Hiện nay, các thế lực thù địch đang tập trung tuyên truyền, lôi kéo, hướng dư luận nhân dân ta đi theo ý đồ của chúng là xem xét lại Điều 4, mục tiêu là sửa đổi (theo ý đồ của chúng) hoặc xoá bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nhằm thực hiện đa đảng, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xoá bỏ Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam.
Như chúng ta đều biết, đất nước ta được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, đất nước đang ngày càng phát triển, không ngừng đi lên như hôm nay là nhờ dẫn đường, chỉ lối, trực tiếp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vai trò lịch sử của Đảng là không thể phủ nhận. Hơn nữa, Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; ngoài lợi ích đó, Đảng không còn lợi ích nào khác; Đảng không có lợi ích gì cho riêng mình. Vậy thử hỏi, đa đảng là để lựa chọn đảng nào xứng đáng hơn? Hay đó chỉ là bức bình phong nhằm đưa thêm vào những đảng phái không xứng đáng, thậm chí đối lập, phản động… làm phức tạp tình hình, rối ren nội bộ, gây bất ổn chính trị? Nếu mơ hồ về chính trị, chúng ta sẽ đánh mất Đảng, đánh mất luôn cả những thành quả cách mạng to lớn mà Đảng và nhân dân ta đã dày công phấn đấu, hy sinh để đạt được trong suốt mấy chục năm qua. Đây là điều không thể chấp nhận.
Hiện nay, có những người dao động, muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là vì họ muốn từ bỏ con đường phát triển đi lên CNXH của nước ta. Họ muốn đi theo con đường Chủ nghĩa tư bản (CNTB) hoặc con đường khác chứ không đi theo CNXH. Khi đó, dĩ nhiên không cần đến vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản nữa. Đây là điều hết sức vô lý, vì con đường đi lên CNXH là con đường khoa học, con đường phát triển văn minh, tiến bộ mà loài người đang hướng tới. Đây cũng là con đường phát triển mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn và phải hy sinh rất nhiều xương máu, mồ hôi, nước mắt để có được. Ngày nay, chúng ta đang vững bước trên con đường đó. Thực tiễn cũng chứng minh rằng: Sự lựa chọn của chúng ta là hết sức sáng suốt, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đang mang lại sự phát triển ổn định cho đất nước.
CNXH là một mô hình xã hội ưu việt, là đích phấn đấu của cả loài người. Tuy nhiên, một xã hội như vậy phải có những nguyên lý tồn tại của nó, mà trước nhất về chính trị là phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là nguyên lý khoa học đã được chủ nghĩa Mác - Lê nin làm sáng tỏ. Trên thế giới, hiện cũng có nhiều mô hình phát triển gắn với tính chất XHCN, nhưng đó là những mô hình xã hội hướng tới CNXH, hay nói cách khác là họ cố gắng chắt lọc để dần thực thi từng phần ưu việt của chế độ xã hội này. Trong số đó có cả những nước đang phát triển và những nước phát triển; cả những nước do Đảng Cộng sản cầm quyền và những nước đa đảng không do Đảng Cộng sản cầm quyền; cả ở châu Âu, châu Á, châu Mỹ La tinh… Tất cả vẫn trong quá trình lựa chọn và quá trình thực thi trên con đường đi lên CNXH.
Những gì đang diễn ra trong thế giới tư bản, mà nổi bật là ở châu Âu với khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lan ra trên phạm vi toàn thế giới, kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay, đã khiến nhiều nhà nghiên cứu của CNTB phải xem xét lại lý thuyết “CNTB điều chỉnh” mà họ từng cho là “cứu cánh” giúp cho CNTB tồn tại, phát triển suốt mấy chục năm qua. Lý thuyết ấy đã từng giúp cho CNTB phát triển mạnh mẽ, tưởng như không thể đảo ngược, dường như muốn chứng minh rằng: CNTB là khoa học, là văn minh nhất, là không thể sụp đổ… Nhưng thực tế đã khác. Nền tảng kinh tế của CNTB vẫn lâm vào thoái trào, bế tắc, kéo theo sự bất ổn trong lòng của xã hội tư bản. Và chính các nhà nghiên cứu của CNTB đã phải đọc lại Mác, xem lại Chủ nghĩa Mác để thấy rằng, những điều này đã được Mác dự báo từ trước, rằng đó là kết cục tất yếu của CNTB; và muốn tránh nó, chỉ có con đường duy nhất là xoá bỏ CNTB để phát triển theo con đường CNXH. Phân tích như vậy để thấy rằng, những người dao động muốn sửa đổi, xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp nước ta nhằm thay đổi con đường phát triển của đất nước là những người đang còn mơ hồ trong nhận thức về sự phát triển của xã hội loài người.
Điểm thứ ba khiến không ít người dao động là do họ mất niềm tin vào Đảng. Đây là một sự thật. Đảng vĩ đại; Đảng có vai trò, sứ mệnh lịch sử… là điều không phải bàn cãi. Nhưng cũng như chính Bác Hồ và Đảng ta đã thừa nhận: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”... và “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán hai chữ cộng sản mà được người ta yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức...”. Trên thực tế, vừa qua đã xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, liên quan đến cán bộ, đảng viên. Hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy công quyền đã trở nên phổ biến. Những điều này đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng. Và khi dân không còn tin yêu Đảng nữa, thì họ không theo Đảng, thậm chí phủ nhận Đảng là điều dễ hiểu. Những hạn chế, khuyết điểm này, Đảng ta đã nhận ra và đang có những giải pháp, những hành động mạnh mẽ để khắc phục. "Điển hình nhất là việc đề ra và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Những việc làm đó đang lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, nhất là trong việc chỉnh đốn, sửa chữa những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên và những yếu kém trong tổ chức Đảng. Khi một Đảng đã dũng cảm nhận rõ khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm đó, thì không có lý do gì nhân dân lại không rộng lòng tha thứ để Đảng mạnh hơn, tốt hơn, làm tròn sứ mệnh của mình. Kết quả bước đầu sau một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã được người dân đồng thuận, ghi nhận, đánh giá cao; đã giúp cho bản thân Đảng mạnh hơn cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Có thể thấy, hiện nay đại bộ phận nhân dân vẫn tin yêu Đảng ta, mong muốn Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước và đi theo con đường CNXH. Như vậy, những người muốn sửa đổi, xoá bỏ Điều 4 của Hiến pháp vì lý do không còn tin yêu Đảng chỉ là một số rất ít trong xã hội của chúng ta. Họ không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cả dân tộc Việt Nam.
Với những phân tích như trên, bản thân tôi cho rằng, cần giữ nguyên Điều 4 của Hiến pháp như trong Dự thảo sửa đổi; khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Giữ Điều 4 của Hiến pháp là thể hiện nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, là để cho đất nước ổn định và phát triển.