Ngày 20/3, UBND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
*Ngày 20/3, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nhữ văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành; một số doanh nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã phổ biến nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm 14 chương, 206 điều, trong đó nhấn mạnh những chương mới như: Quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai, gồm 2 mục, 16 điều (từ Điều 12 đến Điều 27), quy định rõ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý Nhà nước đối với đất đai. Chương IX quy định về hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (gồm 5 điều, từ Điều 115 đến Điều 119). Đồng thời nêu những điểm mới tại các chương, như: thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là 50 năm; còn thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng không quá 50 năm. Hoặc quy định cụ thể về hạn mức giao đất nông nghiệp; những điểm mới trong nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất (ví dụ: Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch, sau đó giao đất, cho thuê đất... Đồng thời bỏ cơ chế giao đất theo dự án, hạn chế giao đất không thu tiền sử dụng đất...).
Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao các nội dung của Dự thảo Luật. Đồng thời đề nghị bổ sung một số nội dung, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Chương I, đề nghị sửa đổi một số từ ngữ cho phù hợp. Các chương còn lại được đóng góp nhiều ý kiến là: Chương III về địa giới hành chính và điều tra cơ bản về đất; Chương V về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Chương VI về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Chương VIII về tài chính đất đai và giá đất; Chương XIII về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được Tổ giúp việc về triển khai lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổng hợp để gửi UBND và HĐND tỉnh.
*Cùng ngày ngày 20/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Hội nghị còn có sự tham gia của các đại biểu là đại diện các doanh nghiệp, một số xã, phường trong tỉnh… Đồng chí Trương Thị Huệ, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.
Sau khi được nghe đồng chí Trương Thị Huệ phổ biến những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đều cho rằng Dự thảo Luật lần này đã có nhiều điểm mới, phù hợp với đời sống thực tiễn, khẳng định được vài trò quản lý của Nhà nước… Tuy nhiên, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến để Luật sát thực với thực tiễn cuộc sống hơn, trong đó tập trung vào các nội dung như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương IV); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (Chương V); thu hối đất, bồi thường tái định cư (Chương VI); giá đất (mục 2, Chương VIII); thời hạn sử dụng đất, hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Đơn cử, có đại biểu cho rằng tại điều 193 quy định UBND các cấp vừa giám sát, vừa quản lý đất đai là không khả thi và đề nghị xem xét lại vấn đề này. Về hạn mức giao đất nông nghiệp (điều 124) có đại biểu cho rằng nên tăng hạn mức cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ 03ha lên 04ha. Về vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có đại biểu đề nghị bổ sung vào điều 35 quy định hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử sụng đất đến cấp xã. Đối với điều 184, cần quy định rõ hơn về đối tượng chuyển nhượng đất nông nghiệp…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Huệ cho rằng những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu sẽ là cơ sở để các đại biểu Quốc hội thảo luận, thông qua dự án Luật sao cho khi đi vào tổ chức thực hiện, Luật sát với thực tiễn của đời sống xã hội.
Nhiều ý kiến đóng góp về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và giá đất
Tại 2 hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do UBND tỉnh và Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức đã có nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết. Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến tại Hội nghị.
Bảng giá đất nên tính theo phương án 2
Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên: Tại Điều 109, Bảng giá đất, tôi đồng ý với phương án 2 vì nếu tính theo phương án 1 việc xác định giá đất khi giá thị trường tăng, giảm 20% để điều chỉnh bảng giá đất sẽ gặp khó khăn phức tạp và khó thực hiện. Nếu tính theo phương án 2, bảng giá đất được xây dựng 5 năm 1 lần dùng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai, tính phí và lệ phí trong quản lý và sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. Còn việc tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi đất được UBND tỉnh quyết định giá đất cụ thể mà không thấp hơn bảng giá đất đã áp dụng.
Thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế nên theo giá thỏa thuận
Ông Nguyễn Hải Khê, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Điều 61, Khoản 3, Ban soạn thảo nên cân nhắc lại. Không nên thu hồi đất mà cần theo thỏa thuận về giá đền bù và có sự trao đổi thỏa thuận, giải quyết thỏa đáng đối với người đang có quyền sử dụng đất. Nếu thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế thì khi thu hồi giá rất rẻ, nhưng sau đó bán cho người sử dụng giá cao gấp mấy lần. Vấn đề này thực tế đã diễn ra. Tại Điều 69 tiết a, Khoản 2, Dự thảo quy định như vậy nhưng chưa cụ thể các tiêu chí để xác định số lượng người bị thu hồi đất đồng ý hoặc không đồng ý với phương án bồi thường do tổ chức phát triển đất đưa ra. Tuy nhiên sẽ có văn bản dưới luật hướng dẫn nhưng sẽ là kẻ hở của điều luật. Tại tiết b, Khoản 5, Điều 69 cần quy định rõ thời hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Cần quy định rõ hạn mức giao đất nông nghiệp
Ông Ngô Văn Ban, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trong Chương VI cần quy định rõ hạn mức giao đất nông nghiệp để tính toán hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm từ nguồn thu về đất. Trong đó, đề nghị quy định rõ là hạn mức giao đất nông nghiệp khi thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ ngày 27/9/1993, hay hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 112 của Luật này. Trong Chương V về "Thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử đụng đất", cần bổ sung nội dung quy định về bảo vệ môi trường vào căn cứ giao đất, cho thuê đất. Vì đối với các dự án đầu tư, trước khi được phê duyệt phải có đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường cho thống nhất với quy định tại Khoản 4, Điều 22 của Luật Bảo vệ môi trường.
Nên có chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp
Ông Trần Viết Khánh, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên: Dự thảo quy định: "Chính phủ quy định khung giá các loại đất, khi giá đất trên thị trường có biến động lớn thì điều chỉnh cho phù hợp". Quy định này khó có tính khả thi, vì Chính phủ không có điều kiện theo dõi sát sao diễn biến của giá thị trường. Đề nghị nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố quy định giá đất cho địa phương mình sẽ sát thực tế và khả thi hơn. Về nội dung miễn giảm tiền sử dụng đất (Điều 94) tán thành việc Nhà nước chỉ quy định một mức giá đất sát với giá thị trường cho mọi đối tượng sử dụng đất. Nhưng phải có chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các trường hợp Dự thảo đã nêu.
Bổ sung thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai là 30 ngày
Ông Hoàng Thanh Giao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: Tại Điều 196 nên bổ sung thêm: "Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai là 30 ngày làm việc kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn của các bên" như Luật Đất đai năm 2003 hiện hành để việc hòa giải ở cơ sở có điểm dừng, tránh phát sinh mâu thuẫn và đảm bảo trật tự an toàn ở địa phương. Tại Điều 197 nên bổ sung thêm quy định về thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai để việc giải quyết có điểm dừng và cơ quan Nhà nước cũng tuân thủ theo quy định đó.
Nên có thêm bồi thường về khối lượng mặt bằng
Ông Lương Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải và du lịch Khánh Thịnh: Tại mục 3, Chương VI trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất chỉ đề cập đến việc bồi thường nhà, công trình xây dựng, cây trồng vật nuôi mà chưa đề cập đến việc bồi thường về khối lượng mặt bằng (khối lượng đất mà doanh nghiệp đã đổ để làm nền trong trường hợp doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước là đất ruộng. Do đó, tôi đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này nên bổ sung thêm nội dung tôi vừa nêu trên để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.
Phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang
Ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Giám đốc Chi nhánh chè Sông Cầu (Đồng Hỷ) đề nghị: Tại Điểm b, Khoản 2 của Điều 37 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp Quốc gia xác định các chỉ tiêu sử dụng đất chỉ gồm diện tích nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng; diện tích một số loại đất gồm: đất trồng lúa trong đó có đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia, đất bãi thải, xử lý chất thải, đất di tích danh thắng và xây dựng đô thị mà chưa đề cập đến đất nghĩa trang. Do đó, ở phần này, tôi đề nghị bổ sung thêm việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa.
Căn cứ để giao đất nên phân cấp về cơ sở
Trần Mạnh Hải, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên): Tại khoản 2, điều 50 về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định: Trường hợp giao đất, cho thuê đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác thì ngoài các căn cứ quy định tại khoản 1, còn phải có văn bản cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Theo tôi, việc này chỉ áp dụng với các dự án có tầm quan trọng, quy mô lớn (xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, trường học…), còn với các trường hợp quy mô nhỏ tại các địa phương sẽ khó khăn thực hiện vì nếu phải trình và đợi sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ thì rất mất thời gian. Do vậy, với các dự án quy mô nhỏ nên phân cấp cho các địa phương thực hiện.