Chuyện về một điệp báo an ninh

10:01, 21/03/2013

Dịp 2/9 năm nay, Đại tá Dương Lê Phẩm, tức Lê Tuấn (tên thường gọi khi hoạt động cách mạng), ở tổ dân phố 3, phường Lương Châu (T.X Sông Công) tròn 85 năm tuổi đời và 65 năm tuổi Đảng. Có dịp ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi như được cùng sống lại một thời hào hùng của một điệp báo an ninh trong chiến dịch Tết Mậu Thân ngày nào...

Chăm chút cành mai vàng đang nở bung khi thời tiết ấm áp, điệp báo an ninh khi xưa Lê Tuấn nở nụ cười sảng khoái bảo: Tôi sinh ra ở miền Bắc nhưng có nhiều thời gian gắn bó với miền Nam nên muốn mang cây hoa mai ra ngoài này trồng cho đỡ nhớ. Trong những năm tháng chiến đấu, nhiều lần cận kề với cái chết, ông hiểu và trân trọng hơn giá trị của tự do, nhất là sự hy sinh của đồng đội cho mình được sống trong hòa bình. Được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước như Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy chương Chiến thắng hạng Nhì, Bằng có công với nước... nhưng với ông, niềm tự hào nhất là các con đều thành đạt. 2 người con của ông đã nghỉ hưu, còn 2 người đang công tác (một là Đại tá thuộc Cục Cơ yếu, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an; một là Phó trưởng Khoa Nội, Bệnh viện A Thái Nguyên).

 

 

Ông Lê Tuấn sinh ra trong một gia đình trung nông ở Tổng Niệm Quang, huyện Đồng Hỷ (nay là phường Lương Châu, T.X Sông Công). Gia đình sống gần Căng Bá Vân nên ông là 1 trong 6 thiếu niên ở địa phương được những người tù giác ngộ cách mạng từ sớm (năm 1942) và tham gia tổ chức Thanh niên cứu quốc do Căng Bá Vân tổ chức. Biết tiếng Pháp nên ông dễ dàng tiếp cận với những tên cai ngục để nắm thông tin báo cho các chiến sĩ cách mạng bên ngoài. Sau năm 1944, do có võ thuật nên chàng thanh niên Lê Tuấn đã được cử đi huấn luyện quân sự và làm công tác tuyên truyền vũ trang của Tỉnh đội. Cuối năm 1947, ông được cấp trên điều về công tác ở Văn phòng Tỉnh ủy Thái Nguyên. Ngày 2/9/1948, khi tròn 20 tuổi, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 6/1951, ông được bố trí làm trinh sát viên (Công an tỉnh) phụ trách việc bảo vệ chính trị, chống gián điệp. Năm 1962, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Công an T.P Thái Nguyên.

 

5 năm sau, tháng 8/1967, ông nhận lệnh vào chiến trường miền Nam, ở Ban An ninh, là Phó Tiểu ban điệp báo Đặc khu Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng) với nhiệm vụ "diệt ác, phá kèm". Ông kể: Công việc của tôi đòi hỏi phải tiếp cận với địch nên cán bộ của ta đã làm căn cước giả để các điệp báo viên chúng tôi vào nội thành của Đặc khu Quảng Đà, quận 1, 2, Hòa Vang, Điện Bàn, thị xã Hội An... Chỉ vài hôm sau khi vào Đà Nẵng, tôi đã có thẻ căn cước ghi tên: phóng viên Nam Phong của Báo Sài Gòn tiện cho việc tiếp cận với những tên cầm đầu Mỹ - Ngụy danh nghĩa để lấy thông tin viết báo nhưng thực chất là lấy những tài liệu mật của địch. Khi tôi chưa kịp vào nội thành thì địch tập kích, người làm giả căn cước hủy tư liệu nhưng chưa đốt hết nên địch đã phát hiện những tấm ảnh còn lại. Một tên bị địch bắt đã đầu hàng từng biết tôi khi làm Phó trưởng Công an T.P Thái Nguyên đã khai tên tôi nên chúng đã phóng to tấm ảnh của tôi để truy nã. Bức ảnh đó, tôi nhìn rõ vết sẹo trên má mình, ở dưới có đề dòng chữ: Ai bắt, bắn được Lê Tuấn sẽ được trao giải 1 triệu USD (cùng đồng chí Trần Thận, Phó Bí thư Đặc khu V). Kể đến đây ông cười và tiếp lời: Không ngờ mình lại có giá cao đến như vậy! Địch truy bắt gắt gao nhưng nhờ sự giúp đỡ của các anh em, tôi đã liên tục cải trang và trốn thoát, trở về vùng Điện Bàn, Điện Hồng tìm cách chỉ đạo đường dây liên lạc trong nội thành. Qua hệ thống thông tin vô tuyến điện và giao liên, tôi chỉ huy anh em đột nhập vào Hội An, Đà Nẵng, Vĩnh Điện, Duy Xuyên, T.P Đà Nẵng... Nhờ những cán bộ bí mật trong nội thành dưới danh nghĩa các doanh nhân, ông Tuấn đã đột nhập và ở lại trong nội thành, trực tiếp chỉ đạo công tác điệp báo và nắm nhiều thông tin có giá trị báo cáo cho cấp trên để có phương án đối phó phù hợp, phát hiện không ít tên phản gián để lực lượng trinh sát vũ trang tiêu diệt.

 

Một kỷ niệm ông cũng không thể nào quên đó là về người đồng đội đã cứu ông thoát khỏi cơn nguy nan để sống và tiếp tục chiến đấu. Đó là đồng chí Phạm Quang Sáu, quê ở Nam Tiến (Phổ Yên), phụ trách bảo vệ nội bộ (lúc ở Thái Nguyên, ông Sáu phụ trách công tác ngoại tuyến: hóa trang để theo dõi gián điệp. Trong chiến dịch Tết Mậu Thân, ông Tuấn được ông Sáu bảo vệ nhiều lần. "Nếu không có ông ấy mạng tôi đã không còn"- Cựu điệp báo an ninh xúc động nói: Chiến trận đầy máu lửa và ác liệt, biệt kích địch đóng trên núi cao, dùng các phương tiện quan sát, quân ta nếu không có hầm bí mật sẽ bị chúng tiêu diệt ngay. Sau Tết Mậu Thân, vùng Điện Tiến bị địch san bằng, làm hàng rào điện tử McNamara gồm căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản là rào dây thép gai, bãi mìn và các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không; rađa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn... được bố trí liên hoàn. Một lần, khi địch đổ quân xuống, ông Phạm Quang Sáu sau khi đậy hầm cho ông Tuấn và đồng chí xã đội trưởng Điện Bàn thì bị trực thăng bắn và địch bắt về thị xã Hội An (Quảng Nam nay). Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng ông Sáu đã quyết không khai những đồng đội của mình. Nhờ vậy ông Lê Tuấn và những điệp báo khác được an toàn.