Chủ tịch nước nói chuyện với các cựu tù binh Phú Quốc

16:28, 15/03/2013

Chủ tịch nước: “Nhớ lại hơn 40 năm về trước, cũng tại nơi này anh em ta đã sống trong bầy sói hung dữ…”.

Sáng nay (15/3), tại Khu di tích Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang cùng với Ban Liên lạc Tù binh Việt Nam long trọng tổ chức cuộc gặp mặt kỷ niệm 40 năm chiến thắng trở về và lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại Phú Quốc.

 

 

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, đại diện các lực lượng vũ trang, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự có mặt của hơn 1.500 đại biểu là chiến sĩ cựu tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc khắp nơi trên cả nước.

 

2 câu đối trên sân khấu với nội dung: “Địa ngục trần gian ngời bất khuất/ Đòn roi trung cổ sáng tâm trung” đã thể hiện tinh thần bất khuất của các cựu tù binh ở  Trại giam Tù binh Cộng sản Việt Nam/ Phú Quốc cũng như sự khắc nghiệt, dã man nơi đây.

 

Gặp lại nhau tại nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, hơn 1.500 cựu tù binh không khỏi bùi ngùi, xúc động ôn lại những kỷ niệm đấu tranh khi còn ở trong tù và cũng lặng lòng, rơi nước mắt khi nhớ lại những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây, gửi trọn tuổi thanh xuân vào đất mẹ.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng là một trong những cựu tù binh Phú Quốc có bài phát biểu đầy xúc động trong buổi họp mặt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các địa phương, cơ quan ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội phải chăm lo cho các cựu chiến binh, nhất là đối với những cựu chiến binh tuổi cao, sức yếu, bị di chứng của những đòn roi tra tấn của kẻ thù.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Mấy hôm nay, khi nhận lời tham dự cuộc họp mặt này, lòng tôi thật sự bồi hồi và xúc động. Nhớ lại hơn 40 năm về trước, cũng tại nơi này anh em ta đã sống trong bầy sói hung dữ. Lúc nào giám thị, quân cảnh cũng sẵn sàng thẳng tay hành hạ, đàn áp tù nhân. Lúc đó tuổi đời của anh em chúng ta chỉ trên dưới đôi mươi nhưng dưới sự lãnh đạo khéo léo, tài tình của Đảng ủy, chi bộ của từng phân khu giam, anh em ta đã đoàn kết thành một khối vững chắc, kiên cường chiến đấu trong một thế trận mới, sẵn sàng nhận mọi sự hy sinh mà không tính toán thiệt hơn bất cứ điều gì”.

 

Trong thời gian từ năm 1967 đến năm 1973, lúc cao điểm nhà tù này đã giam cầm gần 40.000 chiến sỹ cách mạng. Hơn 4000 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Bất chấp sự tàn bạo và khủng bố khốc liệt của kẻ thù, Chi bộ Đảng vẫn đựơc thành lập và họat động bí mật trong nhà tù.

 

Chi bộ Đảng đã lãnh đạo tù nhân đấu tranh và tổ chức sinh hoạt trong nhà tù, tổ chức các cuộc vựơt ngục nhiều lần thắng lợi. Sau khi HIệp định Paris được ký kết, cách đây 40 năm chính quyền Sài Gòn đã buộc phải thực hiện vịêc trao trả tù binh của Nhà tù Phú Quốc - Đây cũng là ngày đánh dấu “địa ngục trần gian” tại hòn đảo ngọc này vĩnh viễn bị xóa bỏ.

 

Ông Trần Nguyên Phò, cựu tù binh Phú Quốc, nguyên là Đảng ủy viên trong tù phụ tránh tuyên huấn nói: “Không có Đảng không làm được gì, phải khẳng định như thế. Trong tù càng thấy như thế. Nơi nào Đảng ủy thống nhất được với nhau thì dứt khoát đấu tranh sẽ thắng lợi”.

 

Năm ngoái Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lựơng Vũ trang Nhân dân cho cán bộ, chiến sĩ cựu tù binh Nhà tù Phú Quốc.

 

Đây là niềm vinh dự, tự hào của những chiến sĩ kiên trung cách mạng trong Nhà tù Phú Quốc nói chung và của những tù binh đã anh dũng hy sinh dưới đòn thù dã man, khốc liệt của địch tại nhà tù này.

 

Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cắt băng khánh thành Khu Di tích Lịch sử Trại giam Cộng sản Việt Nam / Phú Quốc giai đoạn 1.

 

Tháng 11/2008, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã khởi công dự án tu bổ tôn tạo Khu Di tích Nhà tù Phú Quốc với tổng kinh phí hơn 48 tỷ đồng, trong đó Khu trại giam B2 được phục chế các hạng mục gồm nhà giam tù nhân, pháo đài, chuồng cọp, nhà biệt giam, đường hầm vượt ngục điển hình nhằm lưu giữ các chứng tích lịch sử, giáo dục truyền thống, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử và tôn vinh truyền thống cách mạng dân tộc và thu hút khách tham quan.

 

Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc hiện có 3.305 ngôi mộ những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến, trong đó vẫn còn 1.788 ngôi mộ vô danh.