Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992: Góc nhìn từ cơ quan tư pháp

08:05, 23/03/2013

Trong báo cáo kết quả lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được gấp rút hoàn thiện, chỉnh lý lần cuối, Bộ Tư pháp đã có nhiều kiến nghị cụ thể, tập trung vào các nội dung đang được dư luận quan tâm như thành lập Tòa án Hiến pháp, phân định chức năng, nhiệm vụ các thành viên Chính phủ...

Đề nghị thành lập Tòa án Hiến pháp

 

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) cho biết, Chương X - chương mới được bổ sung tại Dự thảo trong đó có quy định về Hiến pháp đã nhận được 251 ý kiến góp ý, tuy nhiên, chỉ có 35/251 ý kiến tán thành với toàn bộ dự thảo của chương. Đa số các ý kiến đề nghị cần lập Tòa án Hiến pháp thay vì lập Hội đồng Hiến pháp như Dự thảo.

 

Đi sâu phân tích khoản 2, Điều 120 về Hội đồng Hiến pháp, các ý kiến chỉ rõ chức năng chủ yếu của Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo mới chỉ là "kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật" của một số cơ quan nhà nước và có nhiệm vụ "yêu cầu" các cơ quan ấy "sửa đổi hoặc hủy bỏ" khi phát hiện các văn bản vi hiến. Quy định này cho thấy đây mới chỉ là cơ quan kiểm tra, kiến nghị, yêu cầu chứ không có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, văn bản pháp quy và quyết định không phù hợp với Hiến pháp. Nếu chỉ dừng lại ở kiểm tra, kiến nghị, các ý kiến cho rằng đây thực chất chỉ là cơ quan tư vấn của Quốc hội, chưa phải là thiết chế kiểm soát quyền lực và không có khả năng bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp. Mặt khác, nhiều người cũng lo ngại về tính khả thi của Hội đồng Bảo hiến vì nhiệm vụ này đòi hỏi những chuyên gia có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực, nhưng nếu chỉ được thành lập theo nhiệm kỳ sẽ dẫn đến sự cồng kềnh của bộ máy.

 

Chính vì vậy, rất nhiều Sở Tư pháp trong cả nước đã kiến nghị nên thành lập Tòa án Hiến pháp và cơ quan này phải có chức năng phán quyết chứ không chỉ nêu kiến nghị chung chung. Theo đó, Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền chính là bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp, quyết định các luật bị vi phạm hoặc vi hiến hay không, có xung đột với các quyền và quyền tự do Hiến pháp thiết lập hay không. Chẳng hạn khi kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, nếu thấy nó vi hiến là phải bãi bỏ ngay chứ không phải kiến nghị.

 

Về vấn đề này, ThS. Trần Ngọc Định (Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng, phương án tối ưu nhất nên đổi Hội đồng Hiến pháp thành Tòa án Hiến pháp. Nếu còn có ý kiến băn khoăn về việc tư pháp kiểm soát lập pháp thì có thể định danh theo mô hình Hội đồng Bảo hiến. Trong đó, hội đồng này có quyền ra phán quyết đối với các vi phạm Hiến pháp trong các hoạt động lập pháp, hành pháp.

 

Kiện toàn bộ máy, phân định rõ trách nhiệm

 

Qua 152 ý kiến góp ý về những nội dung thiết chế Chính phủ, Bộ Tư pháp nhận định, Dự thảo chưa có sự thay đổi cơ bản so với Hiến pháp hiện hành, các quy định về chức năng của Chính phủ vẫn chưa phản ánh được quá trình chuyển đổi tất yếu từ một Chính phủ "chấp hành" thụ động bằng mệnh lệnh sang Chính phủ chủ động khởi xướng, hoạch định, điều hành chính sách vĩ mô trong nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường. Dự thảo cũng chưa quy định chi tiết các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và còn có sự trùng lắp trong thẩm quyền lãnh đạo, quản lý giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng đối với UBND các cấp.

 

Cụ thể, tại Điều 100 của Dự thảo mới đề cao quy chế làm việc tập thể Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và thực hiện quyền hành pháp. Tại khoản 4 Điều 100 chỉ quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, trong khi đó, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ khác như các phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ lại không được quy định rõ ràng. Trên thực tế, Chính phủ có rất nhiều Phó Thủ tướng và được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng khác nhau nhưng nếu Dự thảo quy định "các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Chính phủ, Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách" thì sẽ không làm rõ trách nhiệm giữa phó thủ tướng và bộ trưởng. Ở đây cần tách bạch nhiệm vụ của các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng, Chính phủ, Quốc hội và cùng các thành viên khác chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội và chịu trách nhiệm về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách.

 

Để hoàn thiện quy định xác định trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Thủ tướng, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung như sau "các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ".

 

Còn tại Điều 104, để tiếp tục thể hiện được vị trí của các bộ trưởng là cầu nối giữa chức năng hành pháp và chức năng quản lý hành chính nhà nước, Bộ Tư pháp kiến nghị chỉnh lý theo hướng "Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội và nhân dân về lĩnh vực, ngành mình phụ trách và bị áp dụng chế độ miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật".