Chiều 6/3, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm1992. Đồng chí Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo HĐND; Sở Tư pháp; các thành viên Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo hiến pháp 1992 (BCĐ); các sở, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã.
Theo báo cáo của BCĐ về tình hình triển khai lấy ý kiến nhân dân trên địa bàn, trên các mặt: Hoạt động chỉ đạo và triển khai thực hiện; hoạt động tuyên truyền; công tác tổ chức lấy ý kiến đã được triển khai đúng kế hoạch. Tính đến ngày 5/3, đã có 142/181 xã có báo cáo tổng hợp ý kiến tham dự; 9/9 huyện, thành phố, thị xã và 23 cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến; có 12 cơ quan, đơn vị, địa phương gửi báo cáo nhanh tình hình tổ chức; BCĐ đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến và nhận được 60 tham luận tham gia. Từ ngày 31/1, Ban Chỉ đạo đã tiến hành kiểm tra và chỉ đạo tổ chức tại các huyện Võ Nhai, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ, Tòa án Nhân dân tỉnh…
Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, thành phố Thái Nguyên đã tổ chức 58 hội nghị, thu thập được gần 600 ý kiến; huyện Phổ Yên đã tổ chức 17 hội nghị các cấp, thu được 72 ý kiến; huyện Võ Nhai đã ban hành các văn bản, triển khai đến 15 xã, thị trấn, nhân dân 174 được xóm nghe triển khai nội dung Dự thảo, trên 200 ý kiến của nhân dân và các cơ quan gửi đến BCĐ.... Cũng tại Hội nghị, đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài Nguyên Môi trường, Sở Giáo dục Đào tạo tiếp tục tham gia nhiều ý kiến vào Dự thảo.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Long đã khẳng định việc triển khai tổ chức cho nhân dân tham gia vào Dự thảo đã được tổ chức nghiêm túc, đúng hướng dẫn; các ý kiến tham gia cụ thể, tỉ mỉ, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm. Đồng chí đề nghị các cấp, địa phương tiếp tục triển khai theo hướng dẫn; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giải đáp các ý kiến của nhân dân; tổng hợp trung thực các ý kiến nhân dân đã tham gia. Chậm nhất trước ngày 10/3, các huyện, thành, thị hoàn thành việc lấy ý kiến của nhân dân.
*Ngày 6/3, T.P Thái Nguyên tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (lần 2). Dự Hội nghị có Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, lãnh đạo các cơ quan đơn vị, phòng, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo và đại diện cử tri của 28 phường, xã trên địa bàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao đối với sự cần thiết của việc sửa đổi Hiến pháp 1992 cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước hiện nay. Cách sắp xếp, bố cục các chương, điều được đánh giá là hợp lý, khoa học. Về nội dung của chương 1, các đại biểu nhất trí cho rằng bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định rõ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng: phần lời nói đầu nên được viết ngắn gọn, cô đọng, sâu sắc hơn, khái quát được quá trình dựng nước, giữ nước, truyền thống dân tộc, ghi nhận những thành tựu cách mạng cũng nưh xác định rõ chủ quyền lập hiến là nhân dân và đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp. Một số ý kiến khác cho rằng nội dung của Hiến pháp cần thể hiện rõ hơn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, làm rõ cơ chế để nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng. Các đại biểu cũng đề nghị thay đổi một số từ Hán Việt trong bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp sang từ thuần Việt để đảm bảo cho mọi người dân đều thấy dễ hiểu và thực hiện...