Bám sát những định hướng lớn để tham gia ý kiến đóng góp

16:06, 13/03/2013

  Đây là vấn đề được đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh tại cuộc họp chuyên đề của HĐND tỉnh để lấy ý kiến tham gia của các đại biểu vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tổ chức ngày 13/3. Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Kim, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

 

Tải về bộ xem flash để có thể xem video này.

 

 

 

 

Đồng chí Vũ Hồng Bắc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc họp chuyên đề, yêu cầu các đại biểu bám sát các định hướng lớn sửa đổi, bổ sung là: về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân… phát huy trí tuệ tham gia đóng góp trên tinh thần dân chủ, độc lập, có trách nhiệm cao để đóng góp toàn diện cho Dự thảo.

 

Các đại biểu đã nghe báo cáo tình hình triển khai việc lấy ý kiến vào Dự thảo; nghe đồng chí Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ban Tư pháp của Quốc hội, thành viên Ban Biên tập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã phân tích các phần cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này: mục tiêu và yêu cầu sửa đổi; những nội dung cơ bản.

 

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã ghi nhận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh trong việc tham gia đóng góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

.

Đã cõ 13 ý kiến góp ý tại cuộc họp của các ban HĐND tỉnh, khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp, bổ sung một số ý để làm rõ nghĩa, chính xác về câu chữ vào các phần: tên gọi của Hiến pháp, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các nội dung khác của Dự thảo.

 

Kết thúc cuộc họp, đồng chí Vũ Hồng Bắc đã yêu cầu thời gian tới, Ban Chỉ đạo, các đại biểu HĐND cần tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, mở rộng quy mô, thành phần tham dự lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo.

 

 

Lược ghi một số ý kiến tại cuộc họp chuyên đề của HĐND tỉnh

 

Tại cuộc họp, đã có 13 đại biểu, đại diện các Ban của Hội đồng nhân dân tham gia những ý kiến tâm huyết của mình vào Dự thảo. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã lược ghi một số ý kiến

              

Nam và nữ có quyền và cơ hội ngang nhau

 

  Vi Thị Chung, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992 có 4 điều đề cập đến vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam và 9 điều liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình và bình đẳng giới. Tôi tham gia một số nội dung như sau:

 

Điều 27, dự thảo đã được thiết kế theo hướng ngắn gọn, nhưng mới thể hiện khía cạnh bình quyền, chưa bảo đảm sự tiến bộ và bỏ qua một số nguyên tắc bình đẳng giới quan trọng. Cụ thể như sau: - Tại Khoản 1 quy định về bình đẳng giữa nam và nữ theo tôi cần bổ sung để thể hiện nội dung: Nam, nữ bình đẳng và có quyền và cơ hội tham gia, đóng góp, hưởng thành quả lao động trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, gia đình; công dân nam, nữ có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong gia đình, tại nơi làm việc, học tập, lao động và các hoạt động xã hội khác. Quy định như vậy nhằm khẳng định nguyên tắc bình đẳng không chỉ về quyền mà còn bình đẳng cả về cơ hội cho cả nam và nữ trong tất cả các lĩnh vực; khẳng định trách nhiệm cùng chia sẻ của mọi công dân, nhằm bảo đảm mỗi người đều có điều kiện và cơ hội thực hiện quyền con người và quyền công dân của mình.

 

Tại Điều 40, Khoản 1 nên bổ sung cụm từ “ưu tiên” để nhấn mạnh hơn. Cụ thể là: “Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội ưu tiên bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Vì trẻ em là mầm non, là tương lai của đất nước. Đất nước có giàu mạnh, phát triển thì cả xã hội cần ưu tiên chăm lo, bảo vệ, giáo dục ngay từ khi các em còn nhỏ để sau này trở thành một tầng lớp thanh niên có sức khỏe, trí tuệ, tâm hồn để cống hiến phục vụ cho Tổ quốc và nhân dân.

           

Đề nghị Hội đồng nhân dân được thành lập ở các cấp hành chính

 

Ông Nguyễn Văn Mùi, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh: Về tổ chức chính quyền địa phương được thể hiện trong chương IX của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tôi thấy có một số vấn đề cần bàn thêm. Trong thực tiễn gần 70 năm kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là sự đảm bảo cho việc thực hiện Hiếp pháp, pháp luật của Nhà nước và các quy định của chính quyền Trung ương một cách có hiệu quả ở các địa phương. Bản Dự thảo Hiến pháp lần này đưa ra một quy phạm mở trong việc thành lập HĐND và UBND. Theo thiển ý cá nhân tôi cho rằng quy định như vậy là chưa ổn. Việc thành lập chính quyền các cấp phải là một nguyên tắc hiến định, phải được quy định trong Hiến pháp. Nước ta là một nước dân chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân ủy quyền cho các cơ quan Nhà nước thực thi các quyền đó. Chính quyền địa phương các cấp được tổ chức ra để thực hiện sự ủy quyền của nhân dân địa phương. Nếu quy định mở như Dự thảo dễ dẫn tới sự vận dụng một cách tùy tiện, thậm chí vi hiến. Chúng tôi đề nghị xem xét lại khoản 2 điều 115 và cần quy định rõ trong Hiến pháp: HĐND được thành lập ở tất cả các cấp hành chính.

 

Đề nghị có chính sách đặc thù đối với người dân tộc thiểu số

               

Ông Lương Văn Lành, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Định Hóa:  Mục Lời nói đầu: Tôi đề nghị thêm từ "hy sinh" sau từ "chiến đấu" cụ thể viết lại như sau: "Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù, sáng tạo, chiến đấu, hy sinh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường bất khuất của dân tộc và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam". Vì trải qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập tự do của tổ quốc, của nhân dân biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay.

 

Điều 5: Đề nghị bổ sung vào Khoản 2 nội dung: “có chính sách đặc thù với dân tộc ít người”. Nếu không có chính sách đặc thù đối với dân tộc ít người, vì một số dân tộc hiện nay chỉ có vài trăm người thì ngày càng có nguy cơ bị mai một. Tại Khoản 4 đề nghị thay cụm từ “thiểu số” bằng từ “ít người”, cho mọi người dễ hiểu.

 

Về Quyền lực Nhà nước là thống nhất và tập trung, một số ý kiến đóng góp: Tại Điều 5 của Dự thảo sửa đổi, bổ sung nên thêm 1 điểm thứ 5 với nội dung như sau: “Người nước ngoài đã được nhập quốc tịch Việt Nam và đang sinh sống trên đất nước Việt Nam thì cũng được áp dụng theo điểm 1, 2, 3 và 4 của Điều này.” Bởi lẽ, viết như vậy là để thể hiện quan điểm nhân quyền đúng đắn của Nhà nước ta khi đối xử bình đẳng với những người cùng có quốc tịch Việt Nam.

     

 Người khuyết tật cần được tạo điều kiện học và làm việc

 

Bà Phan Thị Thu Hằng, Tiến sĩ, Phó Trưởng khoa Sư phạm, Đại học Thái Nguyên: Tại Khoản 3, Điều 66 trong dự thảo có ghi: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp.

 

 Ở ý thứ nhất “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng” nhưng chưa có đối tượng. theo tôi nên cụ thể: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho mọi người (mọi công dân) học tập để phát triển tài năng

 

Và ý thứ 2: Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp. Theo ý kiến của cá nhân cần bổ sung thêm ngoài việc được tạo điều kiện học văn hoá và học nghề, cần bổ sung thêm được ưu tiên giải quyết việc làm cho đối tượng này.

 

Tóm lại Khoản 3 Điều 66 sẽ được bổ sung cụ thể như sau: Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho mọi người (mọi công dân) học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa, học nghề và được ưu tiên giải quyết việc làm phù hợp.

 

 

Nên bổ sung chức năng của báo chí

 

Đại biểu Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó ban Văn hóa Xã hội HĐN tỉnh: Tại ý 2, khoản 2, Điều 64 của Dự thảo tôi đề nghị bổ sung và sửa là: “Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin, văn hóa, giáo dục của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì các lý do sau: Theo Unesco, báo chí có 7 chức năng, trong đó có 3 chức năng được sự đồng thuận cao của mọi quốc gia, mọi chế độ là: Thông tin, văn hóa, giáo dục. Do vậy, nếu viết: “Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân” như Dự thảo thì báo chí chỉ có 2 chức năng là chưa chính xác. Bởi vì, từ trước đến nay, các cơ quan thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử ở các quốc gia luôn quan tâm đến chức năng văn hóa (bao gồm giải trí) và coi đó là một điểm sáng thu hút sự quan tâm của công chúng, cộng đồng. Về chức năng giáo dục, báo chí từ lâu đã được coi như một phương thức giáo dục thường xuyên dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi ngoài học đường và sau học đường. Đó chính là sứ mệnh cao quý của báo chí, góp phần nâng cao dân trí, nhân tố tiên quyết của phát triển.