Về vấn đề quyền con người và quyền công dân

09:31, 14/03/2013

Lâu nay, một trong những nội dung mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam là vấn đề nhân quyền (tức là quyền con người). Chúng núp dưới các chiêu bài tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận để xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Mỗi khi có những vấn đề nổi cộm trong quan hệ tôn giáo hoặc có một nhân vật nào đó bị pháp luật Việt Nam xử lý về tội chống phá cách mạng thì từ bên ngoài lại dấy lên những tiếng nói xuyên tạc, phản bác. Để góp phần trong cuộc đấu tranh chống lại các thủ đoạn xuyên tạc nói trên, tôi xin có đôi lời bàn về quyền con người và quyền công dân như sau:

Ở nước ta, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, người dân hầu như không có quyền, kể cả quyền sống. Chỉ sau khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, quyền con người mới chính thức được xác lập.

 

 

Ngay sau khi giành chính quyền, trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chủ tịch đã nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân vẫn chết đói thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị của tự do, độc lập khi người dân được ăn no, mặc đủ. Vì thế chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân được học hành”. Mặc dù Nhà nước công nông lúc đó còn rất non trẻ nhưng Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận vấn đề quyền con người một cách rất toàn diện, được các nhà sử học đánh giá là mẫu mực.

 

Thể hiện tư tưởng cốt lõi này, trong Hiến pháp năm 1946 có 70 điều thì có tới 11 điều  nói về quyền công dân. Tiếp theo Hiến pháp năm 1946 có Hiến pháp 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 1992 sửa đổi năm 2001. Các bản Hiến pháp này đã kế thừa và phát triển liên tục những nội dung cơ bản về quyền công dân, quyền con người trong Hiến pháp năm 1946. Đặc biệt là Hiến pháp năm 1992 - đây là bản Hiến pháp ra đời trong bối cảnh công cuộc đổi mới của đất nước mới thực thi được 6 năm, nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991.

 

Qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tạo ra những tiền đề về cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí để thực hiện ngày càng tốt hơn quyền con người. Người dân có cơ hội để phát huy hết khả năng mà mình có để cuộc sống ngày càng tốt hơn. Nông nghiệp, nông thôn đã điện khí hóa và cơ giới hóa. Cái ăn, nơi ở, phương tiện đi lại, tiêu dùng, sự học hành của người dân đã từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại hóa. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm theo thời gian. Người già, trẻ em, người cơ nhỡ, tàn tật được xã hội quan tâm ngày càng tốt hơn. Đó là một thực tế không thể chối cãi. Sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã và đang mở ra những cơ hội mới để bảo đảm phát triển quyền con người theo cả chiều sâu và bề rộng, trên các lĩnh vực cả về vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, từ nền kinh tế thị trường cũng phát sinh không ít những yếu tố xâm hại đến quyền công dân, quyền con người, như tình trạng gia tăng các tai, tệ nạn xã hội, gia tăng tội phạm, ô nhiễm môi trường…

 

Trong tình hình ấy, Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992 tiếp tục làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Dự thảo cũng làm rõ hơn nội dung quyền công dân, quyền con người, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền công dân, quyền con người, quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Đồng thời Dự thảo cũng bổ sung một số quyền mới, là kết quả của quá trình phát triển và đổi mới của đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là một thành viên. Đó là quyền sống (Điều 21), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 22), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23), quyền sở hữu tư nhân (Điều 33), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 35), quyền kết hôn và ly hôn (Điều 39), quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 44)…

 

Quyền công dân, quyền con người, trong nội hàm của nó có những yếu tố chỉ mang tính lịch sử. Tìm hiểu nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về quyền công dân, quyền con người cho thấy đây là mục tiêu nhất quán của Đảng và Nhà nước ta kể từ khi lập nước. Sửa đổi, bổ sung nội dung về quyền công dân, quyền con người là việc làm cần thiết khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa.

 

Thực hiện quyền công dân, quyền con người là một quá trình, không thể duy ý chí bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là xã hội do giai cấp nào lãnh đạo và đi theo chính thể nào. Đất nước ta, xã hội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thì ngay trong Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - tại Điều 1 đã xác định chủ thể quyền lực của nước Việt Nam mới là “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt giống nòi (ý nói các dân tộc khác nhau), trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Ngoài ra, quyền con người còn phụ thuộc vào các yếu tố như: Nền kinh tế phát triển đến đâu, giàu hay nghèo? Hệ thống pháp luật được xây dựng như thế nào, đã đồng bộ chưa? Trình độ dân trí cao hay thấp? Phong tục, tập quán của dân tộc ra sao?... Hay nói cách khác là nền dân chủ hoàn thiện đến đâu thì quyền công dân, quyền con người sẽ được thực hiện đến đó.

 

Trong tình hình đất nước ta bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, để có được hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm cho quyền con người như ngày nay đã là sự cố gắng vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân. Và chúng ta tự biết mình còn phải làm nhiều hơn nữa để không ngừng nâng cao quyền con người, đó là một quá trình phấn đấu gian khổ, không thể thực hiện ngay được trong một thời gian ngắn. Các thế lực thù địch đang lợi dụng những khó khăn của chúng ta để xuyên tạc vấn đề quyền con người ở Việt Nam, rồi từ đó đòi đa nguyên, đa đảng. Khi chúng ta nhận thức được rõ ràng, sâu sắc, đúng bản chất vấn đề này thì sẽ là vũ khí sắc bén để chống lại âm mưu của các thế lực thù địch đã và đang lợi dụng chiêu bài “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta.