Tháng Giêng, chút nhàn tản bên ấm trà, ngắm cành đào còn hồng sắc hoa, tôi may mắn được ngồi ngâm nga cùng những cựu chiến binh - người một thời binh lửa, xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ. Bây giờ, những trai tráng của năm xưa ấy đã lên chức ông, chân chậm, mắt mờ nhưng giữa tiết xuân về, luôn có phút hoài niệm về xuân xưa, đó là mùa xuân Mậu Thân năm 1968.
Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (CCB) T.P Thái Nguyên, Đại tá Đinh Công Mạnh tâm sự: 45 năm đã qua, song hình ảnh những người lính tham gia trận Mậu Thân năm ấy đều còn rất trẻ, mười tám, đôi mươi, lòng phới phới bước theo đoàn quân Nam tiến và hồn nhiên bước vào trận đánh. Tất cả đã đi vào sử xanh, in dấu trên trang sách học trò, và mỗi ngày đến trường, các cháu nhỏ được nghe thầy cô giáo giảng bài, kể lại những chiến công của anh Bộ đội Cụ Hồ, những giọt nước mắt mất mát của bao người mẹ, người vợ.
Trong số những người lính trở về sau chiến dịch Mậu Thân, Thiếu tướng, CCB Nông Ngọc Toản nay đã bước vào tuổi 74, song mỗi độ xuân sang, ông thấy mình trẻ lại, nhất là lúc ngồi kể cho các cháu của mình nghe về từng trận đánh ở mặt trận phía Nam. Tuy không được tham gia các mũi đánh mở màn chiến dịch, song ông cùng đơn vị hành quân bằng xe cơ giới từ tỉnh Hoà Bình vào đến tỉnh Kon Tum. Lúc ấy đã cuối giai đoạn 1 của chiến dịch Mậu Thân. Ông kể: Mậu Thân năm 1968, tôi là Thiếu uý, Trung đội trưởng. Cánh lính chúng tôi bước vào trận đánh tự tin, song mỗi chốt địch bị hạ, đơn vị vơi người, lại bổ sung và lại đánh. Ác liệt nhất là khi đơn vị đối đầu với bọn kị binh bay. Đây là đội quân tinh nhuệ của Mỹ, chuyên đi giải vây cho động bọn. Chúng đánh trận bài bản, mỗi lần đổ quân, chúng cho máy bay chà sát cả một vùng rộng lớn, rồi ném bom phát quang, bom na pan dọn bãi, sau đó cho máy bay cẩu máy ủi đến làm công sự, dựng lô cốt rồi thả lính vào trận địa. Là cán bộ chỉ huy Trung đội, nhiều lần tôi cùng cánh trinh sát trườn qua các lớp hàng rào kẽm gai, nắm bắt thực lực và cách bố phòng trận địa của địch rồi mới lên phương án hạ đồn.
Đời binh lửa, đánh trận triền miên trên rất nhiều miền đất phương Nam của tổ quốc, ông không nhớ rõ được bản thân mình đã đánh bao nhiêu trận, hạ được bao nhiêu kẻ thù. Ông bảo: Kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, tôi tham gia đánh đến ngày miềnNamhoàn toàn giải phóng. Tôi phục vụ trong quân đội đến năm 2006 mới nghỉ hưu, tại tổ 23, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Hiện 2 con trai, 2 con dâu của tôi đều đang phục vụ trong Quân đội.
Cũng những ngày đầu xuân Quý Tỵ 2013, tôi gặp lại Thiếu tá, CCB Trần Nhật Ký, ông bắt tay tôi, vẫn bàn tay bị thiếu mất 3 ngón. Không hiểu sao tay bắt mặt mừng, song tôi liên tưởng tới cái khoảng lặng trong ông. Một khoảng lặng của thời cầm súng đánh giặc. Ông còn nhớ như in ngày hôm đó, giao thừa Tết Mậu Thân 1968, ông cùng đơn vị được lệnh mặc quân phục đẹp nhất với trang bị vũ khí cá nhân để hành quân cấp tốc đánh vào T.P Đà Nẵng. Đường hành quân, bà con miền Nam đứng dọc bên đường đưa tiễn, gửi bánh, nước, hoa quả tươi. Đúng giờ G, lệnh khai hoả, đơn vị chúng tôi đánh địch ở đầu cầu Cẩm Lệ, con đường duy nhất vào T.P Đà Nẵng bấy giờ…
Trận mạc, tên đạn có chừa ai đâu. Như lời đồng đội cũ bảo: Thiếu tá Ký là người có duyên với bom đạn. Chẳng thế, từ chiến dịch Mậu Thân 1968 đến năm 1972, ông nhiều lần bị bom vùi, bom văng không chết, nhưng nặng nhất là trận đánh địch ở Phước Sơn (Đà Nẵng) năm 1968; trận đánh Tam Kỳ (Quảng Nam) năm 1969 và trận đánh vào T.X Kon Tum năm 1972. Năm 1973, ông được trở ra Bắc, về làm dân thường với giấy chứng thương 1/4. Là người có nghị lực, ông tiếp tục theo học ở Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, sau đó được giữ lại làm giảng viên. Năm 1986, ông trở về quê hương Thái Nguyên công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, đến năm 2008 nghỉ chế độ hưu trí tại tổ 17, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên)…
Trên ngực áo rực đỏ những tấm Huân chương, Đại tá, CCB Phạm Đức Mộng, 85 tuổi ở tổ 16, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) ắp đầy niềm tự hào khi kể cho chúng tôi nghe về đời binh lửa của mình. Những năm tháng đất nước gian khổ vì chiến tranh chia cắt, ông cùng đồng đội đi khắp các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đến Mậu Thân 1968 thì đánh địch ở vùng ven Sài Gòn. Lúc đó ông mang cấp bậc Thượng uý, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Thông tin, Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 - Đơn vị được Chính phủ trao tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Riêng cá nhân ông, năm 1968 được cấp trên tặng 4 bằng khen. Đại tá Mộng tự hào: Sau hơn 40 năm phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi được nhận 9 huân chương, 10 bằng khen và rất nhiều giấy khen.
"Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực" - Đó là câu cửa miệng tựa lời thề danh dự bất thành văn của người lính trong đoàn quân "… đi không hẹn ước/… thăm thẳm một chia phôi", (Tây Tiến của Quang Dũng). Trung sĩ, CCB Vũ Đình Phúc, 65 tuổi, hiện ở tổ 3, phường Đồng Quang (T.P Thái Nguyên) tâm sự: 18 tuổi tôi tình nguyện nhập ngũ, sau huấn luyện, tôi được biên chế vào 1 đơn vị chiến đấu và theo đoàn quân thần tốc vào chiến trường miền Nam. Đi bộ triền miên làm đôi chân phồng rộp, nhưng trên con đường mòn mà tôi đi, trước đó đã có rất nhiều người lính đã bước. Dọc đường hành quân, máy bay địch đánh phá làm 17 cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hy sinh. Bỏ lại đồng đội bên đường, tình đồng chí cũng không kịp vuốt mắt cho bạn xấu số, đi miết đến căn cứ Lai Khê (Dầu Tiếng) đúng giờ G, vậy là đánh trận. Trận đánh đêm đó đơn vị mất thêm 6 đồng chí.
Là trinh sát của một đơn vị pháo, Trung sĩ Phúc làm nhiệm vụ bám địch, đo đạc và lấy toạ độ bắn. Do có một số đóng góp nhất định trong chiến dịch Mậu Thân, ông được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mĩ. Tuy đường binh nghiệp của ông không dài (từ 1966 đến 1972), nhưng ông đã hành quân và trực tiếp tham gia đánh địch ở nhiều mặt trận, như Tây Ninh, Lái Thiêu, Cà Tum, Công Pông Chàm (Cam pu chia), Ngã ba Đông Dương… Ông kể: Cuối Mậu Thân 1968, đơn vị tôi đánh sân bay Bà Rịa, tiêu diệt 250 máy bay trực thăng của địch, năm đó, ngoài danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, tôi còn được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt máy bay. Trên khắp người tôi bây giờ còn hằn đầy sẹo đạn bom, đầu, vai, chân, tay… đều có. Tôi được Nhà nước cho hưởng chế độ thương binh 4/4.
Trở về sau chiến tranh, cuộc sống đời thường tạo cho mỗi người lính có một hoàn cảnh khác nhau, có người trở thành lãnh đạo quản lý, người làm dân cày nhưng tất cả họ luôn ngời sáng phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ. Theo Đại tá, Chủ tịch Hội CCB T.P Thái Nguyên, ông Đinh Công Mạnh: Những người tôi gặp là Thiếu tướng Nông Ngọc Toản có 46 năm tuổi Đảng; Thiếu tá Trần Nhật Ký có 42 năm tuổi Đảng; Đại tá Phạm Đức Mộng có 58 năm tuổi Đảng; Trung sĩ Vũ Đình Phúc có 43 năm tuổi Đảng. Còn Trung tá Trần Xuân Yến năm nay 58 năm tuổi Đảng, 78 tuổi đời. Mặt nám, da mồi, vóc người khô lại bởi mấy mươi năm cuộc đời lăn lội với gió sương… Nhưng khi hỏi chuyện chiến dịch Mậu Thân, đôi mắt ông ngời trẻ lại một thời trai trẻ. Ông làm đơn nhập ngũ lúc vừa đầy 18 tuổi. Sau huấn luyện, ông cùng đơn vị hành quân theo đường mòn Tây Trường Sơn, vào thẳng Kon tum bằng đôi chân của mình. Ông kể: Hồi ấy, chúng tôi đi đúng 1 tháng 5 ngày mới đến nơi tập kết. Tại mặt trận B3, tôi được giao nhiệm vụ công tác ở Ban Tham mưu đơn vị, không trực tiếp đối súng với giặc nhưng tôi cùng các sĩ quan trong đơn vị luôn gắn bó, gần gũi và động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lính. Trận mở màn của chiến dịch Mậu Thân, tình huống bất ngờ là khi đơn vị nhận lệnh đến điểm tập kết chuẩn bị vào trận đánh. Nhưng khi hành quân được 3 tiếng, vừa tới trận địa thì trên có lệnh mũi quân chúng tôi hoãn đánh. Nhưng khi nhận lệnh này, những khẩu súng trong tay cán bộ, chiến sĩ của ta đã khạc đạn vào đồn thù. Tiếng đạn pháo, tiếng súng của quân dân ta nổ rầm vang khắp các mặt trận. Tiếng nổ lớn nhất là mìn, bộc phá của bộ đội đặc công đánh vào trung tâm chỉ huy của địch.
Còn nhiều nữa những câu chuyện chiến đấu của những CCB từng tham gia chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Với tôi, từng câu chuyện gợi một liên tưởng cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung từ phía Nam ra Hà Nội, đánh đồn Ngọc Hồi, dẹp tan 29 vạn quân Thanh và bè lũ Lê Chiêu Thống. 180 năm sau, mùa hoa đào vừa độ nở, Hồ Chí Minh cùng toàn dân tộc Việt Nam đã có cuộc hành quân tốc chiến, tốc thắng, với tinh thần "đánh cho Mĩ cút, đánh cho nguỵ nhào"… Khiến những kẻ thù từ bên kia bán cầu run sợ.