Mong muốn Nhà nước đảm bảo quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ

09:16, 06/03/2013

Tại Hội nghị lấy ý kiến của đại biểu cán bộ, công chức, viên chức nữ dân tộc thiểu số của tỉnh, đã có nhiều đại biểu tham góp vào hầu hết các điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến.

Quan tâm đến phụ nữ, trẻ em

 

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương: Ở điều 9, đề nghị bổ sung cụm từ “Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp” trước cụm từ “các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu”. Thực tế hiện nay, các tổ chức này được Nhà nước thừa nhận và hỗ trợ ngân sách hoạt động. Ở điều 39: Bổ sung “gia đình là tế bào của xã hội” làm khoản 1 đưa lên đầu. Khoản 1“Nam, nữ có quyền kết hôn…” đưa xuống làm khoản 3. Nhằm khẳng định vị trí của gia đình trong mối quan hệ xã hội. Khoản 1, điều 64: Bổ sung sau cụm từ “người có hoàn cảnh khó khăn” là “phụ nữ mang thai và trẻ em”. Bởi đây là chính sách xã hội và an sinh xã hội, thì đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em cũng cần trợ giúp.

 

Bảo đảm quyền con người

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chánh án Tòa Lao động, Tòa án nhân dân tỉnh: Về lời nói đầu: đề nghị bổ sung 4 từ “quyền bình đẳng giới” vào sau “tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” thành một câu là: “Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền bình đẳng giới”. Vì: Hiến pháp sửa đổi đoạn này đã nêu, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện cương lĩnh đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hiến pháp này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ ý chí của nhân dân Việt Nam.

 

Tôi băn khoăn vì sự thảo hiến pháp lần này có quy định một điều mới: Quyền được sống. Trong Bộ luật Hình sự thì có quy định hình phạt tử hình. Như vậy giữa Hiến pháp và Luật có gì mâu thuẫn không? Theo tôi không nên có quy định này vào Hiến pháp.

 

Thể hiện rõ hơn vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ

 

Bà Hoàng Thị Hào, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh: Dự thảo Điều 9 Hiến pháp năm 1992 mới chỉ thể hiện rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chưa thể hiện rõ được vai trò, vị thế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Do đó, hiến pháp lần này cần bổ sung điều quy định “Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; có quyền và trách nhiệm tham gia, xây dựng, đề xuất, phản biện, giám sát chính sách pháp luật và đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm công dân.

 

Nam, nữ phải có cơ hội phát triển như nhau

 

Bà Mai Thúy Nga, Phó trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng Nhân dân tỉnh: Để thể hiện rõ hơn quan điểm bình đẳng giới và khẳng định vai trò của người phụ nữ trong tái tạo nguồn nhân lực Quốc gia, tôi bổ sung vào khoản 2, Điều 27 như sau: Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giữa công dân nam và nữ trên mọi lĩnh vực; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của phát triển; bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.

 

 

Nên có cơ chế mở về độ tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ nữ

           

Bà Vũ Thị Chín, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã La Hiên (Võ Nhai):  Đảng, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ cơ sở, để qua đó thu hút nguồn cán bộ nữ có trình độ về công tác tại địa phương. Trong công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng cần quy định tỷ lệ nữ hợp lý, khi chuẩn bị nhân sự tham gia cấp ủy, HĐND các cấp không nên để phụ nữ đảm nhiệm nhiều cơ cấu như tuổi trẻ, dân tộc…; nên có chế độ mở về độ tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ nữ cơ sở hiện nay; có chính sách đặc biệt đối với trẻ em vùng sâu, vùng biên giới, hải đảo, con em dân tộc thiểu số nghèo.

 

Bình đẳng giữa phụ nữ ở các vùng, miền

 

Bà Dương Thị Vinh, dân tộc Mông, xóm Khuôn Ngục, xã La Hiên (Võ Nhai): Điều 50, “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền con người, quyền công dân được Nhà nước và xã hội thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Tôi hoàn toàn nhất trí. Song tôi có đề nghị thêm: Phụ nữ giữa các vùng, miền trong cả nước; phụ nữ đang công tác ở cơ quan Nhà nước và ngoài cơ quan Nhà nước cần được bình đẳng về chế độ thai sản. Đặc biệt lĩnh vực y tế, phụ nữ không làm việc tại cơ quan Nhà nước cũng được hưởng chế độ bảo hiểm như phụ nữ đang tham gia công tác.     

 

Khôi phục phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc thiểu số

 

Bà Lý Thị Hơn, dân tộc Sán Chay, xóm Đồng Dong, xã La Hiên (Võ Nhai): Tôi nhất trí với bản Hiến pháp năm 1992, song xin được bổ sung thêm ở Điều 6 cụm từ “khôi phục” vào trước từ phát huy những phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số. Vì trong đồng bào các dân tộc thiểu số, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp đang bị mai một, mất dần, do đó rất cần được Nhà nước quan tâm, đầu tư, giúp đỡ đồng bào khôi phục lại. Khôi phục lại được thì mới gìn giữ và phát huy được.