Tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm

10:35, 02/02/2013

Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng nước nhà.

Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã cùng với nhân dân cả nước vùng lên đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; xây dựng căn cứ địa và lực lượng vũ trang tiền thân (Cứu quốc quân II); bảo vệ các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ; chuẩn bị lực lượng cách mạng và tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh ngày 20/8/1945.

 

 

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dâp Pháp xâm lược (1946-1954), Thái Nguyên vinh dự được Trung ương chọn làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng An toàn khu. Nhiều quyết định của Trung ương liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời kỳ kháng chiến đã được quyết định tại ATK Định Hóa - Thái Nguyên.

 

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã động viên trên 48.000 người con của quê hương gia nhập các lực lượng vũ trang nhân dân, có mặt chiến đấu trên khắp các chiến trường ba nước Đông Dương, trong số đó có gần 8.000 người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, quân và dân Thái Nguyên đã chiến đấu hơn 400 trận, bắn rơi 61 máy bay các loại, trong đó có 2 chiếc B52…

 

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa Thái Nguyên từ một tỉnh nghèo, kém phát triển trở thành tỉnh đứng đầu trong khu vực trung du miền núi phía Bắc.

 

Năm 2012 là năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong bối cảnh chung của tình hình đất nước, tỉnh Thái Nguyên chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm cho kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh giữ vững ổn định và phát triển ở mức hợp lý. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,9% (cao hơn bình quân chung của cả nước); giá trị sản xuất công nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 29.600 tỷ đồng (theo giá thực tế ước đạt 39.040 tỷ đồng); tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 3.900 tỷ đồng; GDP bình quân đầu người đạt 25,7 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 446 nghìn tấn; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,93%, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 13,77%; giải quyết việc làm mới cho trên 22.600 lao động (vượt kế hoạch 41,25%); tai nạn giao thông giảm mạnh về cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và bị thương). Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ và đạt được kết quả khá toàn diện...

 

Những thành tích đạt được trên tất cả các lĩnh vực phát triển KT-XH của tỉnh năm 2012 có sự đóng góp rất quan trọng của các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu là các cuộc vận động và phong trào thi đua: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong công nhân lao động; phong trào “Người cán bộ công chức trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu” trong cán bộ, công chức, viên chức; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” trong các hộ nông dân; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị; phong trào “Thi đua quyết thắng” trong Quân đội; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo đảm an toàn giao thông”… Đặc biệt là phong trào thi đua “Xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông” và “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào rộng lớn, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

 

Những kết quả đạt được trong năm vừa qua là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta tiếp tục phát triển đi lên trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp; tăng trưởng kinh tế khó cao hơn năm 2012. Các vấn đề về lạm phát, giá cả tăng cao, sản xuất, kinh doanh khó khăn, tổng cầu của nền kinh tế phục hồi chậm... tiếp tục là những thách thức lớn đối với KT-XH của tỉnh. Từ tình hình trên đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm phấn đấu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2013, với chủ đề hành động là: “Tập trung tháo gỡ khó khăn kinh tế trong tỉnh; duy trì tăng trưởng hợp lý, tăng trưởng các ngành công nghiệp, dịch vụ, thu ngân sách cao hơn năm 2012. Đảm bảo an sinh xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là giao thông. Huy động các nguồn lực xã hội, tổ chức thành công Festival Trà Quốc tế Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ II”.

 

Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH và xuất phát từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước tỉnh Thái Nguyên năm 2013 với chủ đề “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, tôi phát động và trân trọng kêu gọi các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ và chủ trương, chính sách của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thành phần kinh tế; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư; đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

Hai là, tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, dự án đã được thông qua về xây dựng hệ thống chính trị, phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình hạ tầng giao thông, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, đô thị và công trình phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ. Tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển lâu dài, bền vững của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc Thủ đô Hà Nội.

 

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng công khai, minh bạch, đúng quy định, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện, tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án FDI và các dự án quan trọng trên địa bàn. Khuyến khích các đơn vị kinh tế đổi mới thiết bị, công nghệ, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và các dịch vụ đi kèm sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, đô thị, môi trường, các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

 

Bốn là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Huy động các nguồn lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả chương trình của tỉnh về hỗ trợ cho vay xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

 

Năm là, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế. Tập trung phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ theo các nghị quyết và kết luận của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI). Thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, nước sạch và vệ sinh môi trường, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

 

Sáu là, tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, lấy công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và thực hiện chính sách đối với cán bộ làm khâu đột phá. Tập trung làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương. Tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội...