Bên bờ Hiền Lương

21:54, 29/04/2013

Sau gần 40 năm chiến tranh, hận thù khép lại, cầu Hiền Lương hôm nay trở thành một địa chỉ xanh tràn đầy sức sống, và là nơi chứa đựng biết bao huyền thoại thiêng liêng, cao cả. Cây cầu đã thật sự nối non sông Việt Nam liền một dải, như mạch máu hồng thông suốt từ bờ Bắc tới bờ Nam.

Chúng tôi - cũng như bao người khi về đây, đứng bên bờ Hiền Lương, nhìn ngắm cây cầu chất chứa thi ca vắt qua dòng sông Bến Hải nối liền Quốc lộ 1A tại km 735, thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, lòng lại bồi hồi xúc động hoài niệm về một thời dòng sông sục sôi uất hận, suốt 20 năm triền miên oằn mình chịu cảnh chia ly.

 

 

Hơn 7.600 ngày đêm (từ tháng 7/1954 đến 30/4/1975) trong vời vợi lời hờ ru cảnh chồng bờ Bắc, vợ bờ Nam: “Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”... Cả ngàn năm rồi dòng sông Bến Hải vẫn thế, hờ hững trôi từ Tây sang Đông. Những mạch nguồn trong veo được khởi thành sông từ núi Động Chân, thuộc dãy Trường Sơn, chảy dọc theo vĩ tuyến 17 rồi đổ ra biển Cửa Tùng “bị chẻ đôi” làm giới tuyến quân sự tạm thời (Hiệp định Geneve năm 1954). Sau Hiệp định là đạn bom ác liệt và chia ly. Một khúc sông rộng chưa đầy100m, vắt qua nó một cây cầu dài 178m, với 894 tấm ván bắc qua mà cả dân tộc Việt Nam phải đi suốt 21 năm trường kì, đổi không biết bao nhiêu máu xương: 3 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia và hàng nghìn nghĩa trang trong khắp cả nước với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống.

 

Phút giây mặc niệm, chúng tôi - những người làm báo từ Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên, trải dặm đường gần 1.000 cây số về đây, cúi mình thành kính, biết ơn sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đi trước, đã ngã xuống cho con cháu đứng lên sánh vai với cường quốc năm châu... Bắc ngang dòng Hiền Lương từ nhiều năm nay đã có một cây cầu mới, hiện đại cho người dân 2 miền Nam - Bắc vào, ra. Nhưng còn đây, cây cầu của thời đất nước đồng lòng đánh giặc. Một cây cầu không bị chặt đứt bằng đạn bom, mà bị đứt khúc chỉ bằng một vạch sơn trắng, rộng 1cm, chia cây cầu thành 2 bên chiến tuyến. Khi địch đổi màu sơn nửa cầu bờ Nam vào đầu hôm, thì ngay trong đêm quân dân ta sơn lại nửa cầu bờ Bắc, sơn đồng màu với bờ Nam, thể hiện khát vọng thống nhất đất nước của cả dân tộc.

 

Bên bờ Hiền Lương, chúng tôi đứng nghiêm trang, ngước nhìn lên lá cờ đỏ, sao vàng tung bay trong gió. Là con dân đất Việt, chúng tôi hiểu rằng, lá cờ Tổ quốc dù ở đâu, trên biên giới, ngoài hải đảo hay ở giữa Thủ đô Hà Nội đều thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Nhưng bên cầu Hiền Lương, lá cờ Tổ quốc trong năm tháng chiến tranh đã thật sự là lá cờ chuẩn nơi đầu chiến tuyến. Lá cờ đã tung bay quật cường giữa đạn bom, cổ vũ những người con yêu nước cùng đồng lòng đánh giặc. Hơn thế, màu cờ đỏ ngời ánh sao vàng năm cánh làm yên lòng nhân dân đang đau đớn sống trong lòng địch, và làm cho Mỹ, nguỵ  khiếp đảm. Cột cờ đầu tiên được quân dân ta dựng lên bằng 1 cây phi lao, cao 12m, treo lá cờ rộng hơn 15m2. Ngay sau đó ở bờ Nam, địch cho dựng cột cờ cao 15m.

 

Cuộc chiến “chọi cờ” duy nhất trên thế giới được bắt đầu ở 2 bờ sông Bến Hải. Như để chúng tôi hiểu hơn về cuộc chiến “chọi cờ” năm xưa, chị Nguyễn Thị Hương, người con của quê hương Quảng Trị, hiện là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhân dịp nghỉ lễ về thăm nhà, kể cho chúng tôi nghe:.. Cờ của ta không thể thấp hơn cờ địch, khi bờ Nam địch cho dựng một cột cờ như thế, cán bộ, chiến sĩ ta đã dựng lại cột cờ khác, bằng gỗ cao 18m, trên treo lá cờ rộng 24m2. Để thể hiện “chánh nghĩa quốc gia”, tháng 2/1956, Ngô Đình Diệm cho xây cột cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m, với lá cờ 3 que (3 sọc) có đèn nê-ông đủ màu nhấp nháy. Ngay sau đó, quân dân ta đã dựng một cột cờ bằng thép cao 34,5m, với lá cờ rộng 108m2, trên đỉnh cột cờ gắn một ngôi sao bằng đồng có đường kính 1,2m, trên đỉnh ngôi sao gắn thêm 1 chùm 15 bóng điện loại 500w. Trước bất ngờ này, Mỹ, nguỵ vội tăng cao cột cờ của chúng lên 35m và rêu rao “Bắc Việt muốn chọi cờ, nhưng chọi sao nổi quốc gia”. Ngay sau đó không lâu, bên bờ Bắc Hiền Lương, quân dân ta đã dựng lên một cột cờ mới, vững chãi hơn, với chiều cao 38,6m, trên được treo lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg. Đây là lá cờ cao nhất giới tuyến và trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Liên tục nhiều năm, sau mỗi trận đánh, cột cờ gẫy đổ, lá cờ bị mảnh pháo, đạn bom xé rách, thì lập tức một cột cờ mới, một lá cờ mới được thay thế.

 

Câu chuyện chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc chị Hương kể cho tôi nghe đã được ghi vào sử sách. Tôi chắc chắn ở quê hương Quảng Trị, lớp người mới như Hương đều thuộc nằm lòng. Bởi đó là niềm tự hào của những người con của miền đất lửa. Mảnh đất thời chiến tranh chống Mỹ được ví là nơi túi đạn, túi bom. Ngay giữa lòng thị xã Quảng Trị còn khắc lại một dấu ấn bi hùng. Trận chiến 81 ngày đêm giữa mùa hè đỏ lửa năm 1972 giữa bộ đội ta với Quân lực Việt Nam Cộng hoà đã gần như san phẳng khu thành cổ. Là người con sinh ra trên mảnh đất đầy nước mắt đau thương, dù là thế hệ sinh ra sau ngày đất nước giải phóng, nhưng Hương cũng như các bạn đồng trang lứa đều hiểu rõ về chiến tranh qua trang vở học trò, hoặc nghe lời kể của cha mẹ.

 

Hương tiếp tục câu chuyện với chúng tôi như một hướng dẫn viên du lịch: Trong cuộc chiến đấu bảo vệ cờ tổ quốc ở vĩ tuyến 17, quân dân ta đã đánh hơn 300 trận lớn nhỏ, 3 lần bắt biệt kích địch vượt sông đặt mìn phá hoại cột cờ, 2 chiến sĩ công an vũ trang, 11 dân quân Hiền Lương hy sinh và nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bị thương để cờ Tổ quốc tung bay trên bầu trời giới tuyến. Kể từ ngày 19/5/1956 đến ngày 8/10/1967, quân dân ta đã treo hết 267 lá cờ các loại. Những năm tiếp theo, các chiến sĩ công an đã thêm 11 lần dựng lại cột cờ bằng gỗ cao từ 12 đến 18m, 42 lần thay lá cờ... Và trong cuộc chiến “chọi cờ”, không thể không nhắc đến tấm lòng quả cảm của mẹ Nguyễn Thị Diệm, bác Nguyễn Đức Lãng và những người dân vá cờ thâu đêm trong bom đạn.

 

...Dòng sông Bến Hải hôm nay còn chất chứa trong lòng nó bao mảnh đạn bom, và cả những vong, cốt bao người gửi lại. Đất nước thống nhất, chuyện của thời máu lửa đã đi vào sử xanh, cái vạch vôi trắng chỉ rộng 1cm chia cắt cây cầu ấy, phải mất hơn 20 năm chiến đấu không tiếc máu xương, người dân 2 miền Nam - Bắc mới bước được qua để vui sống trong hoà bình. Hôm nay, trong một ngày tháng Tư, trước lúc qua cầu vào thành phố mang tên Bác - T.P Hồ Chí Minh, chúng tôi đứng dưới cột cờ Tổ quốc, nơi vĩ tuyến 17, ngước trông lên lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đang sải bay giữa bầu trời đầy nắng, gió Quảng Trị. Cầu Hiền Lương đã nối đôi bờ dòng sông Bến Hải, như mạch máu hồng thông suốt trên dặm dài Tổ quốc từ gần 40 năm nay rồi.