Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn giành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em. Điều đó được thể hiện qua 4 câu thơ của Bác:
"Yêu nhau mấy núi cũng trèo
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua
Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long"
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III (năm 1960), khi thảo luận về quan hệ giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước, Bác Hồ đã lấy ngón tay trỏ gõ gõ lên trán rồi nói: "Quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thật không có từ gì để diễn tả được vì sự đoàn kết gắn bó, thân thiết không giống bất cứ nước nào. Được như thế rất đặc biệt. Đúng rồi, phải gọi là quan hệ đoàn kết đặc biệt". Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào - Việt xuất phát từ những nhân tố điều kiện địa lý, lịch sử là hai dân tộc láng giềng cùng dựa vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, từ lâu đời đã thân hữu. Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, hai dân tộc, nhân dân hai nước đã dựa vào nhau, đoàn kết cùng nhau chống kẻ thù chung để tồn tại và phát triển".
Từ giữa những năm 1940, Bác Hồ đã khái quát quy luật tồn tại và phát triển của các nước Đông Dương bằng câu nói giản dị: "Việt Nam có độc lập thì Lào, Miên (Campuchia) mới có độc lập. Lào Miên có độc lập thì độc lập của Việt Nam mới được đảm bảo bền vững.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Hội nghị liên minh nhân dân 3 nước Đông Dương, Bác Hồ lại nói: “Kháng chiến của Việt Nam, Miên, Lào là chung của chúng ta, là bổn phận của chúng ta. Việt Nam kháng chiến có thành công thì kháng chiến của Miên, Lào mới thắng lơi và kháng chiến của Miên, Lào có thắng lợi thì kháng chiến của Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi”.
Bác còn dặn dò các cán bộ, bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào rằng: “…Thực ra không phải là giúp mà là làm nhiệm vụ quốc tế. Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cả hai nước Việt Nam, Lào đều chịu cảnh bom đạn tàn phá dã man. Máu xương của cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và máu xương của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Lào đã hòa quyện vào nhau trên khắp các chiến trường Lào và dọc theo suốt đường Trường Sơn lịch sư, vì nền độc lập, tự đo của hai nước. Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào là sản phẩm của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, đã được xây đắp bằng xương máu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Lào, bằng lịch sử cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của hai dân tộc.
Bác Hồ đã đi xa, nhưng tư tưởng vĩ đại cùng lời dạy của Người về thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc kết hợp với nhiệm vụ quốc tế trong sáng vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với cách mạng hai nước trong giai đoạn mới: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc khi các thế lực thù địch chưa từ bỏ dã tâm xóa bỏ chế độ mới của hai nước Việt - Lào. Trong giai đoạn này, việc không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt - Lào theo tư tưởng của Bác Hồ càng phải được quan tâm hơn bao giờ hết. Và tinh thần đó đã được thể hiện bằng việc ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày 18-7-1977. Năm 2012, hai Đảng, hai Nhà nước đã long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2012) và 35 năm ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2012).
Năm tháng đi qua, nhưng mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào sẽ luôn tồn tại bền vững bởi mối quan hệ ấy được xây đắp bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của hàng triệu người con của hai nước trong suốt những năm tháng qua.