Với mong muốn Hiến pháp cô đọng, súc tích, có tầm bao quát rộng hơn, những ngày qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu, góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Báo Thái Nguyên đã lược ghi một số ý kiến.
Ông Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh
Trong nội dung Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường, tôi đề nghị bổ sung vào Điểm 1, Điều 54 cụm từ “trong đó, sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể là nền tảng”. Như vậy, Điểm 1, Điều 54 sẽ trở thành “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó, sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể là nền tảng”. Điều này đồng nghĩa với việc giữ nguyên sự hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp năm 1992 để đảm bảo tinh thần, đường lối của Đảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cần làm rõ nguyên tắc hoạt động của Tòa án đặc biệt
Ông Đỗ Đức Trọng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh
Tại Điều 107 và Điều 109 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định: Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên tại Khoản 3, Điều 107 Dự thảo lại quy định “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt”. Vậy Toà án đặc biệt ở đây là gì? Là cơ quan xét xử cao hơn hay thấp hơn Toà án nhân dân tối cao? Và Toà án đặc biệt nằm trong hệ thống cơ quan Toà án hay là một cơ quan của Quốc hội? Do đó, tôi đề nghị Dự thảo nên làm rõ nội dung này để Hiến pháp sửa đổi đảm bảo tính khoa học, chặt chẽ và thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Nhỡ, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Ở Điểm 3, Điều 9 ghi: “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt
Chỉnh sửa một số từ cho rõ thêm
Nguyễn Doãn Kình, Câu lạc bộ Hưu trí Thái Nguyên
Phần mở đầu: - Khổ thứ nhất, nên thêm hai từ “yêu nước” sau hai từ truyền thống: “…, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc…”
- Khổ thứ hai, nên bỏ đoạn: “…Cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm cách mạng tháng Tám thành công”, và thay bằng đoạn: “Nhân dân ta tiến hành cách mạng Dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng Xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội” (Tuyên ngôn Độc lập).
Điều 21, Khoản 1 nên sửa là: “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc” (cho phù hợp với Tuyên ngôn Độc lập). Khoản 2, nên sửa là: “Những người vi phạm pháp luật, vi phạm lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của nhân dân sẽ bị xử phạt nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Gộp Điều 48 vào Điều 47 thành 1 điều: Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, có nghĩa vụ tuân theo pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
Điều 75, bổ sung thêm cụm từ: Do nhân dân bầu ra: “Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do nhân dân bầu ra”
Chú ý đến thân nhân của người bị giam giữ
Ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng văn phòng luật sư Đức Toàn
Tại Điều 32, Khoản 3 quy định: Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.
Thực tế, trong hoạt động, chúng tôi thấy không thể thực hiện được điều này vì: người bị bắt giam thì họ không có điều kiện gặp được luật sư. Nhiều vụ án cơ quan điều tra không chấp nhận gia đình họ mời luật sư với lý do họ đã trưởng thành nên phải tự quyết định, nhưng khi họ bị bắt giam thì họ không có quyền tiếp xúc với ai. Vậy làm sao họ có thể đứng ra mời luật sư để bảo vệ mình được? Do đó, nếu không quy định thêm thân nhân của họ thì rõ ràng bản thân người phạm tội sẽ bị hạn chế quyền nhờ người bào chữa. Do vậy, tôi đề nghị nên sửa đổi, bổ sung thêm thân nhân của họ ở khoản này cho phù hợp. Cụ thể: người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố xét xử và thân nhân của họ có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa.
Cần có điều, khoản riêng về người cao tuổi
Nguyễn Huy Tiến, Phó Ban đại diện Người cao tuổi tỉnh
Hiện có hàng chục vạn người cao tuổi (NCT) vẫn đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội từ Trung ương tới cơ sở. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã có Điều 35, Điều 63 (sửa đổi bổ sung Điều 67) về quyền được đảm bảo hưởng an sinh xã hội, trong các đối tượng được hưởng có đề cập đến NCT. Nhưng trong thực tế (theo điều tra NCT Việt Nam năm 2011) hiện tại 39% người cao tuổi còn sức khoẻ, minh mẫn vẫn đang trực tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, làm chủ trang trại…, tham gia các hoạt động xã hội. Như vậy lực lượng NCT vẫn còn làm lợi cho bản thân, gia đình và xã hội. Từ thực tế trên, tôi xin đề nghị: nên có một ý nói riêng về NCT vào sau Điều 40 “Người cao tuổi được Nhà nước, xã hội và gia đình, các tổ chức quan tâm chăm sóc - tạo điều kiện để phát huy vai trò của mình góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nên thêm đối tượng được hưởng an sinh xã hội
Tiến sĩ Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên
Theo tôi thì Lời nói đầu của bản Dự thảo thiếu phần lý do tại sao phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nếu bổ sung được nội dung này phần mở đầu sẽ chặt chẽ hơn nhiều. Ðiều 63 (sửa đổi, bổ sung Ðiều 67): "Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn" nên thêm đối tượng được hưởng chế độ an sinh xã hội là "Người cô đơn, mồ côi". Bởi hai đối tượng này cũng chịu rất nhiều thiệt thòi và cần được Nhà nước cũng như xã hội quan tâm, giúp đỡ.
Cần nghiêm cấm hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội
Đỗ Thị Tuyết Ngân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Về Điều 38, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung: "Nghiêm cấm hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, hành vi sử dụng lao động không đúng mục đích lao động" vào phần cuối Khoản 2. Bởi vì như chúng ta biết thì hiện nay đang tồn tại hiện tượng khá nhiều công ty, doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quản lý lao động để trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như có hành vi sử dụng lao động không đúng mục đích. Hệ lụy là có rất nhiều công nhân, lao động vì không được công ty, doanh nghiệp đóng bảo hiểm nên đã không được hưởng chế độ kịp thời, chịu nhiều thiệt thòi...
Nguyễn Văn Hưng,Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đại Từ
Đề nghị Lời nói đầu cần viết gọn, cô đọng, sâu sắc hơn, khái quát được quá trình dựng nước, giữ nước, truyền thống dân tộc, ghi nhận những thành tựu cách mạng, xác định rõ chủ thể quyền lập hiến là nhân dân là và đối tượng chính của Hiến pháp. Đối với lĩnh vực Giáo dục, trong Điều 42 quy định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, theo tôi nên sửa là “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập suốt đời”, bởi trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ và Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI đều có nội dung: “Xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời…”. Trong Điều 45 quy định “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”, cần bổ sung “xác định dân tộc của mình theo cha hoặc mẹ đẻ”, cụm từ “sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ” cần được biên tập rõ nghĩa hơn (“tiếng mẹ đẻ” là tiếng của dân tộc mình? Tiếng phổ thông của quốc gia mình? Một ngôn ngữ mà người ta được thừa hưởng trong thời thơ ấu?)…