Ngày 8/3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội thảo về chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp, phục vụ sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
GS. TS Phạm Hồng Thái (Đại học Quốc gia Hà Nội) đề nghị: Hiến pháp chỉ nên quy định Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, không cần phải quy định "là cơ quan chấp hành của Quốc hội".
Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu. Cùng với đó, các đại biểu đều thống nhất không nên quy định Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, thực chất đây chỉ là cơ quan đại biểu cho nhân dân, quyết định những vấn đề của địa phương.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chế định Chính phủ và chính quyền địa phương là chế định rất quan trọng trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Cần làm rõ chế định này trong Hiến pháp để xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Quy định về chính quyền địa phương phải thiết kế lại để thể hiện được tính tự chủ, độc lập. Đây là vấn đề lớn và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Mô hình chính quyền địa phương không thể thực hiện đồng nhất trong cả nước, phải nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Mô hình chính quyền đô thị phải khác với ở nông thôn nên các cấp hành chính và tổ chức chính quyền cũng phải khác nhau. Nhiều ý kiến ủng hộ chính quyền đô thị chỉ nên 2 cấp.