Đã gần 40 năm trôi qua, trên nóc Dinh Độc lập, lá cờ đỏ sao vàng không ngừng tung bay phấp phới dưới bầu trời tự do. Từ sân Dinh Độc lập, chúng tôi ngước nhìn lá cờ Tổ quốc, lòng xốn sang, hãnh diện về một thời cha ông mình đánh giặc.
Lịch sử còn khắc ghi: Mùa Xuân năm 1975, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta, với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, bằng 5 mũi tấn công của quân giải phóng miền Nam đã thần tốc tiến vào đánh chiếm sào huyệt cuối cùng của chính quyền nguỵ Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dù đã trải qua nhiều năm tháng, nhưng các thế hệ người Việt Nam ai cũng biết cái giờ khắc thiêng liêng của cả dân tộc được tạc vào sử sách. Lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chiếc xe tăng 390 của quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc lập, đạp đổ vĩnh viễn một chế độ phản động gây nên bao chia li của nước mắt và máu. Máu của các thế hệ người Việt Nam yêu nước đã luôn tô thắm cho sắc hồng kỳ...
Câu chuyện về ngày 30-4 năm ấy hằng ngày được các hướng dẫn viên ở Di tích lịch sử Dinh Độc lập kể lại cho người mọi miền đất nước, và cả nhân dân trên toàn thế giới đến đây, nghe về những ngày cuối cùng của chính quyền nguỵ Sài Gòn, về cuộc bỏ chạy của binh tướng nguỵ và thời khắc chuyển giao chính quyền giữa bè lũ tay sai cho Đế quốc Mỹ với chính quyền Việt Nam. Trước từng gian phòng làm việc trong Dinh Độc lập của chính quyền cũ, như phòng họp của các tướng lĩnh nguỵ, phòng làm việc của Tổng thống, phòng tham mưu, phòng thông tin và các hiện vật còn được lưu lại là những tấm bản đồ tác chiến, điện thoại, máy đánh chữ, trên nóc Dinh Độc lập còn chiếc máy bay trực thăng dành riêng cho Tổng thống chế độ cũ chưa kịp cất cánh. Ngay bên phải cổng ra vào Dinh trưng bày 2 chiếc xe tăng đầu tiên của bộ đội ta đánh vào Dinh Độc lập, trong đó có chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng rào sắt tiến vào dinh lũy cuối cùng của tên thực dân kiểu mới tại đất nước Việt Nam.
Câu chuyện ngày 30-4 lịch sử được nhắc đến nhiều nhất là về Đại tá Bùi Quang Thận, quê Thuỵ Xuân, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Ông đã qua đời ngày 24-6-2012, nhưng tên tuổi của ông còn lưu lại cùng sử sách. Vào giờ khắc thiêng liêng của cả đất nước, Bùi Quang Thận với tinh thần cảnh giác cao độ, ông không biết phải “xử lý” thế nào với Tổng thống nguỵ và nội các Sài Gòn, bởi nhiệm vụ của những người lính tăng như ông là chiếm Dinh và cắm cờ. Cuối cùng, Bùi Quang Thận đề nghị Vũ Đăng Toàn, cùng lính xe tăng như mình ở lại “canh chừng” và chờ cấp chỉ huy đến, còn mình thực hiện nhiệm vụ cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập. Người được lệnh hướng dẫn Bùi Quang Thận đi thang máy lên nóc dinh cắm cờ là đại tá Chiêm, chỉ huy trưởng lực lượng phòng vệ phủ tổng thống. Cùng đi theo hỗ trợ Bùi Quang Thận cắm cờ còn có sinh viên Nguyễn Hữu Thái và tiến sĩ báo chí Huỳnh Văn Tòng. Vì cầu thang chính không còn sử dụng được do bị phi công Nguyễn Thành Trung ném bom làm sập ngày 8/4 nên phải đi bằng thang máy. Khi lên được nóc Dinh, Bùi Quang Thận và mọi người hạ lá cờ ba sọc xuống và kéo lá cờ giải phóng xanh đỏ in hình sao vàng lên. Cũng trong giờ khắc trọng đại này, Trung đoàn phó Trung đoàn bộ binh 66 Phạm Xuân Thệ, người chỉ huy đầu tiên của chính quyền cách mạng tiếp cận với tổng thống Dương Văn Minh và tùy tùng. Đại úy Phạm Xuân Thệ thoáng bối rối, chưa biết phải làm gì với tổng thống và nội các của hắn, thì Tổng thống Dương Văn Minh thông báo đã tuyên bố ngừng bắn và đang chuẩn bị tiến hành bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhưng Phạm Xuân Thệ không chấp nhận, mà tuyên bố: Các ông phải đầu hàng... Chỉ ít phút sau đó, trên Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh đọc chậm từng câu, rành mạch, rõ ràng lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Chiến tranh giữa 2 miền Nam - Bắc đã khép lại bằng cái kết có hậu. Đó là một đất nước từ nay non sông liền một dải, được hoàn toàn thống nhất, nhân dân 2 miền được đoàn tụ, đất nước trọn niềm vui. Để nhân dân mọi miền đất nước, đồng thời để cháu con đời đời hiểu đầy đủ, sâu sắc về cuộc chiến tranh chính nghĩa của cả dân tộc Việt Nam, Dinh Độc lập được chính quyền cách mạng giữ lại làm di tích chiến tranh, coi đó như một bằng chứng sống về sự thất bại thảm hại của chính quyền nguỵ Sài Gòn đã gây lên cuộc chiến tranh phi nghĩa. Tháng 8-2009, Thủ tướng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12-8-2009 xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc lập là 1 trong 10 di tích quốc gia đặc biệt.