Dẫu không vời vợi như Trường Sa, nhưng cũng biển trời cách mặt giữa trùng khơi quanh năm bốn bề sóng vỗ, Cồn Cỏ và Lý Sơn là hai hòn đảo tiền tiêu trên vùng biển Đông, miền trung của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và an ninh, quốc phòng. Những ngày giáp Tết Quý Tỵ, chúng tôi đã vượt sóng ra khơi, qua gần 350 hải lý cùng Đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân đến với quân và dân trên đảo. Đón nhận những món quà Tết và tình cảm từ đất liền gửi ra, đảo nhỏ rộn rã đón như mùa xuân đến sớm. Với các thành viên trong Đoàn công tác, chút thời gian ngắn ngủi, chợt đến chợt đi, vội vã như những chuyến hành quân đã để lại bao cảm xúc yêu thương về nơi biển đảo.
Hành quân trên biển
Đúng 15h Đoàn công tác nhận lệnh hành quân từ cảng Tiên Sa, Đà Nẵng theo hải trình Cồn Cỏ - Lý Sơn bằng tàu HQ628. 20 nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương cùng lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân cùng thuỷ thủ đoàn hăm hở lên đường. Lên tàu, biển động cấp 4-5, mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt, sóng bắt đầu đu đẩy mạn tàu. Phó Chính uỷ Bộ Tư lệnh, Trưởng đoàn công tác, Đại tá Bùi Văn Tám truyền lệnh: Hành quân! Chúng tôi, ai cũng lo âu, khi chưa một lần ra khơi trong tiết trời mưa, bão. Một số thành viên trong Đoàn cũng bắt đầu say sóng. Sau hồi còi kéo vang, con tàu bắt đầu rẽ sóng ra khơi.
Càng ra xa, sóng đánh càng dữ dội. Rồi đến khi con tàu chỉ còn mong manh như chiếc lá tre bé nhỏ trườn mình giữa bao la sóng nước, Đại tá Bùi Văn Tám mới trở lại trò chuyện với chúng tôi, anh tâm sự: “Xuất bến mà như thế là sẽ thuận lợi. Bởi lẽ cả hải trình chỉ có trận mưa và gió này là lớn nhất, khó khăn chỉ là ban đầu, nhưng khi đã vượt qua được thì tất cả chuyến đi sẽ rất dễ dàng, kinh nghiệm huấn luyện của thuỷ thủ cũng như vậy mà. Với chiến sĩ hải quân chúng tôi thì bất kể thời tiết, ngày hay đêm, nhận mệnh lệnh là hành quân. Chúng ta phải đi liên tục cả đêm, vừa tránh bão vừa tuần tra giúp ngư dân và các tàu đang lưu thông trên biển. Và quan trọng nữa là kịp mang Tết ra đảo cho quân và dân ngoài đó”.
Vượt qua những cơn sóng dữ, tàu đã vào vùng biển lặng ngoài khơi. Đêm đông trên biển thật tĩnh lặng, bốn bề đen đặc và êm như nhung, chỉ có tiếng máy hoà với sóng vỗ mạn tàu. Chốc chốc ngoài xa loé lên những ánh đèn của tàu cá đánh bắt xa bờ như thời khắc sao đổi ngôi trên nền trời, rồi lại như bị nhấn chìm sâu dưới con sóng. Thuyền trưởng Lê Văn Bình mắt không rời màn hình ra đa, những vẫn vui vẻ chuyện trò với chúng tôi. Anh kể: Đã nhiều năm tàu HQ 628 vận chuyển hàng hoá, đưa đoàn đi thăm, chúc Tết trên đảo, có năm bão đến bất ngờ, tàu lại phải quay về đất liền và Tết lại đến muộn, cũng có năm nhìn thấy đảo rồi nhưng sóng to, tàu không cập bến được phải đổi hải trình. Lênh đênh sóng nước, nhưng đến bữa ăn, 100% khẩu phần vẫn đủ, mỗi bữa, thuỷ thủ trên tàu thay phiên làm đầu bếp phục vụ Đoàn.
4h sáng, khi trời vẫn đặc sương mù, từ xa xa, ngọn hải đăng lấp loé phát ra từ đảo Cồn Cỏ. Cả tàu thức giấc trong sự thổn thức chất chứa niềm vui. Cồn Cỏ, đảo Anh hùng, từng vượt qua hơn một nghìn trận đánh ác liệt của giặc Mỹ những năm 1966-1968 vẫn hiên ngang giữa biển trời đang hiện hữu ngay trước mắt chúng tôi.
Mùa xuân đến sớm trên đảo
Tàu cập bến cũng là khoảnh khắc niềm vui như vỡ oà, tình cảm đất liền và hải đảo như quện chặt hơn trong vòng tay đồng chí, đồng đội. Chiến sĩ Trần Thọ Tân, Chính trị viên trạm ra đa xúc động tâm sự: “Anh em lính đảo mỗi lần được đón khách từ đất liền ra là đã thấy rất vui. Nhất là dịp cuối năm, cứ tàu ra là coi như Tết đến. Từ chiều qua, chúng tôi đã chuẩn bị bánh chưng, sôi, thịt gà cá biển… để mời Đoàn ăn Tết với lính đảo ”. Trước sảnh lớn của Trạm ra đa, chiến sĩ trên đảo đã trang trí hai cành đào phai và mai vàng rực rỡ được tạo ra từ giấy và phẩm màu, kết trên cành phi lao cằn cỗi. Bí thư Huyện đảo Cồn Cỏ - Lê Quang Lanh không giấu nổi niềm vui, hát liền bốn ca khúc về biển đảo quê hương thật hùng hồn cho chúng tôi nghe. Rồi anh cho hay: Xuân này với Đảng bộ, quân và dân Cồn Cỏ thật là vui, khi lần đầu tiên lượng khách du lịch đến đảo nhỏ chỉ hơn 2,5km2 thôi đã đạt tới con số trên 1.000 người; thu ngân sách trên địa bàn vượt ngưỡng 1 tỷ đồng, vượt trên 50% kế hoạch năm; huyện đảo tự túc thâm canh được trên 10 tấn thực phẩm và 100% dân số trên đảo được sử dụng nước ngọt trong năm.
Niềm hân hoan của những người lính đảo khi đón tàu ra từ đất liền
Còn đối với quân và dân trên đảo Lý Sơn, ý nghĩa mùa xuân đến sớm khi những lá thư, những gói quà Tết của quê hương được chuyển từ đất liền ra trao tận tay chiến sĩ. Chiến sĩ Từ Đình Cảnh, quê ở huyện Sơn Tĩnh, Quảng Ngãi, năm đầu tiên đón Tết ở đảo, nhưng rất vui khi nhận được thư và quà quê hương chuyển đến chúc Tết, anh tâm sự: “Tuy xa nhà, nhưng với ngư dân trên đảo, ai cũng là mẹ, cha. Vậy nên khoảng cách giữa đảo với đất liền không có gì xa xôi, chúng tôi luôn xác định đảo là nhà, biển cả là quê hương, màn hiện sóng ra đa là chiến trường”. Còn với nhân dân trên đảo, xuân đến sớm chính là niềm vui được mùa từ đánh bắt hải sản xã bờ, năm 2012, huyện có 426 đội tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng hải sản thu đạt trên 35 nghìn tấn, tăng 10% so với năm 2011. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chủ yếu thâm canh gần 600ha cây tỏi, hành tím đặc sản, giá trị sản lượng đạt trên 16 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người dân trên đảo đạt trên 13 triệu đồng/năm, tăng trên 20% so với năm 2011. Đồng chí Nguyễn Tài Luân, Chủ tịch UBND huyện đảo phấn khởi cho biết: Mặc dù năm 2012 tình hình kinh tế khó khăn, nhưng Đảng bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo vẫn vững vàng cùng nhau vượt qua khó khăn, 26 Tết này đảo chỉ còn chuyến tàu hàng cuối cùng từ đất liền ra, nhưng bà con, chiến sĩ trên đảo đã có lá gói bánh chưng và mai, đào đón xuân.
Mắt thần canh biển
Mênh mông sóng gió giữa trùng khơi, mỗi một ngư dân, một chiến sĩ đang công tác ngoài hải đảo đều có những vai trò đặc biệt trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Như lời tâm sự của đồng chí Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn khiến chúng tôi càng hiểu thêm sâu sắc về câu chuyện lịch sử của Hải đội Hoàng Sa năm xưa, đồng chí nói: “Mỗi ngư dân, mỗi con tàu ngày đêm lênh đênh ngoài khơi, trên các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa chính là những cột mốc về chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Chúng ta ra khơi đánh bắt hải sản, cũng là bám biển canh cho từng lãnh hải an vẹn toàn.” Năm 2012, ngư dân hai huyện đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn đã phat hiện, cùng với bộ đội biên phòng, hải quân đẩy lùi trên 600 tàu nước ngoài xâm nhập trái phép lãnh hải nước ta. Đối với chiến sĩ tàu HQ 628, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu luôn được đặt lên cao nhất. Các anh chiến đấu với bão biển, đấu trí với các hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của tàu nước ngoài. Chiến sĩ Hoàng Nguyên Mịnh, Chính trị viên của tàu nhớ lại: “Năm 2006, sau gần 40 giờ đồng hồ vật lộn với song gió cấp 9-10 của cơn bão Chan-chu, thuỷ thủ đoàn quyết tâm vào tâm bão để cứu tàu cá DNa 90370 có 28 ngư dân đang lay lắt trong giông tố, sau 7 ngày đêm không ngủ, tàu HQ 628 đã cứu được ngư dân vào bờ an toàn”. Mưu trí và dũng cảm, Thuyền trưởng Lê Văn Bình từng hãm máy, bí mật đưa tàu và sát vị trí đảo có sự kiểm soát của nước ngoài trên Vịnh Bắc bộ, để kéo tàu của ngư dân Quảng Ngãi bị hỏng đang trôi. Anh kể: “Tàu nước bạn phát hiện, ra hiệu lệnh và bằng mọi cách chèn ép, có lúc như muốn thúc cho chìm tàu của ta, nhưng chúng tôi đã kịp thời phát đi những tín hiệu cứu hộ, nhân đạo, bằng việc thay cờ chữ thập giữa lúc sóng to, rồi thậm chí bị uy hiếp bằng vòi rồng phun nước của tàu phía bên kia, cuối cùng cả thuỷ thủ đoàn và ngư dân đã trở về an toàn trong niềm vui chiến thắng bằng mưu trí và bản lĩnh”. Với chiến sĩtrạm ra đa, công việc như tĩnh hơn các thuỷ thủ, nhưng tất cả đều luôn phải tự rèn luyện, học tập để làm chủ thiết bị và rèn luyện kỹ năng phát hiện mục tiêu, bất kể điều kiện thời tiết, ngày cũng như đêm. Ngay tại vị trí đỉnh đồi của đảo Cồn Cỏ năm xưa, Anh hùng Thái Văn A đã dũng cảm vượt qua bom, đạn của đế quốc Mỹ để quan sát biển báo cho đất liền, thì nay là trạm ra đa và ngọn đèn hải đăng. Nơi đây đang tiếp tục phát động các đợt thi đua cao điểm với khẩu hiệu “Tinh thần Thái Văn A, quyết chiến, quyết thắng”. Chính vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ quan sát, cảnh giới và báo cho các tàu lưu hành trên biển an toàn, chiến sĩ trạm ra đa cùng với cán bộ, nhân viên đèn hải đăng còn tham gia cứu hộ, phát hiện kịp thời các tàu cá, tàu hàng gặp sự cố.
Dẫu không còn tiếng bom gào, đạn xé nhưng những ngư dân, những chiến sĩ hải quân, bộ đội đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo xã xôi hôm nay đang trở thành những Thái Văn A trong thời bình, vẫn hiên ngang như những cột mốc giữ biển khơi. Như Nhạc sĩ Văn An trong bài hát “Thái Văn A đứng đó” đã có những câu hào sảng, xúc động: “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/ Như ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/ Thái Văn A đứng đó…/ Yêu đảo như quê giây phút chẳng rời/ Mắt dõi tầm xa canh giữ biển trời…”.