Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất của quốc gia, có vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Từ khi giành độc lập đến nay, nước ta đã có 4 bản Hiến pháp được ban hành vào các năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới, qua 20 năm thực hiện, đã tạo được nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Đến nay, đất nước ta đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh quốc tế đang có những diễn biến to lớn, phức tạp và sâu sắc. Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới là rất cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hoá những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng.
Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một cuộc sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị nhằm phát huy trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân, của các cấp, ngành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp, thi hành Hiến pháp và góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trong quá trình đóng góp ý kiến cần đánh giá, khẳng định những kết quả nổi bật của Hiến pháp năm 1992 với vai trò là Hiến pháp của thời kỳ đầu đổi mới; chỉ rõ những kết quả, mặt tích cực đã đạt được; những hạn chế, bất cập còn tồn tại và nguyên nhân; những nội dung quy định của Hiến pháp năm 1992 không còn phù hợp, cần được bổ sung, sửa đổi; những nội dung của Hiến pháp năm 1992 quy định đúng, nhưng do tổ chức thực hiện chưa tốt, cần chấn chỉnh trong khâu tổ chức thực hiện. Đồng thời bám sát các định hướng lớn, đó là: Khẳng định bản chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nông dân và của dân tộc Việt Nam, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ XHCN; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Quân đội nhân dân Việt Nam là của nhân dân, vì nhân dân, là quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, đã cùng toàn Đảng, toàn dân chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, được Đảng và nhân dân tin cậy giao nhiệm vụ, trọng trách trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với đặc điểm, điều kiện phát triển của đất nước. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, phản bác, ngăn chặn các biểu hiện lệch lạc, xa rời quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước để tham gia vào quá trình sửa đổi Hiến pháp đạt hiệu quả tốt nhất.
Nhân dịp này, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh và cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến được dân chủ, công khai, đồng thời chú trọng công tác thông tin tuyên truyền bảo đảm đúng định hướng, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình tổ chức lấy ý kiến.
Với trọng trách là người đại biểu của nhân dân, tôi tin tưởng rằng các vị đại biểu HĐND tỉnh sẽ tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, thiết thực về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, góp phần xây dựng Hiến pháp thực sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân...
(Lược ghi phát biểu của đồng chí Nguyễn Đình Phách, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tại cuộc họp chuyên đề của HĐND tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992)