Tổ chức hội thảo về Hiệp định hòa bình Paris ở Pháp

09:27, 24/03/2013

Ngày 22/3, thành phố Choisy-Le-Roi phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và một số đối tác phía Pháp tổ chức cuộc gặp gỡ-hội thảo với chủ đề “1968-1973: Các cuộc đàm phán hòa bình từ Việt Nam đến thế giới” tại hội trường lớn của thành phố này ở ngoại ô thủ đô Paris, Pháp.  

Việc tổ chức hoạt động này được xem như điểm nhấn của Tuần lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973-27/1/2013), diễn ra từ ngày 19 đến 26/3, theo sáng kiến của thành phố Choisy-Le-Roi, là thành phố kết nghĩa với quận Đống Đa của Thủ đô Hà Nội.

 

Tham dự và chủ trì cuộc hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Dương Chí Dũng; Thị trưởng và Phó Thị trưởng thứ nhất thành phố Choisy-Le-Roi, Daniel Davisse và Jean-Joel Lemarchand.

 

Đặc biệt, tham gia tích cực sự kiện này có đoàn đại biểu Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam dẫn đầu; ông Trịnh Ngọc Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp, thư ký đặc biệt của ông Xuân Thủy có mặt tại thành phố Choisy-Le-Roi từ năm 1968 đến 1973; ông Hà Đăng, phóng viên Báo Nhân dân tại Paris khi đó trong suốt quá trình đàm phán vì hòa bình; bà Hélène Luc, Nghị sỹ Quốc hội vùng Val-de-Marne, Đảng viên Đảng cộng sản Pháp giai đoạn 1968-1973.

 

Ngoài ra, Đoàn đại biểu quận Đống Đa do ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận làm trưởng đoàn, đang thực hiện chuyến thăm và làm việc tại Choisy-Le-Roi, cùng đông đảo bạn bè Pháp yêu mến và quan tâm đến văn hóa, lịch sử phát triển Việt Nam, giới nghiên cứu lịch sử và các chuyên gia Việt Nam học, và bà con Việt kiều tham dự hội thảo.

 

Hội thảo được chia làm ba phần chính với các chủ đề: “Ký kết Hiệp định Paris: hoàn cảnh và ý nghĩa lịch sử”; “Tác dụng của việc ký kết Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam và quan hệ ngoại giao Pháp-Việt và hệ quả của mối quan hệ này đối với thế giới” và “Góc nhìn về Việt Nam ngày nay: Sau chiến tranh ở Việt Nam - Sự phát triển và hiện đại hóa đất nước. Văn hóa hòa bình : xây dựng thế giới hòa bình cho ngày mai”.

 

Các tham luận của các diễn giả tại hội thảo nêu bật những năm tháng vô cùng khó khăn, đấu trí quyết liệt trong thời gian đàm phán, các yếu tố thuận lợi góp phần thúc đẩy thành công của các đàm phán.

 

Theo ông Trịnh Ngọc Thái, một trong những yếu tố thuận lợi góp phần quyết định sự thành công của Việt Nam trong giai đoạn đó là ngoài sự giúp đỡ của lãnh đạo tòa thị chính và nhân dân thành phố Choisy-Le-Roi đã giúp cho đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam có nơi lưu trú trong suốt những năm đàm phán.

 

Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của phong trào yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới, kể cả nhân dân Mỹ và sự giúp đỡ quan trọng, nhiệt tình, có hiệu quả về vật chất và tinh thần của nhiều nước trên thế giới, như Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, hàng triệu triệu người, cùng bạn bè các nước Đông Dương, các nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ…

 

Đặc biệt, nhiều tham luận đưa ra những lý giải giúp các đại biểu tham dự hiểu được sâu sắc hơn và rõ nét hơn những yếu tố quyết sự thành công của các cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập hòa bình ở Việt Nam, từ việc vì sao thủ đô Paris được chọn là nơi diễn ra các cuộc đàm phán, đến sự thừa nhận của các nhà nghiên cứu lịch sử về những bí quyết thành công của cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam vì độc lập dân tộc dẫn đến thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ vào ngày 30/4/1975.

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (năm nay 86 tuổi), người đã cống hiến cả đời mình cho độc lập dân tộc, bằng sự phân tích sâu sắc, lôgích, chặt chẽ của “một nhà thương thuyết tài ba”, “nhân vật lịch sử” của dân tộc Việt Nam, đã giúp các đại biểu tham dự hiểu đựơc cặn kẽ hơn tình hình Việt Nam, tình hình thế giới cũng như nội tình của nước Mỹ trong giai đoạn này buộc họ phải chấp nhận ký kết Hiệp định Paris. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Bình cũng đưa ra những lý giải giúp bạn bè Pháp hiểu được vì sao một dân tộc nhỏ bé như Việt Nam lại có thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

 

Hội thảo thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của bạn bè Pháp, giới nghiên cứu khoa học lịch sử và giới chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam.

 

Trong khuôn khổ Tuần lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris tại Choisy-Le-Roi, đã diễn ra các hoạt động khai trương triển lãm ảnh về Hiệp định Paris trong công viên trung tâm của thành phố và buổi giới thiệu bộ phim có tiêu đề “Thức lâu mới biết đêm dài" của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel và nhà làm phim Yann de Sousa về những năm tháng đàm phán Hiệp định và những câu chuyện kể của các nhân chứng về lý do đi đến thắng lợi cuối cùng của việc ký kết Hiệp định Paris.