyện vọng và hạnh phúc của nhân dân".

 

Ba là, về các nội hàm liên quan đến Chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội... đã có rất nhiều học giả phân tích tính khoa học, tính thực tiễn, tính quốc tế của các nội hàm này. Tôi tự nhận thấy không đủ trình độ lý luận và thiếu thông tin cập nhật về các vấn đề trên, cho nên không dám trình bày ý kiến gì có tầm lý luận đáng kể.

 

Chỉ mong các nhà lãnh đạo bình tĩnh xem xét với tinh thần khoa học mọi ý kiến của các học giả có uy tín và có thiện chí để cân nhắc thấu đáo thêm về các nội hàm này, sao cho bản Hiến pháp lần này có thể tồn tại lâu dài trước các biến cố của thời đại. Đừng chỉ vì nội dung đã ghi trong Cương lĩnh của Đảng mà không thể nào thay đổi được. Các cụ ta từ xưa đã có câu "Nói phải củ cải cũng nghe"(!) Đảng và Nhà nước ta nên nghe theo định nghĩa về Xã hội chủ nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng" (Hồ Chí Minh toàn tập, 1996, T.9; tr.23).

 

Bốn là, một điều chưa thấy ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đó là " Quyền phúc quyết của nhân dân". Nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung trong Hiến pháp điều khoản về "quyền phúc quyết của nhân dân" đối với Hiến pháp và các việc trọng đại của đất nước. Đồng thời, xác lập nguyên tắc các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết để làm cơ sở xây dựng một đạo luật quy định cụ thể cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền phúc quyết của toàn dân. Ngoài quyền phúc quyết còn có thể tách từ Điều 53 Hiến pháp 1992 thành điều khoản riêng quy định về "Quyền biểu quyết của nhân dân khi Nhà nước trưng cầu ý dân" về việc sửa đổi Hiến pháp và các vấn đề trọng đại quốc gia. Quy định về phạm vi các vấn đề phải trưng cầu dân ý, nguyên tắc thực hiện trưng cầu dân ý làm cơ sở để tiến tới xây dựng một đạo luật cụ thể hóa cách thức, trình tự, thủ tục thực hiện quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu dân ý.

 

Năm là, Mục 3 Điều 58 có ghi: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội (!). Thực tế nhiều năm qua hầu hết các vụ khiếu kiện của nông dân đều là do bồi thường không thỏa đáng, dân mất đường sinh sống về lâu dài, nhiều cán bộ giàu lên quá nhanh từ chuyện đất đai, nhiều vùng đất bờ xôi ruộng mật bị trưng thu (thay vì làm đường đến các vùng đất bạc màu, đất sét, đất cát, đất đá ong hóa - tức là đất không có độ phì nhiêu, lại toàn chiếm dụng các vùng đất canh tác màu mỡ cạnh mọi quốc lộ, thậm chí đến cả tỉnh lộ, huyện lộ...), nhiều dự án sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa nhiều năm, nhiều vùng đất trở nên ô nhiễm nghiêm trọng cả một vùng rộng lớn do bị nhiễm chất thải công nghiệp. Khái niệm "vì lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội" là quá mơ hồ và mở đường cho việc tái tiếp diễn các sai trái như trước đây, trong khi dân số đang tăng nhanh và còn cần gấp rút chuẩn bị đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

Ngoài năm ý kiến chính nói trên, tôi nhận thấy, Ban soạn thảo cần sửa chữa nhiều hơn nữa các mệnh đề khó hiểu, chẳng hạn như: Mọi người có  quyền sống (Điều 21); Công dân có quyền... sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (Điều 43) (có nghĩa là có  quyền trả lời thầy cô giáo hoặc công an, thẩm phán... toàn bằng tiếng mẹ đẻ?); Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế (Điều 80) (có nghĩa là cần thu thuế của 90 triệu người dân?)...

 

Tôi hy vọng đúng như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân".