"Phải làm sao từ khâu lắng nghe, tổng hợp đến khâu chuyển tải ý kiến đến cơ quan có trách nhiệm cao nhất phải hết sức đầy đủ".
Chiều 27/3, tại Hà Nội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa trọng đại trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống thống chính trị; khẳng định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong thời gian qua đã thu hút khá đông đảo các tầng lớp; huy động trí tuệ, tâm huyết, sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện trách nhiệm cao của mỗi cá nhân, tổ chức đối với việc sửa đổi và thi hành Hiến pháp.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu nhân sĩ, trí thức luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo đã tiếp tục đóng góp ý kiến hết sức tâm huyết và trách nhiệm.
Ông Phạm Xuân Hằng - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đề cập vai trò lãnh đạo của Đảng trong quan hệ thể chế hóa vai trò cầm quyền của Đảng. Ông Hằng nhấn mạnh: Thực tế lịch sử hơn 80 năm qua, mọi thắng lợi của đất nước không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Do đó vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử, nên tất yếu cũng phải được hiến định.
Trước yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng là nhu cầu cấp thiết và tất yếu. Tức là phải thể chế hóa từ gốc của vấn đề, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhất là trong khi thế và lực của đất nước đủ điều kiện để Đảng thể hiện trí tuệ khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm cầm quyền một cách minh bạch chính trị, xác định mối quan hệ gắn bó mật thiết với dân bằng phục vụ nhân dân một cách có trách nhiệm rõ ràng. Bản lĩnh và trách nhiệm pháp luật là cái gốc để dân tin, dân theo.
Về vấn đề Mặt trận Tổ quốc, một số đại biểu đề nghị, cần bổ sung quyền đại diện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vì vai trò đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ của Mặt trận Tổ quốc là rất quan trọng. Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là nội dung được một số đại biểu tập trung góp ý với mong muốn khẳng định và thể hiện rõ hơn nữa tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đại đoàn kết toàn dân là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Lê - nuyên Ủy viên Hội đồng Tư vấn Pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nhấn mạnh sửa đổi Hiến pháp phải làm sao thực sự đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Là người có nhiều năm công tác trong ngành tòa án, bà cho rằng việc quy định chế định cho các ngành công an, tòa án, kiểm sát hết sức quan trọng. Bởi đây là những ngành có những quyết định tác động trực tiếp đến quyền và cuộc sống của người dân.
Góp ý vào Điều 5, Dự thảo Hiến pháp tập trung lĩnh vực dân tộc, ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đồng bào các dân tộc rất coi trọng và mong muốn Hiến pháp sửa đổi xác định rõ và quy định rõ vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc; quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa của các dân tộc; các nguyên tắc chính sách giải quyết vấn đề dân tộc; trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước, phát huy nội lực của các dân tộc.
Về lĩnh vực tôn giáo, Thượng sư Thượng Mai Thanh, Thánh thất Cao Đài; Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Tổng Thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc và cho rằng Điều 25 dự thảo ghi quyền tự do tín ngưỡng của công dân là đầy đủ. Khoản 2 cần quy định Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo...
Các đại biểu đã tập trung đóng góp vào từng điều cụ thể với tất cả tâm huyết nhằm xây dựng một bản Hiến Pháp đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Lắng nghe những đóng góp ý kiến của các đại biểu vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng đây đều là những ý kiến hết sức độc lập và đầy tâm huyết và có trách nhiệm.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hiến pháp là văn bản pháp lý là đạo luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước; Hiến pháp phản ánh ý chí lợi ích của toàn dân tộc. Việc lấy ý kiến nhân dân nhằm tập hợp trí tuệ sâu rộng trong toàn dân, góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí nguyện vọng của nhân dân. Thời gian qua, Đảng đã có nhiều Nghị quyết, chỉ thị, Quốc hội cũng có Nghị quyết, chủ trương lấy ý kiến của toàn dân góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992 là hết sức rõ ràng, vấn đề là tổ chức thế nào cho hết sức thiết thực. Đây là vấn đề hệ trọng.
Chủ tịch nước cho rằng: “Mọi người đều có quyền đóng góp ý kiến nhưng phải làm sao từ khâu lắng nghe, tổng hợp đến khâu chuyển tải đến cơ quan có trách nhiệm cao nhất phải hết sức đầy đủ...”.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc lấy ý kiến góp ý và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sẽ tiếp tục thực hiện đến tháng 9/2013, do đó, mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân đóng góp ý kiến theo chức trách của mình. Điều quan trọng nhất là Ban biên tập cần lắng nghe, tiếp thu nhiều chiều để xây dựng bản Hiến pháp thực sự đáp ứng nguyện vọng của Đảng và của nhân dân./.