Vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết keo sơn

20:54, 08/03/2013

Năm 2012 được chọn là “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Lào", đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (5/9/1962 - 5/9/2012) và 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Với vai trò là cầu nối hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh đã phối hợp cùng các tổ chức chính trị tổ chức nhiều hoạt động góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống thủy chung son sắt giữa hai nước ngày càng phát triển bền vững. Nhân Hội nghị tổng kết Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phùng Đình Thiệu, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.

P.V: Năm 2012 là Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, vậy Thái Nguyên đã làm gì để góp phần vun đắp, thúc đẩy mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào nói chung và Thái Nguyên - Lào nói riêng, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Phùng Đình Thiệu: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn làm trung tâm của căn cứ địa cách mạng Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến chín năm (1947-1954). Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp và làm việc với Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Xuphanuvông và nhiều cán bộ cách mạng Lào, hoạch định đường lối giải phóng đất nước Lào và thành lập lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Lào. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam là một điển hình, một tấm gương mẫu mực, hiếm có về sự gắn kết bền chặt, thủy chung, trong sáng...

 

Hưởng ứng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, năm 2012, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức, nội dung phong phú, mang nhiều ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Trong đó, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với tỉnh Luông Pra Bang, mở rộng quan hệ với các tỉnh khác của Lào như thành phố Viên Chăn, tỉnh Hủa Phăn, tỉnh Phông Sa Lỳ. Hội đã tổ chức họp báo với các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào. Các phương tiện báo chí Trung ương và địa phương đã đưa nhiều tin, bài vào dịp Tết cổ truyền Bun Pi Mây của Lào; Kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 35 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và các sự kiện lớn của hai nước; giới thiệu lịch sử quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào và những hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo giữa tỉnh Thái Nguyên với Lào.

 

Năm 2013, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại vụ, Công Thương, một số doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo về hợp tác đầu tư phát triển kinh tế Việt Nam - Lào lần thứ hai. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, lao động trên địa bàn tỉnh sang tìm hiểu tiềm năng, thị trường hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế với Lào....

 

P.V: Hợp tác về kinh tế, giáo dục và đào tạo với Lào là những lĩnh vực được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Hội Hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm. Đồng chí có thể cho biết điểm đột phá trong lĩnh vực này là gì?

 

Đồng chí Phùng Đình Thiệu: Những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Lào và Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo. Riêng với Thái Nguyên, từ năm 1958, lớp lưu học sinh đầu tiên của Lào đã sang học văn hóa ở tỉnh ta. Sau này cũng có rất nhiều lượt lưu học sinh Lào sang học đại học, cao đẳng và hiện nay có khoảng 300 lưu học sinh Lào đang học tập tại 6 trường ở Thái Nguyên, với 4 cấp học: THPT, cao đẳng kinh tế, đại học (Sư phạm, Kỹ thuật Công nghiệp, Y - Dược, Nông lâm) và sau đại học. Đặc biệt năm 2010, tỉnh Thái Nguyên đã cùng với tỉnh Luông Pra Bang ký kết bản ghi nhớ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh. Năm học 2011-2012, Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên nhận đào tạo 20 lưu học sinh của tỉnh Luông Pra Bang, do tỉnh Thái Nguyên cấp học bổng toàn phần; năm học 2012-2013, Nhà trường nhận tiếp 30 lưu học sinh của tỉnh Luông Pra Bang và 5 lưu học sinh của tỉnh Hủa Phăn sang học tập. Sự hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực là một vinh dự lớn của các trường, góp phần thực hiện Dự án "Nâng cao chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020" cho Lào - một trong những ngành hợp tác được Bộ Giáo dục của hai nước tổ chức.

 

Về lĩnh vực kinh tế: Trong thời gian qua, đã có hàng chục doanh nghiệp ở Thái Nguyên sang đầu tư và hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, khai thác, chế biến khoáng sản và tổ chức các chuyến du lịch, dịch vụ tại Lào. Trong năm 2012, Công ty cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Chiến Công (thuộc Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công) đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cấp giấy phép Dự án tìm kiếm, khai thác khoáng sản trị giá 8 triệu USD. Những hoạt động trên đây góp phần đưa quan hệ giữa Thái Nguyên với Lào ngày càng đi vào chiều sâu.

 

P.V: Phát huy kết quả tốt đẹp của Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, vậy Thái Nguyên sẽ làm gì để tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt này, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Phùng Đình Thiệu: có thể khẳng định, năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào đã thực sự trở thành một năm đầy ấn tượng và có ý nghĩa sâu sắc, ghi dấu son quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Lào nói chung và quan hệ giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên với nhân dân các địa phương của Lào nói riêng. Kết quả và tinh thần của Năm đoàn kết hữu nghị sẽ là động lực quan trọng tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước lên tầm cao mới, phát triển hợp tác toàn diện, cùng nhau chia sẻ, bảo vệ và vun đắp tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào không ngừng phát triển, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!