Chiến dịch Mậu Thân đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về ý chí chiến đấu, tinh thần dũng cảm của anh em đồng chí đồng đội.
“4 chiến sĩ trinh sát kinh nghiệm nhất, mỗi đồng chí mang một gói bộc phá C4 nặng 5kg, bí mật vượt qua hàng rào địch, đặt tại các vị trí xung yếu trong Ty Cảnh sát Cần Thơ. Đúng thời khắc giao thừa, thay vì tiếng pháo là tiếng nổ ầm vang của 4 gói bộc phá, quân ta đồng loạt nổ súng” - Đó là ký ức của cựu chiến binh Dương Quốc Trị, sinh năm 1937. Ông Trị sinh ra, lớn lên và sinh sống tại xóm Trại Cọ, xã Mỹ Yên (Đại Từ). Ngày 14/4/1962, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau thời gian đào tạo, ông trở thành trinh sát ngoại tuyến, thuộc đơn vị công binh E 20, Bộ Công an vũ trang. 15/3/1966, ông chính thức được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ông Trị nhớ rõ những ngày giáp Tết Nguyên đán năm 1968, cả Trung đội đang đóng quân ở U Minh Hạ thì nhận được lệnh hành quân đến Cần Thơ, khi đó ông đang là Trung đội Phó Trung đội trinh sát ngoại tuyến. Chiều 28 tháng Chạp năm Đinh Mùi (tức ngày 27/1/1968), Trung đội đến được căn cứ tại Cần Thơ, nhận lệnh đánh 3 cứ điểm quan trọng ở thị xã Cần Thơ là Ty Cảnh sát, Bộ Chỉ huy Quân sự vùng 4 và Đài Phát thanh. Trong trận đánh này, Trung đội kết hợp cùng Đội Biệt động Cần Thơ và Đại đội 20 (thuộc Tiểu đoàn Tây Đô 1) nổ súng đầu tiên, mở màn cho trận đánh vào đêm giao thừa Tết Mậu Thân tức đêm 30, rạng sáng ngày 31/1/1968.
Ông Trị tự hào kể lại: Đúng 21h đêm giao thừa, trời tối đen như mực, chúng tôi bí mật tiền nhập vào vị trí chiến đấu. 4 chiến sĩ trinh sát kinh nghiệm nhất, mỗi đồng chí mang một gói bộc phá C4 nặng 5kg, bí mật vượt qua hàng rào địch, đặt tại các vị trí xung yếu trong Ty Cảnh sát Cần Thơ. Đúng thời khắc giao thừa, thay vì tiếng pháo là tiếng nổ ầm vang của 4 gói bộc phá, quân ta đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ, quân địch tê liệt hoàn toàn, rơi vào thế lúng túng chống đỡ. Chúng tôi chủ động tấn công bằng hỏa lực mạnh, xung phong đánh áp sát, tiêu diệt phần lớn sinh lực địch, còn lại bắt sống gần 20 tên. Chưa đầy một tiếng, quân ta đã đánh chiếm hoàn toàn Ty Cảnh sát. Lúc đó là khoảng 1h sáng mồng 1 Tết, chúng tôi để lại một phần lực lượng bảo vệ Ty Cảnh sát rồi tiếp tục hành quân sang đánh chiếm Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật. Thời điểm này, ngoài đường hỗn loạn, quân đội Mỹ, Ngụy đang hoang mang chạy nháo nhác, trên đường vẫn còn vài người dân đi chơi Tết đang vội vã trở về nhà. Quân ta áp chế xe quân địch đang chạy trên đường tiến sang Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật. Khoảng 2h, quân ta đổ bộ cách căn cứ địch vài trăm mét, tập trung lực lượng, triển khai các mũi tác chiến và gấp rút tấn công. Cuộc chiến tại đây diễn ra ác liệt hơn, quân địch chống trả quyết liệt, nhưng vì bị đánh bất ngờ chúng không kịp trở tay nên chỉ sau một thời gian ngắn chiến đấu, quân ta đã giành thế chủ động. Sau đó, chúng tôi tiếp tục tổng tấn công trên tất cả các mũi, tiêu diệt hầu hết quân địch. Chiếm lĩnh Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật.
Cứ điểm tiếp theo là Đài Phát thanh thị xã Cần Thơ, sau khi tổ chức lại lực lượng, chúng tôi tiếp tục áp chế xe gấp rút tiến quân. Sau chưa đầy 30 phút hành quân, khi cách Đài Phát thanh 500m, quân ta tạm dừng để kiểm tra các đơn vị và triển khai cụ thể phương án tác chiến. Mũi tiến công của Trung đội trinh sát biệt động được giao nhiệm vụ thám thính và tiến công trước. Khi đến nơi chúng tôi mới biết địch không có ở Đài Phát thanh. Chúng tôi triển khai lực lượng giữ các phía xung quanh Đài, cho tìm cán bộ sử dụng Đài Phát thanh, nhưng không có đồng chí nào. Vì vậy bắt buộc 5 giờ sáng phải tiêu hủy các máy móc phát thanh của địch. Đồng thời thông báo về khu ủy chuẩn bị lực lượng đưa thiết bị phát thanh của ta vào thay thế.
Sau trận đánh mở màn đêm giao thừa, ông Trị cùng Trung đội trinh sát ngoại tuyến tiếp tục phối hợp cùng Tiểu đoàn 303, 307, Tây Đô tiếp tục chiến đấu đợt 2 và đợt 3 của chiến dịch Mậu Thân. Những trận đánh sau này đều ác liệt, quân ta mặc dù lực lượng ít, vũ khí thô sơ nhưng mưu trí, dũng cảm nên đã tổ chức được nhiều trận đánh lớn, chiếm giữ các cứ điểm quan trọng tại thị xã Cần Thơ trong 7 ngày, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy và thu giữ một số vũ khí của địch.
Khi được hỏi về cảm nghĩ sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Trị bồi hồi nói: “Chiến dịch Mậu Thân đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về ý chí chiến đấu, tinh thần dũng cảm của anh em đồng chí đồng đội. Mặc dù lần đầu tiên chiến đấu quy mô lớn ở các thành phố thị xã nhưng quân ta rất mưu trí trong cách đánh nên đã nhanh chóng giành thắng lợi ở các cứ điểm quan trọng. Chiến dịch đã làm địch hoang mang lo sợ, tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược buộc Mỹ phải “xuống thang chiến tranh” mở đầu quá trình xuống dốc về chiến lược của đế quốc Mỹ”.
Sau chiến dịch Mậu Thân, Ông Trị tiếp tục tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. Năm 1975, trở về miền Bắc chưa được bao lâu, ông lại tiếp tục tham gia chiến tranh Biên giới. Năm 1983, sau khi xác định mất sức khỏe 82%, ông được Bộ Công an vũ trang cho nghỉ hưu. Với những chiến công đóng góp cho Tổ quốc, ông Trị được nhận nhiều Bằng khen: Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huân Chương Giải phóng miền Nam 1, 2, 3; danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ…