Nhân UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân ở cơ sở vào Dự thảo luật.
Cần quy định cụ thể thời hạn cho thuê đất đối với các dự án đầu tư
Ông Phạm Văn Quang (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên): Hiện nay, tình trạng quy hoạch đất để thực hiện dự án, công trình thường kéo dài, chưa thực hiện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án (vì lý do chưa được đền bù nên người dân chưa thể di dời đến nơi định cư mới; vì vậy, họ không được sửa chữa, cơi nới, xây dựng các công trình phục vụ nơi sinh hoạt; phải sống tạm bợ trong các căn nhà, công trình phụ dột nát, chật hẹp rất khổ sở). Trong khi đó, các dự án này không xác định khi nào mới thực hiện. Từ thực tế này, tôi đề nghị: tại Điểm 4, Điều 47, Chương IV của Luật Đất đai (sửa đổi), cần thông báo rõ thời hạn nhất định về thực hiện quy hoạch, nếu quá thời gian 3 năm (như đã quy định ở Điểm 3 của Điều này) mà dự án vẫn chưa thực hiện được coi như hết hiệu lực để người dân trong vùng dự án được phép xây dựng, sửa chữa theo quy định. Không nên để quy hoạch “treo” kéo dài như hiện nay.
Quy định chặt chẽ và làm rõ hơn một số nội dung
Ông Lê Văn Khôi, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh: Tại Điều 50, đất xây dựng khu công nghiệp nên bỏ quy định phải có văn bản chấp thuận của Trung ương, vì các khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào danh mục. Điều 70 quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, cho thuê đất theo hình thức chỉ định chủ đầu tư, tôi cho rằng những vấn đề này cần phải được quy định chặt chẽ hơn, nhằm hạn chế tình trạng dự án treo, nhất là các dự án phát triển đô thị và nhóm dự án thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Liên quan đến Điều 144 quy định về đất khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, theo tôi nên mở rộng các hình thức: Giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không phân biệt đầu tư trong nước hay nước ngoài…
Để giá đất luôn tương đối đảm bảo phù hợp với thực tế
Ông Nguyễn Thành Nhật, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Võ Nhai: Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung và bố cục các chương, điều, khoản nội dung sửa đổi đã đề cập, giải quyết được những vấn đề tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2003; đã đảm bảo là đạo luật cơ bản mang tính chất bền vững và ổn định lâu dài. Tuy nhiên, tôi thấy tại Điều 59 nêu rõ các trường hợp bị thu hồi đất để sử dụng vào mục đích Quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng. Theo tôi, nên sửa cụm từ thu hồi bằng từ trưng mua để tránh tình trạng bị lợi dụng, đỡ thiệt thòi cho người đang là chủ sở hữu…
Nên có quy định rõ ràng về chủ thể thu hồi đất
Bà Đinh Thị Nhương, Phó phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Phổ Yên: Theo tôi, tại Khoản 1, Điều 15, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Nhà nước quyết định thu hồi đất có quy định: “Thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội”. Quy định như vậy là chưa cụ thể, nên quy định là việc sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng thì Nhà nước tiến hành thu hồi theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Còn việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì phải phân loại rõ quy mô của từng dự án để áp dụng loại dự án nào thì Nhà nước tiến hành thu hồi, loại dự án nào thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với chủ thể sử dụng đất để nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án.
Cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Thuế T.X Sông Công: Tại Điều 81 về Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Nếu giữ nguyên Điểm c, Khoản 2 của điều này theo Dự thảo, những hộ gia đình, cá nhân mới có đất ở nhưng chưa có điều kiện xây dựng nhà để ở, hay trường hợp bị thu hồi đất không phải đất ở nhưng có công trình nhà ở (có thể đất vườn, đất mượn của tập thể) mà không được hỗ trợ tái định cư thì không bảo đảm công bằng cho người sử dụng đất. Đề nghị điều chỉnh, bổ sung như sau để phù hợp với thực tế: “Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở hoặc đất có công trình nhà ở nhưng không phải đất ở mà không còn diện tích đất ở nào khác”.
Quy định về công chức làm công tác địa chính ở xã, phường nên ngắn lại
Ông Nguyễn Quế Sơn Chủ tịch UBND thị trấn Đu (Phú Lương): Tại Điều 1 quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Như vậy, nội dung phạm vi điều chỉnh của Điều 1 còn trùng lặp với nội dung của Hiến pháp năm 1992. Bởi, trong Hiến pháp năm 1992 đã quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Đối với Điều 24 Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn được chia thành 3 mục, theo tôi chia mục như vậy là dài, quá chi tiết, nên sửa ngắn gọn là: “Công chức ở xã, phường, thị trấn làm công tác địa chính giúp UBND các xã, phường, thị trấn trong việc quản lý đất đai ở địa phương, được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo Luật Công chức”. Bởi đã có Luật Công chức quy định biên chế công chức, quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức của Chủ tịch UBND huyện…
Nên bổ sung thêm về hạn mức, quyền sử dụng đất nông nghiệp
Ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ: Điều 124 về hạn mức giao đất nông nghiệp đã làm cho quy mô sản xuất khó phát triển theo mô hình các trang trại sản xuất lớn, do đó cần nghiên cứu theo hướng tăng hạn điền. Ngoài ra cũng cần có quy định về điều chỉnh đất nông nghiệp đối với những hộ đã chuyển đổi nghề, chuyển nơi ở, đã mất hoặc không có khả năng sản xuất nông nghiệp… để điều chỉnh bổ sung giao đất cho các hộ nông dân khác nhằm tích tụ ruộng đất.
Điểm b, Mục 3, Điều 126, nên bổ sung vào đoạn cuối là: “Trừ các trường hợp được quy định tại chương VI về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” để đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Để người dân được hưởng quyền thừa kế chính đáng
Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình: Tại Khoản 3, Điều 185, quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Theo tôi, quy định như vậy là chưa phù hợp với quyền thừa kế được nêu trong Pháp lệnh thừa kế. Ví dụ có một số trường hợp, hiện đang là công chức Nhà nước, không trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp nhưng bố, mẹ có nhu cầu thừa kế lại cho con cái toàn bộ số ruộng đất của mình sau khi mất. Nếu thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 185 nêu trên có nghĩa là các trường hợp này không được phép hưởng quyền thừa kế chính đáng của mình. Vì vậy tôi đề nghị bỏ điều này hoặc sửa đổi lại cho phù hợp hơn.
Quy định rõ hơn những hành vi bị nghiêm cấm
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện đoàn Đại Từ: Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 87, quy định về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi, nên bỏ từ “có thể” trong đoạn “trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra” để tránh những trường hợp tranh cãi trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, nên bổ sung từ vào Khoản 1, Điều 11, quy định những hành vi bị nghiêm cấm đề nghị sửa đổi bổ xung thêm từ ngữ cho đầy đủ và rõ nghĩa hơn. Cụ thể, Khoản 1, Điều 11 nên được sửa đổi thành: “Sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền” (thêm cụm từ: chuyển mục đích sử dụng đất).