Nhớ ngày xưa ấy…

12:56, 02/02/2013

Mỗi năm đến ngày thành lập Đảng, anh em chúng tôi thường đọc lại bài thơ “30 năm đời ta có Đảng” của cố thi sĩ Tố Hữu. Ở đó, những câu thơ gợi cho người ta nghĩ về mối quan hệ giữa xưa và nay. Tuổi càng cao, càng đọc cùng với những trải nghiệm và suy ngẫm, chúng tôi càng thấm thía với những cay đắng, ngọt bùi trong tiến trình cách mạng nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ trong tâm thức sâu thẳm, nghĩ về Đảng, Bác Hồ, về quê hương, đất nước, bỗng thấy sự cách biệt giữa xưa và nay tưởng như xa lắm mà lại gần lắm…

Không biết hàng ngày, có bao nhiêu người thường nhớ về ngày xưa? Khi cái hiện tại đang như cơn lốc, cuốn người ta vào vòng quay nghiệt ngã của nền kinh tế thị trường, với biết bao toan tính của cuộc mưu sinh, thì nếu có ai đó, có lúc quên mất cái ngày xưa, cũng không có gì đáng trách. Bởi suy cho cùng thì lo cho cái đang hiện hữu của hôm nay, chính là vun đắp cho ước mơ của bao thế hệ sống từ ngày xưa. Khi cuộc sống đã vươn đến nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp với các phương tiện sinh hoạt tiên tiến, thì với lớp người còn sót lại từ những ngày xưa, đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi; bởi trước đó, có nằm mơ họ cũng chưa dám nghĩ tới. Còn với lớp người sinh ra và lớn lên cùng tiến trình đổi mới của đất nước, trong ước mong cuộc sống, họ vẫn cảm thấy có điều gì đó chưa đủ.

 

 

Vào lúc giao thời giữa cái đủ và chưa đủ của hai thế hệ, Đảng đã nhắn nhủ chúng ta: Nếu thỏa mãn với những gì đã có, cũng là lúc ta bắt đầu tụt hậu; còn nếu cảm thấy chưa đủ thì phải gắng sức bền gan, vững tin mà phấn đấu. Đảng còn dạy ta: Dùng cái ngày xưa để áp đặt cho ngày nay là điều không được làm; còn dùng cái ngày nay để phán xét cái ngày xưa là việc không nên làm, bởi lịch sử mãi mãi vẫn là lịch sử.

 

Trong mỗi con người, dù độ đậm đặc khác nhau, đều có sự “trộn lẫn” giữa cái ngày xưa và ngày nay. Mỗi thời đều có cái hay và cái chưa hay của mỗi thời.  Sự thông thái của mỗi con người, nằm một phần ở thái độ đối xử với mối quan hệ xưa và nay. Đảng nhắc nhở chúng ta: Hãy lựa chọn những gì là bất biến của ngày xưa, phát triển nó lên một tầm cao mới, bồi đắp cho ngày nay, và hãy làm những gì tốt nhất có thể làm được để ngày nay tốt đẹp hơn lên; đó sẽ là những điều bất biến cho mai sau.

 

Dẫu ngày nay so với ngày xưa đã là sung sướng, tưng bừng hơn, dẫu không có bom rơi, đạn nổ, không đói cơm, nhạt muối, nhưng tính khốc liệt của nó lại nằm sâu trong cân não con người, với sức ép dồn lại từ nhiều phía. Người ta phải đi vội, ăn vội, làm vội và nghỉ ngơi cũng vội vàng! Người ta lo công việc đến quên cả chăm lo cho con cái, người thân, thậm chí quên luôn cả chính mình. Người ta có nhiều cơ hội để kiếm được nhiều tiền, nhưng người ta cũng biến thành nô lệ của đồng tiền do mình làm ra. Đó thực sự là một bi kịch.

 

Trong cái hối hả bão táp ấy của cuộc sống, Đảng khuyên chúng ta: Hãy dành thời gian - dù chỉ là ngắn ngủi, để nhớ lại ngày xưa, đó là cội nguồn, là gốc rễ, là điểm xuất phát để có hoa thơm quả ngọt hôm nay. Chút thời gian nhớ về ngày xưa, cũng là giây phút thư dãn, giúp chúng ta quên đi cái xô bồ, tức tưởi của cuộc sống hôm nay, về với không gian tĩnh lặng để suy ngẫm, lý giải những câu hỏi vì sao: Vì sao ngày xưa, một thời đạn bom ác liệt, con người vẫn quyết sống để yêu nhau? Thiếu thốn trăm bề, mà vẫn trong sáng trong các mối quan hệ xóm làng, bạn bè đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới?  Vì sao ngày nay sống trong hòa bình mà nhân tình thế thái có bao nhiêu điều bất ổn, khiến cho cuộc sống tuy có đủ đầy mà vẫn cảm thấy không yên?

 

Trong những thời khắc khó khăn của cuộc sống, đôi khi con người ta đã tự huyễn hoặc mình bằng cách đổ mọi nguyên nhân cho lãnh đạo. Đành rằng, trong chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam giữa phong ba bão táp Đảng cũng thừa nhận và xin lỗi về những gì chưa làm được cho nhân dân, nhưng không phải vì thế mà làm cho niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bị mai một. Chỉ cần có chút hiểu biết sẽ dễ dàng nhận thấy sự băng hoại mọi giá trị đạo đức truyền thống có nguồn gốc sâu xa từ mặt trái của cơ chế thị trường, đó là tư tưởng hưởng thụ cá nhân, tôn thờ vật chất, quyền lực và bạo hành mà trong tiến trình đi lên của đất nước, khó có thể tránh được.

 

Sự thấu đáo ấy sẽ giúp chúng ta có thái độ bình tĩnh để nhìn nhận và đánh giá sự việc, để nuôi dưỡng niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là niềm tin có cơ sở từ cuộc sống hàng ngày ở mỗi gia đình, cũng như toàn xã hội.

 

Không tin sao được, khi còn đó những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, những Điện Biên Phủ mặt đất, Điện Biên Phủ trên không; vẫn còn đó một thắng lợi huy hoàng mùa Xuân năm 1975 thu giang sơn về một mối - những chiến công có sức vóc của Thạch Sanh và Phù Đổng Thiên Vương dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Không tin sao được, khi những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước đang hiện hữu trong bát cơm, manh áo và cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình; từ chỗ chúng ta thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu từ cái kim, cuộn chỉ, phân phối nhau từ viên đá lửa đến mỗi lưỡi dao cạo, còn bây giờ chẳng những ăn ngon, mặc đẹp mà hàng hóa còn đầy ắp trên các quầy hàng. Ở đâu ta cũng bắt gặp cảnh mua bán tưng bừng của người dân.

 

Và không tin sao được, khi có rất nhiều cán bộ, đảng viên trên mỗi cương vị vẫn đang ngày ngày tận trung với nước, tận hiếu với dân. Và nơi biên cương hải đảo đang ngày đêm có hàng ngàn chiến sĩ chắc tay súng giữ yên biển trời, bảo vệ toàn vẹn non sông gấm vóc…

 

Tất cả những điều đó đều bắt nguồn từ sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với Dân, giữa Dân với Đảng. Chỉ cần một chút công tâm, chúng ta cũng thấy niềm tin vào Đảng có  những chứng cứ không thể phủ nhận.

 

Tuy rằng vẫn còn đó những nỗi lo, bởi tiền bạc, công sức của nhân dân đang bị thất thoát. Lo bởi sự suy thoái đạo đức xã hội. Lo hơn là sự vô cảm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức trước nỗi khổ trăm bề của người dân. Chỉ có những người con chân chính, có lương tâm, trách nhiệm mới có những nỗi lo đáng trân trọng như thế. Nhưng lo không phải để bối rối, mà để toan tính góp sức, góp phần vào giải tỏa những nỗi lo, khơi dậy niềm lạc quan về một tương lai tươi sáng. Tin tưởng, lạc quan vốn là một trong những phong cách sống rất đáng tự hào của người Việt Nam, được thế giới hết lòng ca ngợi. Trong lịch sử, ngay cả vào những thời kỳ đen tối nhất, người Việt Nam cũng chưa bao giờ đánh mất niềm lạc quan của mình.

 

Một mùa xuân mới đang cận kề bên thềm cửa của mỗi gia đình. Trong khoảnh khắc rất đỗi thiêng liêng này, hãy tạm gác lại những lo toan, bề bộn của năm cũ, mở rộng tâm hồn đón nhận những luồng gió mới đang thổi từ tương lại, và nghĩ về những điều tốt đẹp đang chờ chúng ta ở phía trước…