Viết tiếp trang sử vàng truyền thống

08:37, 09/03/2013

…Sau khi thực dân Pháp xâm lược Đông Dương, Việt Nam và Lào đã có kẻ thù chung là thực dân Pháp. Từ đó hai dân tộc cùng chung cảnh nô lệ và càng thêm gắn bó trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương của Việt Nam có sự tham gia của một số bộ tộc Lào ở phía tây Nghệ An, cuộc khởi nghĩa của Ong Kẹo và Commađam ở Hạ Lào (1901-1937) có sự tham gia của một số bộ tộc người Tây Nguyên; phong trào đấu tranh của Chậu Phạpatchay (1918-1922) của dân tộc Mông (Lào) có sự tham gia của người Mông (Việt Nam); phong trào nổi dậy của người Thái Sầm Nưa (Lào) có sự tham gia của người Thái Sơn La (Việt Nam).

Trong quá trình cai trị của thực dân Pháp tại Đông Dương, người Việt Nam có mặt ở Lào do Pháp tuyển mộ sang làm công nhân, viên chức. Sau đó một số công nhân đã ở lại sinh sống trên đất Lào. Hiện nay, ở hầu hết các Tỉnh của Lào đều có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, tham gia xây dựng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc Lào.       

 

Năm 1945, Mỹ, Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, tạo điều kiện cho Việt Nam, Lào - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - giành được chính quyền về tay nhân dân và tuyên bố độc lập. Ngày 2/9/1945, Việt Nam tuyên bố độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Lào tuyên bố độc lập ngày 12/10/1945 tại Thủ đô Viên Chăn do chính phủ Lào Itxala (Lào yêu nước) đứng đầu. Ngày 30/10/1945, hai Chính phủ Việt Nam - Lào đã ký Hiệp định hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau vì mục tiêu chung của hai nước, hai dân tộc, mở ra một bước tiến mới cho một liên minh chiến đấu chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc của hai nước. Lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự của Việt Nam giúp Lào được thành lập ngày 30-10-1949. Mặt trận liên minh Việt - Miên - Lào được thành lập ngày 11/3/1951 là một thắng lợi lớn của nhân dân Đông Dương đánh vào âm mưu chia để trị” của thực dân, đế quốc, tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân, sức mạnh quân sự để nhân dân 3 nước liên tục giành chiến thắng, tiêu diệt kẻ thù chung trên nhiều thế trận.

 

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vừa thắng lợi thì Mỹ lại đưa quân xâm lược miền Nam Việt Nam, can thiệp sâu vào nền độc lập non trẻ của Lào. Đảng và Chính phủ Việt Nam vừa lãnh đạo xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa xây dựng lực lượng chính trị, quân sự bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Ở Lào, Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Lào đã được thành lập. Ngày 22/3/1955, Đảng Nhân dân cách mạng Lào ra đời, kế tục sự nghiệp vinh quang của Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh đạo cách mạng Lào đoàn kết xung quanh Mặt trận Lào yêu nước kháng chiến chống Mỹ. Đảng và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào lại tiếp tục chung tay vào cuộc kháng chiến thần kỳ chống Mỹ cứu nước với tinh thần chung là giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội; chung kẻ thù là đế quốc Mỹ và chung chiến trường đánh giặc quyết giành thắng lợi. Những năm 1959-1960, âm mưu của Mỹ là dùng bạo lực tiêu diệt Neo Lào Hắc Xạc (Mặt trận Lào yêu nước), quân tình nguyện Việt Nam, với hơn 20 vạn lượt người, đã phối hợp với bộ đội và nhân dân Lào chiến đấu dũng cảm, phá tan được âm mưu của My, giành thắng lợi, mở rộng vùng giải phóng, làm chủ chiến trường. Trên đất nước Lào, nơi đâu cũng có mồ hôi và xương máu của Quân tình nguyện Việt Nam. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ trên đất Lào rất đẹp, đã in đậm trong lòng nhân dân các bộ tộc Lào, đó là tình thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh gian khổ, hết lòng vì dân, vì nước. Và cũng chính vì vậy, quân tình nguyện Việt Nam đã được bộ đội và nhân dân Lào phối hợp chặt chẽ hợp đồng chiến đấu, che chở, đùm bọc lúc khó khăn, cung cấp nhiều thông tin quý báu, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của các trận đánh, tránh được nhiều cuộc bao vây, tấn công của giặc, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của Đảng và nhân dân Việt Nam giao phó.

 

Tại Việt Nam, Ban công tác miền Tây ra đời, đường Trường Sơn huyết mạch từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam đã được khôi phục và mở rộng hoạt động từ giữa năm 1959. Tuyến đường này đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam.        

 

Ngày 5/9/1962, Nhà nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước đặt quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và được sự đồng tình giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới, năm 1975, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, giải phóng hoàn toàn đất nước, hai nước cùng bước sang một trang sử mới. Ngày 2/12/1975 đã trở thành ngày Quốc khánh nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

 

Ngày 18-7-1977, Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào đã ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước khẳng định mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước, liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào không chỉ trong đấu tranh giải phóng dân tộc mà trong cả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Triển khai tinh thần Hiệp ước, Việt Nam đã giúp Lào đào tạo nhiều cán bộ, xây dựng nhiều cơ sở văn hoá, giáo dục - đào tạo, đường giao thông, viễn thông và tạo điều kiện thuận lợi cho Lào trong mọi quan hệ giữa hai nước để cùng tiến lên về mọi mặt theo định hướng xã hội chủ nghĩa…