Theo luật định, kiểm sát việc tuân theo pháp luật có vai trò to lớn trong đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và quốc phòng.
I. Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát nhân dân
1.Khái niệm kiểm sát chung, sau đó được gọi là kiểm sát việc tuân theo pháp luật ra đời cùng với khái niệm Viện Kiểm sát nhân dân. Theo luật định, kiểm sát việc tuân theo pháp luật có vai trò to lớn trong đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và quốc phòng.
Với nhận thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật không chỉ bảo vệ những quy phạm pháp luật cụ thể, mà trước hết là bảo vệ những nguyên tắc của Hiến pháp và luật pháp thể hiện trên 4 hướng chính:
Một là: Bảo vệ tài sản XHCN, chống mọi hình thức xâm phạm như: tham ô, hối lộ, trộm cắp, để hư hỏng, gây lãng phí, sử dụng trái phép tài sản XHCN, chiếm dụng vốn của Nhà nước và tập thể, biến của công thành của tư…).
Hai là: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, chống lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và quyền hạn của cơ quan Nhà nước, nhân viên Nhà nước theo pháp luật quy định. Đồng thời chống mọi biểu hiện dân chủ cực đoan, coi thường kỷ cương pháp luật trong xử sự của công dân.
Ba là: Bảo vệ các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của bộ máy XHCN, trước hết là tập trung dân chủ và nguyên tắc pháp chế XHCN, chống các biểu hiện cục bộ, bản vị, chủ nghĩa địa phương, tự do, tuỳ tiện trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Bốn là: Bảo vệ cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, chống các biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, hoạt động không theo đúng chức năng của tổ chức, không theo đúng quy định của pháp luật, tách rời hoặc đối lập giữa đường lối, chính sách của Đảng với pháp luật của Nhà nước, phát hiện kịp thời để ngăn ngừa hành vi vi phạm dẫn tới tội phạm.
Kể từ ngày thành lập (26-7-1960) đến năm 1992, công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật luôn được coi trọng và đã thu được những kết quả quan trọng. Công tác này được mở đầu bằng công tác kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật - là một công tác quan trọng do Quốc hội giao cho ngành Kiểm sát nhân dân. Hoạt động kiểm sát văn bản đã có những chuyển biến tích cực, nhờ kết hợp chặt chẽ với hoạt động kiểm sát những lĩnh vực và ngành kinh tế trọng điểm, mỗi năm ngành Kiểm sát đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị khắc phục hàng nghìn văn bản vi phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản của các Bộ, ngành ở Trung ương. Nhiều viện kiểm sát địa phương đã tổng hợp, kiến nghị với chính quyền địa phương mở hội nghị rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật còn tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật về lĩnh vực hành chính, kinh tế, đây là 2 lĩnh vực thường xảy ra vi phạm nhiều. Tính riêng từ năm 1960 đến năm 2000, ngành Kiểm sát đã tập trung kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm như: Nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, dự trữ quốc gia, kinh doanh xuất nhập khẩu, quản lý sử dụng ngoại tệ... Qua đó đã kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý trong lĩnh vực kinh tế. Hàng năm, ngành Kiểm sát kiến nghị, kháng nghị yêu cầu thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, yêu cầu khởi tố nhiều vụ án hình sự, dân sự, yêu cầu xử lý nghiêm minh những người vi phạm pháp luật nhằm khôi phục trật tự pháp luật trên các lĩnh vực kiểm sát…
Kể từ khi ngành Kiểm sát không còn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì công tác kiểm sát văn bản Nhà nước giao cho Bộ Tư pháp thực hiện, công tác kiểm tra về một số lĩnh vực giao cho Thanh tra Chính phủ thực hiện. Mặc dù các ngành đó đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả đạt được không được như mong muốn. Rất nhiều văn bản ban hành trái quy định pháp luật, nhiều hành vi tham ô, hối lộ, lãng phí… gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không được phát hiện, xử lý kịp thời, làm tổn hại đến nền kinh tế quốc dân, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân…
Thông qua nhiều vụ việc vi phạm, chúng ta có thể thấy nếu công chức Nhà nước làm việc hết tinh thần trách nhiệm, bản thân luôn chí công, vô tư và nếu có công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật thì tin chắc rằng sẽ sớm phát hiện được những vi phạm, hạn chế hậu quả đáng tiếc.
II. Ý kiến đề nghị
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật là nguyên lý của Lê nin: "Một đất nước chỉ có một pháp chế thống nhất”.
Từ ngày thành lập (26/7/1960) đến năm 2000, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện công tác này đạt được những kết quả quan trọng.
Kể từ ngày Nhà nước giao công tác này cho các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, đó là tính kịp thời, có nhiều vụ việc chưa được xử lý kiên quyết bởi các cơ quan trên đều thuộc Chính phủ (có biểu hiện vừa đá bóng vừa thổi còi).
Bên cạnh đó, chúng ta đã bỏ phí lực lượng cán bộ, kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, chuyển đội ngũ này sang làm việc khác. Trong khi đó nhiệm vụ kiểm sát văn bản lại giao cho Bộ Tư pháp, mặc dù Chính phủ mới thành lập Cục Kiểm soát văn bản sau khi tổng kết việc thực hiện Đề án số 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhưng vì nhiệm vụ này vừa mới, vừa phải tổ chức lực lượng nên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì nội dung công tác này không được quan tâm đầy đủ trong nhiều năm.
Tuy Nhà nước đã thành lập kểm toán nhưng cũng chỉ thực hiện được những nội dung theo Luật Kiểm toán, còn việc chủ động phòng ngừa vi phạm pháp luật, phòng, chống tội phạm còn nhiều bất cập.
Để từng bước tăng cường, chủ động, tích cực thực hiện mục tiêu phòng, chống vi phạm pháp luật và phòng, chống tội phạm, đề nghị Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bổ sung chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật cho Viện Kiểm sát nhân dân như tôi đã trình bày ở trên.