Ngày 4/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp trực tuyến với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 63 tỉnh, thành, phố để triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội chủ trì Hội nghị. Về phía đầu cầu của tỉnh có các thành viên của Đoàn ĐBQH; đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh; các cơ quan liên quan của tỉnh.
Tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, đã ban hành 7 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực lập hiến, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, bao gồm: Nghị quyết số 31 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết số 37 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Tòa án nhân dân (TAND) và công tác thi hành án năm 2013; Nghị quyết số 38 tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết số 40 về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII; Nghị quyết số 39 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định thi hành án về đất đai; Nghị quyết số 36 về việc tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại. Nghị quyết số 27 được ban hành tại Kỳ họp thứ 3 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Từ khi các Nghị quyết có hiệu lực ban hành, các cơ quan của QH, các Đoàn ĐBQH, Chính phủ, VKSNS tối cao, TAND tối cao; cơ quan, tổ chức hữu quan, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các Nghị quyết trên.
Để các Nghị quyết đi vào cuộc sống, đạt kết quả cao ở từng địa phương, trên toàn quốc, tại Hội nghị này, Ủy ban TVQH đã tập trung triển khai một số nội dung quan trọng và bàn giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động triển khai, giám sát các nghị quyết trên. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí cao về chủ trương mà QH đã đề ra, song cũng đề xuất: cần tăng cường giám sát của các cơ quan QH đối với các cơ quan của Chính phủ, TAND tối cao, VKSND tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai thực hiện các nghị quyết, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu QH đã đề ra, song cần có phương pháp khoa học, có hiệu quả. Kiên quyết không đưa vào chương trình kỳ họp những báo cáo không bảo đảm chất lượng. Để bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ cho các đoàn của QH, các cơ quan của QH cần thông báo sớm kế hoạch giám sát cho các Đoàn ĐBQH để có thời gian chuẩn bị về nội dung; sắp xếp thời gian tham gia tại các phiên họp đầy đủ và đóng góp ý kiến có chất lượng; có sự phối hợp giữa các đoàn giám sát của các ủy ban QH với các Đoàn ĐBQH ở các địa phương. Nội dung giám sát chuyên đề không nên dàn trải, nên tập trung vào những vấn đề xã hội, nổi cộm. QH cũng nên yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đánh giá việc triển khai các nghị quyết đã ban hành từ Kỳ họp thứ 2 và thứ 3 để nắm được ngành, địa phương nào làm tốt; chưa tốt, những vướng mắc trong quá trình triển khai. Đây cũng là thông tin để QH thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu Bộ, ngành, địa phương. Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nên xây dựng thông tin đầy đủ, chính xác. Tăng cường trách nhiệm của các ĐBQH; sự phối hợp với các địa phương để giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Các cơ quan có chức năng giám sát từ Trung ương đến địa phương thực hiện tốt chức năng của mình và lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Sự giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch, tránh trùng lặp, có chiều sâu. Sau khi nghe nội dung triển khai của QH, đồng chí Trương Thị Huệ, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác giám sát việc thực hiện các nghị quyết trên của QH tại địa phương; các ngành có liên quan tham mưu, tổ chức thực hiện giám sát theo nội dung của các nghị quyết đạt hiệu quả cao.