Đồng chí Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trả lời phỏng vấn Báo Thái Nguyên.
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, quán triệt tới các cấp uỷ đảng về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân cần tập trung cao độ sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự chỉ đạo sâu sát của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, phản ánh đầy đủ và chính xác ý kiến của nhân dân. Tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
P.V: Cụ thể công việc được tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Ngay từ đầu tháng 1-2013, Thường trực Tỉnh uỷ đã ra văn bản chỉ đạo, về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tiếp đó, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) và ngày 17-1-2013, BCĐ đã ban hành Kế hoạch số 02/KH-BCĐ lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, hình thức, đối tượng lấy ý kiến; phân công nhiệm vụ cũng như tiến độ thực hiện kế hoạch.
Mặc dù triển khai công việc trong thời gian ngắn, lại đúng vào dịp Tết Nguyên đán, song ngay trong tháng 1-2013, tất cả các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đều đã ban hành Kế hoạch thực hiện. Nhiều đơn vị, địa phương đã tổ chức xong hội nghị ở cơ sở trước Tết, như huyện Võ Nhai, Phú Bình, Sở Tư pháp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư tỉnh. Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan tuyên truyền đã triển khai tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đến đông đảo nhân dân để mọi người dân biết việc sửa đổi Hiến pháp, nắm được những nội dung chủ yếu để có thể tham gia xây dựng hoặc thể hiện sự đồng thuận đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
BCĐ đã thành lập tổ giúp việc, tổ chức họp trực tuyến 2 cuộc. Chúng tôi đã cho phát hành tập tài liệu hướng dẫn việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân; báo cáo thuyết minh; bảng tham chiếu so sánh và giải trình các nội dung sửa đổi, bổ sung so với Hiến pháp năm 1992 gửi đến các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã; biên tập, phát hành 60.000 tờ gấp giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gửi đến các thôn, bản, tổ dân phố để nhân dân nghiên cứu và tham gia góp ý. Các tổ chức đoàn thể đã triển khai phổ biến, tuyên truyền về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo trong hệ thống đoàn thể.
P.V: Thưa đồng chí, đến thời điểm này, chúng ta đã thu được kết quả như thế nào?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Tính đến hết ngày 11-3-2013, BCĐ tỉnh đã tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị; Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức 3 hội thảo; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên cũng tổ chức hội thảo thu nhận nhiều ý kiến đóng góp. Các cuộc hội thảo đã nhận được hơn 100 tham luận của các đại biểu. Các sở, ngành của tỉnh đã triển khai và tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bằng nhiều hình thức. Các xã, phường, thị trấn hướng dẫn các thôn, bản, tổ dân phố tổ chức phổ biến, tuyên truyền và lấy ý kiến nhân dân, hướng dẫn nhân dân tham gia ý kiến bằng văn bản gửi về BCĐ Trung ương, BCĐ tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng. Đến nay, đã có 142/181 xã, phường, thị trấn có báo cáo tổng hợp ý kiến, 9/9 huyện, thành phố, thị xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân và hoàn thành báo cáo tổng hợp; 27 cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo nhanh. BCĐ của tỉnh đã kiểm tra và chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các huyện: Võ Nhai, Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ, Đồng Hỷ và một số cơ quan, đơn vị của tỉnh; một số thôn, bản, tổ dân phố. BCĐ cấp tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí có kế hoạch tuyên truyền phục vụ kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh mở nhiều chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề. Thái Nguyên là một trong những tỉnh có báo cáo đúng yêu cầu cấp trên đề ra…
P.V: Chất lượng các ý kiến đóng góp như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Hồng Bắc: Có thể khẳng định trong những ngày qua, tỉnh ta đã tập trung phát huy dân chủ, huy động trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Theo đánh giá ban đầu của BCĐ tỉnh, nội dung các ý kiến đóng góp có chất lượng cao, cơ bản đồng thuận với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 100% các ý kiến đã được tổng hợp đều khẳng định cần quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp, tiếp tục khẳng định bản chất và vai trò của hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước ta, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân. Trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, công tác chỉ đạo được tiến hành chặt chẽ, kịp thời uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, trên địa bàn tỉnh không có ý kiến đòi đa nguyên chính trị, đa đảng; không có ý kiến đòi xóa bỏ Điều 4 "khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng", không có ý kiến đòi phi chính trị hóa Quân đội. Các ý kiến tham gia đều được tổ giúp việc tổng hợp chính xác, trung thực, khách quan.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!