Việt Nam không chỉ hội nhập kinh tế mà là hội nhập toàn diện, kể cả về chính trị cũng như đối ngoại và các lĩnh vực khác.
Nhân dịp đón chào Xuân mới 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn về những vấn đề quan trọng của đất nước cho sự phát triển bền vững.
PV: Thưa Chủ tịch nước, năm 2012 chúng ta đã đạt được kết quả gì trong thực hiện đường lối đối ngoại: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trên thế giới?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đại hội XI đã tiếp tục khẳng định với thế giới rằng, Việt Nam là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng thế giới, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và cùng có lợi; đồng thời chúng ta cũng nhấn mạnh một điều hết sức mới và quan trọng là: Việt Nam không chỉ hội nhập kinh tế mà là hội nhập toàn diện, kể cả về chính trị cũng như đối ngoại và các lĩnh vực khác.
Từ chủ trương này, chúng ta phát huy rất tốt những thành quả từ hoạt động đối ngoại đã đạt được trong những năm trước, nhiệm kỳ trước. Thông qua chính sách đối ngoại đúng đắn, bạn bè quốc tế đã ngày càng tin tưởng Việt Nam hơn, ủng hộ và tham gia tích cực hơn vào quá trình xây dựng và phát triển KT-XH của nước ta.
Chính vì thế, dù kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, nhưng vốn ODA cơ bản không giảm so với năm trước, vốn FDI đăng ký mới thấp hơn nhưng phần vốn thực hiện vẫn xấp xỉ năm trước, góp phần duy trì phát triển trong điều kiện hết sức khó khăn, tiếp tục củng cố vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. Lập trường của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được bạn bè quốc tế chia sẻ, ủng hộ.
Năm 2012 đã có hơn 30 đoàn khách gồm nguyên thủ, người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan lập pháp của các quốc gia đã đến thăm và làm việc với Việt Nam và đều kỳ vọng về sự hợp tác trước mắt cũng như lâu dài với nước ta. Đó là những quan hệ hợp tác có lợi cả trên bình diện song phương và đa phương.
PV: Thưa Chủ tịch nước, triển khai đối ngoại cũng chính là phục vụ đối nội và ngược lại. Vậy chúng ta đã tận dụng lợi thế hội nhập như thế nào?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Để trả lời câu hỏi này, tôi xin nói lại câu chuyện về thời gian trước, khi chúng ta tham gia khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), nhiều người lo sợ Việt Nam sẽ bị thua thiệt. Thực tế không hẳn diễn ra như thế. Quan trọng là vì chúng ta đã chuẩn bị thực lực để giành thắng lợi trong hội nhập. Chúng ta vừa chuẩn bị thực lực vừa đi thẳng vào hội nhập. Do đó kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ, toàn diện trong một thời gian dài. Khi chúng ta tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng vậy, ở quy mô toàn cầu, chúng ta lo sức mạnh của những nước lớn, những nền kinh tế lớn sẽ chèn ép nền kinh tế Việt Nam.
Thế nhưng, nhìn lại những năm qua, sau khi gia nhập tổ chức toàn cầu này, kinh tế Việt Nam có điều kiện phát triển. Những suy giảm kinh tế thời gian gần đây không phải do gia nhập WTO mà do những nguyên nhân chủ quan và sự yếu kém của chính chúng ta. Chính vì vậy, Đại hội Đảng XI đã chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế và điều chỉnh chính sách để kinh tế vĩ mô ổn định. Muốn phát triển, chúng ta phải hội nhập với thế giới. Tôi cho rằng thắng lợi hay thất bại là do chính nội lực chủ quan của chúng ta. Mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành và toàn quốc phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong quá trình hội nhập. Đó là điều kiện, là tiền đề cho kinh tế trong nước phát triển.
PV: Phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế được coi là 3 lĩnh vực đột phá. Căn cứ những yếu tố này và thực tế đang diễn ra có đảm bảo cho thành công của Việt Nam, thưa Chủ tịch nước?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đại hội Đảng XI đã xác định những trọng tâm đó, Trung ương đã có những Nghị quyết chuyên đề, vấn đề là phải tổ chức thực hiện sao cho tốt.
Về hạ tầng, rõ ràng là sau 25 năm đổi mới, chúng ta có nhiều thành tựu, nhưng muốn phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì không thể chấp nhận hạ tầng như hiện nay. Trước hết là về hệ thống giao thông, mà cụ thể là về đường bộ chẳng hạn. Nhất định phải có hệ thống xa lộ đúng nghĩa. Hệ thống cảng biển cũng vậy. Đặt cạnh những nước tiên tiến trong ASEAN, chi phí cho một đơn vị hàng hóa tại cảng của chúng ta trung bình cao gấp đôi họ. Như vậy thì làm sao chúng ta cạnh tranh? Chính vì vậy, phải đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Chủ trương đã có nhiều rồi. Bây giờ là phải triển khai việc này.
Cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp phải được quan tâm hơn nữa. Không phải vì mở cửa làm một số doanh nghiệp chúng ta cạnh tranh kém, mà do chính những yếu kém của chúng ta. Tại sao người ta mở cửa cho anh bán hàng, anh không làm được cho tốt? Để khi người ta cũng bán hàng như mình, nhưng năng lực cạnh tranh tốt hơn, lại đổ cho sự “mở cửa” đó là không được. Yếu kém có phần quan trọng là do chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, điều này không chỉ là do các doanh nghiệp đâu, mà còn do chính chúng tôi, những người điều hành, lãnh đạo đất nước, khi chưa tạo ra được môi trường kinh doanh, chưa đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao thuận lợi cho doanh nghiệp.
Về thể chế, chúng ta đang sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Sau khi được Quốc hội thông qua cuối năm 2013, thì một loạt các văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung để cụ thể hoá và thực hiện theo bản Hiến pháp mới được ban hành. Trong đó, quan trọng là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Lượng công việc thực hiện rất lớn. Chúng ta đừng quên, đến năm 2015, tự do hóa thương mại không chỉ trong ASEAN mà còn là với cả Trung Quốc, một nền kinh tế khổng lồ, lớn thứ 2 thế giới hiện nay.
Đến những năm 2017-2018 sẽ tự do thương mại hoàn toàn giữa Việt Nam và các thành viên của WTO. Lúc đó, quan hệ doanh nghiệp các nước sẽ hoàn toàn sòng phẳng, theo những cam kết khi gia nhập WTO, chứ không thể “ngăn sông, cấm chợ” được nữa... Nhân tố chủ quan bên trong cần được rà soát và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách khẩn trương ở từng doanh nghiệp, địa phương, ngành và toàn bộ nền kinh tế. Kể cả lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương cũng phải soát xét lại “hành trang” của mình, đảm bảo cho công cuộc hội nhập đi đến thành công, giúp đất nước phát triển, thực hiện thành công CNH-HĐH theo hướng hiện đại vào năm 2020.
PV: Bước sang năm mới 2013, Chủ tịch nước muốn chuyển thông điệp gì tới người dân cả nước?
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chúng ta đã bước sang năm thứ 3 thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển ngày càng bền vững hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong 2 năm qua, kể cả năm 2013, chúng ta vẫn phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu lại nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước; nhưng đồng thời phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau. Vì thế, tôi mong rằng đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu trên mỗi cương vị khác nhau của mình để thực hiện tốt, thành công những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Tôi tha thiết mong nhân dân ta ấm no, hạnh phúc, đất nước ta hoà bình, thịnh vượng...
PV: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch nước!.