Nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa là cô gái duy nhất trong 15 người tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập rạng sáng mùng 2 Tết 1968.
Lần theo con đường 20, phường 6, quận Gò Vấp - T.P Hồ Chí Minh, tôi tìm đến ngôi nhà của nữ biệt động Sài Gòn Vũ Minh Nghĩa (bí danh Chính Nghĩa) trong những ngày T.P Hồ Chí Minh long trọng kỷ niệm 45 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Bằng giọng trầm ấm, bà đưa tôi về những ký ức hào hùng 45 năm trước với nhiều mất mát đau thương nhưng cũng rất hào hùng trong trận đánh vào Dinh Độc Lập.
Gia đình biệt động
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép (xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi – T.P Hồ Chí Minh), bà Chính Nghĩa sớm giác ngộ rồi tham gia cách mạng. Người dân ở mảnh đất anh hùng này gọi gia đình bà là “gia đình biệt động” bởi trong cả 8 người theo cách mạng, có đến 5 người gia nhập lực lượng biệt động. Trong đó, 3 người đã hy sinh, 5 người may mắn sống sót nhưng đều là thương binh.
Ngay từ nhỏ, cô bé Chính Nghĩa đã nhanh nhẹn, thông minh. Khi các dì, các mẹ ở Củ Chi biểu tình đấu tranh chống địch, chẳng ai bảo, cô đã đi mua mía về tiếp tế. “Con bé 7 tuổi ngày đó cong lưng đạp xe chở cả vác mía lớn đã được chặt gọn gàng rồi vừa phát cho từng người vừa nói “Mấy dì cầm mía, vừa làm vũ khí đánh giặc vừa để giải khát nghen”. Sau này, các mẹ, các dì ở Củ Chi cứ nhắc mãi chuyện về con nhỏ Chính Nghĩa” - bà tự hào.
Lớn hơn một chút, bà tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Năm 1960, cùng với phong trào Đồng Khởi, cô bé Chính Nghĩa mới 13 tuổi đã làm giao liên cho cán bộ hoạt động bí mật ở xã. Ngày đó, nhà nhà, người người ở Củ Chi theo cách mạng nên bị đàn áp, ruồng bố triền miên. Địch liên tục đốt nhà, giết những người theo cách mạng và hãm hiếp các cô gái trẻ. Ngôi nhà lá của gia đình bà Chính Nghĩa bị giặc đốt đến 5 lần, cứ dựng lên, chúng lại đốt.
Bà Chính Nghĩa cho biết ngọn lửa căm thù giặc trong bà càng được thổi bùng mạnh mẽ trước sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Sài Gòn đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara không thành vào năm 1964. “Trước tấm gương anh dũng của anh Trỗi, chỉ có cầm súng chiến đấu mới thỏa được mong ước của tôi” - bà quả quyết.
Mong muốn lớn nhất
Chính lúc đó, người con gái đất thép đã nung nấu ý định tham gia lực lượng biệt động. Gần 1 năm sau, cơ hội đến với bà khi Đội 5 Biệt động Sài Gòn tìm kiếm một cô gái dũng cảm để làm nhiệm vụ liên lạc với trung tâm TP. “Đây là nhiệm vụ rất nguy hiểm với phụ nữ nên tiêu chuẩn tìm người rất khắt khe... Cuối cùng, tôi lúc ấy 18 tuổi được chọn” - bà Chính Nghĩa rạng rỡ nhớ lại.
Sau khi đi học khóa trinh sát mặt đất, bà Chính Nghĩa được giao một tấm bản đồ Sài Gòn để nắm bắt từng ngóc ngách rồi thực hiện nhiệm vụ liên lạc từ Củ Chi về TP và ngược lại. Làm tốt nhiệm vụ được giao, bà được cấp trên đặt cho biệt danh “Chiến sĩ tên lửa”. Song, mong muốn lớn nhất của bà vẫn chưa thành hiện thực.
Gần Tết 1968, bà Chính Nghĩa được ông Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), Đội trưởng Đội 5, dò hỏi: “Em có nguyện vọng gì không?”. Không một giây suy nghĩ, bà đáp: “Liên lạc, vận chuyển vũ khí, đưa thư từ, nhiệm vụ nào em cũng làm rồi. Giờ em chỉ có một nguyện vọng là trực tiếp cầm súng chiến đấu”. Khi ông Ba Thanh đồng ý, bà mừng vô cùng vì không ngờ, lần đầu xung trận lại được đánh lớn. “Lúc đó, máu trong người tôi sôi lên, trong đầu cứ vang lên tiếng reo “tấn công giải phóng Sài Gòn” - bà nhớ lại.
Chiến đấu tới viên đạn cuối cùng
“Đó là ngày hạnh phúc nhất nhưng cũng bi thương. Hạnh phúc khi được cầm súng chiến đấu nhưng buồn đau vì đồng đội của mình hy sinh quá nửa, số còn lại thì bị thương” - bà Chính Nghĩa hồi tưởng thời khắc đội biệt động đánh vào Dinh Độc Lập mùng 2 Tết 1968.
Theo bà Chính Nghĩa, trước giờ xuất quân, đội trưởng Ba Thanh mới thông báo thay đổi mục tiêu công kích sang nơi quan trọng hơn là Dinh Độc Lập và cố giữ trận địa 15-30 phút sẽ có quân chi viện. “Dù bất ngờ nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mọi người thề với nhau sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng dù phải hy sinh” - bà nhớ lại.
Rạng sáng mùng 2 Tết, 15 chiến sĩ biệt động đi trên 3 xe tải nhỏ và 2 xe máy tiến vào cổng sau Dinh Độc Lập. Chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào... “Không thể vào trong, chúng tôi chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự, chúng tôi vẫn chưa thấy quân ta tiếp viện” - bà Chính Nghĩa kể. Bỗng nhiên, có 2 ánh đèn pha ô tô rọi đến, bà hoảng hốt kêu lên: “Không phải quân ta anh Ba ơi, địch đấy!”.
Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày. Tám người đã anh dũng hy sinh, số còn lại dù bị thương nhưng vẫn kiên cường chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. “Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên khi tôi tận mắt chứng kiến những đồng đội thân thương của mình ngã xuống. Lúc đó, tôi nghe một tiếng “bịch”, nhìn lại thì thấy anh Ba máu me đầy người. Tôi định băng bó nhưng anh ngăn: “Anh bị thương nặng lắm, chắc không qua khỏi, hãy để băng dùng cho đồng đội khác”. Người đội trưởng đã hy sinh ngay trên tay tôi” - mắt bà ngấn lệ.
Lại được lệnh đánh Dinh Độc Lập
Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, bà Chính Nghĩa bị bắt. Dù bị tra tấn rất tàn bạo, dã man nhưng người con gái đất thép vẫn quyết không khai nửa lời. Địch đã giam bà qua hàng loạt nhà tù, cuối cùng đưa đến “địa ngục trần gian” - nhà tù Côn Đảo.
Năm 1974, bà Chính Nghĩa được trả tự do. Một lần nữa, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bà lại được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập nhưng khi mọi việc đang tiến hành thì mọi người vỡ òa sung sướng khi hay tin tổng thống chính quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng.