Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi về Can Lộc - Hà Tĩnh, thăm Khu di tích Thanh niên xung phong (TNXP) ngã ba Đồng Lộc, cúi mình xin thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Trong khói hương trầm mặc, man mác gợi nhớ về miền hoài niệm, khúc tráng ca bi hùng của thời lửa đạn nơi “ngã ba tử thần” năm xưa, hiện hữu trong tâm trí mỗi người như từng thước phim sống động, chất chứa đầy gian khổ, hy sinh mà oanh liệt, hào hùng. Đó là một ngã ba được đổi bằng máu xương của hàng nghìn bộ đội, TNXP, công nhân giao thông, lái xe, chiến sĩ công an, dân công, dân quân du kích... đã gửi lại tuổi thanh xuân để thông đường, cho xe ra tiền tuyến.
Ngã Ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi của 4 xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Mỹ Lộc và Thượng Lộc. Ở vị trí “tứ lộc” những năm tháng chiến tranh, nơi đây được ví là túi bom, túi đạn. Hố bom chồng lên hố bom, trong gần 200 ngày đêm cao điểm (từ tháng 4 đến tháng 10/1968), giặc Mỹ đã đánh 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể đạn rốc két và đạn 20mm. Chị Lương Thị Thuỷ, hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu di tích xúc động: …Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom. Cùng lúc chúng ném xuống các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường. Cũng trong thời gian này, quân dân ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ, phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến... Thuỷ dừng lời giây lát, mắt ngấn lệ: Nhưng có một ngày: Trời đen hôm ấy trắng khăn mây /Bè bạn dầm sương nước mắt đầy/ Ớn lạnh quầng trăng vòng hoa trắng/ Sao mờ mười đốm khói hương bay.
Cán bộ, phóng viên Báo Thái Nguyên thắp hương tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc.
Nhiệm vụ trên giao: Bằng mọi giá phải thông đường. Như mọi ngày, hôm ấy, vào lúc 16 giờ ngày 24/7/1968, tiểu đội 4-C552-Tổng đội 55 do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng ra mặt đường làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa chữa đường kết hợp củng cố hầm trú ẩn. Tiểu đội gồm 10 nữ TNXP: Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng và Võ Thị Hà đang khẩn trương đào xúc đất san lấp hố bom, thì bất chợt có tốp giặc trời bay từ hướng Bắc vào Nam, vượt qua trọng điểm. Cả tiểu đội nhanh chóng nép vào triền đồi, nơi một hố bom còn loang lổ màu đất mới. Khi tốp giặc trời bay hút bóng, cả tiểu đội cùng bật dậy tiếp tục làm nhiệm vụ. Bất ngờ, một chiếc máy bay trong đám giặc trời ấy quay lại, ném loạt bom xuống trận địa, một quả bom đã rơi trúng vị trí làm nhiệm vụ của tiểu đội 4. Tiếng nổ làm rung chuyển cả một khoảng đất rộng, đất đá bay mù mịt, khói bom đen ngòm trùm lên, đồng đội chạy đến ứng cứu nhưng chỉ còn lại một hố bom sâu hoắn, mấy chiếc cuốc, xẻng nằm văng vật nhưng tiểu đội không còn thấy một ai. Trận địa lặng đi, 10 cô gái TNXP đã anh dũng hy sinh. Suốt đêm hôm ấy và cả ngày hôm sau, đồng đội đã đào bới, tìm kiếm thi hài các chị. Riêng chị Hồ Thị Cúc, mãi sang ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy ở đồi Trọ Voi, cách hố bom gần 20m.
Quả bom định mệnh năm ấy cướp đi mạng sống của 10 nữ TNXP hôm nay vẫn còn nguyên ở cạnh chân khu Đài tưởng niệm, nơi các chị yên nghỉ. Dấu tích của chiến tranh khắc hoạ lại niềm đau đớn đến tột cùng của hy sinh, mất mát. Các chị nằm yên nghỉ bên rừng thông xanh có lời gió vi vu quyện giữa hương trầm thơm nồng nàn. Các chị nằm đây, không đơn côi, không buồn lạnh bởi hằng ngày, mưa cũng như nắng, từng dòng người từ khắp miền Bắc - Trung - Nam về đây, dâng hương tưởng nhớ. Cũng bởi thế bia mộ các chị ngày nào cũng tươi màu hoa trắng, ấm khói hương và lời thủ thỉ thành kính biết ơn các chị đã vì nước hy sinh. 10 ngôi mộ chí xếp thành hàng, ngay ngắn như ngày xưa các chị vào trận. 10 tấm bia mộ ghi lại tên tuổi từng người, cái tuổi thanh xuân, trong trắng, hồn nhiên bước vào trận mạc, coi cái chết nhẹ nhàng như đi vào giấc ngủ. Các chị mãi mãi được bên nhau, cả trong lúc làm nhiệm vụ và khi nằm xuống. Sự hy sinh của các chị đã trở thành một biểu tượng về ý chí chiến đấu kiên cường, thôi thúc bao gái trai tòng quân ra trận giết giặc.
Trong phòng trưng bày truyền thống ngã ba Đồng Lộc, tấm sa bàn đắp nổi đã tái hiện lại cảnh tượng khốc liệt, điêu tàn của Đồng Lộc những ngày mưa bom, bão đạn cũng như ý chí quyết tâm thông đường, thông xe, tinh thần dũng cảm, can trường của quân và dân ta tại “toạ độ chết”. Nhà trưng bày được lưu lại nhiều hiện vật quý như bức thư của chị Tần gửi mẹ; bộ quần áo của chị Xuân; dây điện và thỏi nam châm phá bom của anh Vương Đình Nhỏ; bát ăn cơm của 10 nữ thanh niên xung phong; sổ lý lịch, sổ ghi bài hát của chị Hường; di ảnh của 10 nữ TNXP được phục chế; ảnh chụp từ trên máy bay cảnh ngã ba Đồng Lộc dày đặc hố bom... Cũng ở đây, chúng tôi được biết thêm những câu chuyện cảm động của các chị, 10 nữ TNXP cùng tiểu đội đã dũng cảm hy sinh cùng một ngày. Như chuyện chị Tần viết lá đơn gửi Ban Chỉ huy K68 Hà Tĩnh, trình bày về tinh thần hy sinh dũng cảm của một anh bộ đội mình không biết tên. Chị viết lá đơn đó với mục đích nhờ cấp trên tìm ra đơn vị của anh và báo cho gia đình liệt sĩ biết. Còn chị Hợi trong dịp về thăm cha mẹ, chị kể: Bom đạn dội xuống Đồng Lộc ghê gớm lắm, tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm xé suốt đêm ngày, đất đá bụi tung mù mịt. Nhưng tất cả bọn con đều không sợ. Cứ dứt đợt bom là bọn con lại ra đường ngay để xe khỏi bị tắc đường vào Nam... Thế mà các chị đã mang theo sự vô tư, hồn nhiên của tuổi thanh xuân về lòng đất. Các chị: Tần, Cúc, Nhỏ tròn 24 tuổi; chị Dương Thị Xuân, chị Hợi 21 tuổi; chị Nguyễn Thị Xuân 20 tuổi; chị Hường, chị Xanh 19 tuổi; chị Rạng 18 tuổi. Chị Hà hy sinh lúc mới 17 tuổi.
Nhà thơ Huy Cận đã viết về ngã ba Đồng Lộc:
“...Nhưng ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu
Khi con về quê con nhớ viếng thăm
Mộ mười cô kề bên đường đó
Các cô như còn đứng đó
Chờ lấp hố bom
Đường thông xe các cô mới đi nằm...”.
Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, về ngã ba Đồng Lộc, chúng tôi xin có một nén trầm thơm, thắp bên vành hoa trắng của 10 nữ TNXP và hàng nghìn liệt sĩ đã hy sinh ở “toạ độ chết” năm xưa.