Vào đúng ngày này 55 về trước (2/3/1958), Bác Hồ cùng phái đoàn Chính phủ đã về xã Yên Thịnh (nay là xã Đào Xá), huyện Phú Bình thăm Trạm thủy luân chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta xây dựng tại kè Lũ Yên. Chính tại nơi này, Bác đã căn dặn người dân phải biết đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, thi đua đóng góp cho Nhà nước… Hôm nay đây, trên mảnh đất này, cuộc sống của người dân đang có nhiều đổi thay; địa điểm Bác dừng chân năm 2006 đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng 1 văn bia…
Có mặt tại văn bia ghi dấu địa điểm Bác về thăm, đồng chí Tô Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, công trình này được xây dựng hồi giữa năm 2012 với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng. Theo lời kể của ông Dương Xuân Vạn, năm nay đã 80 tuổi, xóm Tân Sơn, nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn xã Yên Thịnh khi đó, người được chứng kiến ngày Bác Hồ đến thăm thì thông tin Bác về xã được giữ bí mật cho đến phút chót. Hôm trước, xã chỉ được thông báo ngày mai có phái đoàn của Chính phủ về thăm. Khi đoàn xe ô tô dừng lại, nhiều người đã nhận ra Bác Hồ. Thông tin đó được lan truyền nhanh chóng trong nhân dân. Nhiều người vội về thay nhanh bộ quần áo đẹp nhất để ra gặp Bác. Không ai bảo ai, mọi người cùng hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!… Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo ka ki, chiếc áo khoác đơn sơ và đôi dép cao su quen thuộc. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe mọi người, về mùa màng, rồi Bác chỉ tay về phía Trạm thủy luân, hỏi: Mọi người có biết từ đâu có cái máy này không? - Dạ là do Chính phủ cho địa phương ạ - Một cụ nhiều tuổi nhất trong đoàn trả lời.
Bác nói tiếp: " ...Bây giờ cải cách ruộng đất rồi, đồng bào có ruộng, có tổ đổi công, lại có nước thì phải tăng gia sản xuất để dành tiền mua máy bơm. Giá mua lúc đầu thì đắt đấy, nhưng dùng được hàng chục năm. Có ruộng, có nước lại có tổ đổi công thì làm ăn sẽ khá, đời sống sẽ được nâng cao. Nhân dân phải biết đoàn kết, đôn đốc, giúp đỡ lẫn nhau, thi đua đóng góp cho Nhà nước, sau đó Bác bắt nhịp hát bài ca “Kết đoàn”. Đối với người dân Đào Xá thì đó là những lời dạy chân tình, mà sâu sắc của Người và mãi còn khắc ghi đối với không chỉ với những người có mặt hôm đó, hồi đó mà nó vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận hôm nay. Mỗi lần có ai nhắc về ngày 2/3/1958, đôi mắt của ông Vạn lại bừng sáng, bao kỷ niệm của ngày ấy lại ùa về trong tâm trí ông.
Chiếc máy bơm tự động tại kè Lũ Yên không phải dùng điện hay sức người đạp mà dùng bằng sức nước chạy, có thể đưa nước lên đồng cao tới 12 thước. Ở chỗ nước chảy và mức nước chênh nhau 1 thước, mỗi giây có thể cung cấp được 30 lít nước, mức nước chênh nhau 3 thước thì mỗi giây đồng hồ máy có thể cung cấp được 52 lít. Với sức bơm ấy, một máy có thể đủ tưới cho một diện tích rộng từ 62-105 mẫu tây. Đến năm 1986, chiếc máy bị hỏng đã được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và thay thế vào đó là một chiếc máy mới có công suất lớn hơn, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu lấy nước sản xuất của người dân.
Cũng tại nơi đây, người dân địa phương sau này đã xây dựng được 3 công trình nhằm nhớ ơn Bác. Nằm bên phải kè là Trạm thủy nông phục vụ điện nước cho nhân dân trong xã; gò đất khi xưa Bác đứng nói chuyện đã trở thành vườn cây ăn quả do Hội người cao tuổi đứng ra đảm nhận. Năm 1992, khu nhà lưu niệm Bác cũng đã được xây dựng.
Đến Đào Xá, thăm địa điểm nơi Bác đã đứng ở đó nói chuyện với người dân, chúng tôi thấy vui hơn khi được biết, trong khuôn viên đặt văn bia di tích, ở phía sau, xã đang xây dựng Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của xã với tổng trị giá 3 tỷ đồng, trong đó nhân dân có trách nhiệm đối ứng 15% (tương ứng với 450 triệu đồng), nhưng hiện xã đã thu được gần 650 triệu đồng. 2 công trình trong 1 khuôn viên sẽ càng giúp việc giáo dục truyền thống và các giá trị lịch sử dân tộc cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ thêm thuận lợi.
Đào Xá hôm nay đang có nhiều đổi mới. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cũng như những mô hình cây, con cho năng suất, chất lượng cao ngày càng được triển khai, ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, qua đó góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tính đến năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 15,8 triệu đồng/người/năm (tăng gần 4 triệu đồng/người/năm); năng suất lúa đạt 45-47 tạ/ha (tăng 3-5 tạ/ha) so với năm 2010; giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - xây dựng ước đạt 28 tỷ đồng; sản lượng thịt hơi đạt 564 tấn; tỷ lệ giảm nghèo trung bình 5 năm gần đây đạt từ 3%/năm trở lên; tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững, các tai tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi…
Tuy nhiên, so với sự phát triển chung của huyện cũng như tiềm năng, thế mạnh của địa phương thì Đào Xá vẫn còn là xã khó khăn của huyện Phú Bình, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm gần 31%; cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông và hệ thống kênh mương chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Theo đồng chí Tô Thanh Bình, xã đang đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tập trung thực hiện các tiêu chí này gắn với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tập trung quy hoạch và phát triển vùng sản xuất lúa cao sản; đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa; nhân rộng các mô hình trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao, như: chuối tiêu hồng, trồng hoa đào, khoai tây… nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trước mắt, trong năm 2013, xã phấn đấu tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên 18,5 triệu đồng/người; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 3.100 tấn (tăng hơn 400 tấn so với năm 2012); giá trị tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ - xây dựng đạt 32 tỷ đồng; duy trì đàn trâu, bò ở mức 2.500 còn; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,86% còn 10,8%...