Đã có 15 triệu lượt góp ý kiến về sửa đổi Hiến pháp

08:01, 26/03/2013

Nhìn tổng thể, có số lượng khá lớn ý kiến tán thành, nhất trí với các nội dung, điều khoản cụ thể của Dự thảo Hiến pháp.

Ngày 25/3, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo góp ý kiến dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội thảo với sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành và 12 tỉnh, thành phố phía Bắc.

 

 

Kết quả tổng hợp cho thấy, gần 3 tháng qua, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức khoảng 28.000 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 15 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong đó, tất cả các chương của dự thảo đều có các ý kiến đóng góp.

 

Nhìn tổng thể, có số lượng khá lớn ý kiến tán thành, nhất trí với các nội dung, điều khoản cụ thể của Dự thảo thì cũng có một lượng lớn các ý kiến góp ý đề nghị sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn bản dự thảo.

 

Đại diện cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết: Các địa phương có phương thức tuyên truyền rất tích cực để nhân dân và các tầng lớp xã hội nắm được nội dung sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, tập trung ý kiến nhiều nhất là chương về quyền con người với hơn 5 triệu lượt ý kiến phát biểu. Cơ bản nhân dân ghi nhận và đồng tình rất cao với một số điểm mới trong Hiến pháp, nhất là vấn đề liên quan đến quyền dân chủ của nhân dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và phương thức để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đầy đủ hơn.

 

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Dự thảo báo cáo góp ý sâu về Chương 7 (Chính phủ) và Chương 9 (Chính quyền địa phương).

 

TS Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng: “Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, các quyền lực Nhà nước kiểm soát lẫn nhau. Hơn nữa, trong chức năng hành pháp của Chính phủ đã bao hàm nội dung chấp hành. Nếu tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành sẽ hạn chế tính chủ động của Chính phủ”.

 

Đồng tình với đề xuất bổ sung quyền của Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi của việc bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm.

 

Cũng có ý kiến đề nghị quy định bổ sung quyền của Chính phủ đề xuất với Quốc hội xem xét lại dự án luật chưa đảm bảo tính khả thi. Đồng thời chuyển một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng Nhân dân sang cho Chính phủ như thẩm quyền bãi bỏ các nghị quyết sai trái của HĐND cấp tỉnh; giải tán HĐND cấp tỉnh khi làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi tích của nhân dân…

 

Liên quan đến chương chính quyền địa phương, đại diện nhiều tỉnh, thành tham gia hội thảo đề nghị cần quy định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

 

Phó Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Bích nêu ý kiến: “Tôi đề nghị chính quyền địa phương, HĐND được thành lập ở hai cấp với chính quyền đô thị và ba cấp đối với chính quyền nông thôn. Ở các cấp chính quyền đều có cơ quan dân cử, được người dân ủy nhiệm…”.

 

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 đã tích cực làm việc để xây dựng dự thảo báo cáo.

 

Với các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo tiếp tục rà soát hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

 

Tính đến ngày 25/3, Bộ Tư pháp đã nhận được 29/30 báo cáo kết quả lấy ý kiến của các Bộ, ngành, 59/63 báo cáo kết quả lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

 

Tuy nhiên, vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo muộn, thậm chí đến nay chưa nhận được báo cáo.