Sáng 16-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Tại hội nghị, vấn đề giám sát và phản biện xã hội được ghi nhận là thiết thực song còn nhiều nội dung cần phải tiếp tục thể chế hoá rõ hơn…
Để dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước tốt hơn
Báo cáo tờ trình về dự án luật, ông Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cho biết: Luật MTTQ Việt Nam 1999 có ý nghĩa chính trị to lớn song trước yêu cầu phát huy hơn nữa sức mạnh toàn dân tộc, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung như: mới chỉ dừng ở mức độ quy định những nguyên tắc chính trị - pháp lý chung, mang tính luật “khung”, thiếu các quy định cụ thể và tính quy phạm chưa cao. Luật chưa thể chế hóa được những cơ chế pháp lý để MTTQ Việt Nam phát huy vai trò, chức năng hiệu quả; chưa thể chế hoá được các chủ trương mới của Đảng về tập hợp nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội…
Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) gồm Phần mở đầu, 5 chương, 34 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo luật đã tăng thêm 1 chương, 16 điều. “Nếu chậm trễ việc thể chế hoá phản biện xã hội sẽ gây mất niềm tin trong nhân dân, huy động trí tuệ nhân dân tham gia hoạch định chính sách là cần thiết” – ông Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.
Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN là một nội dung mới được dự thảo luật đề cập tại Mục 3 và mục 4 Chương III nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011): “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”.
Giám sát và phản biện – nhiều vấn đề cần làm rõ
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần được cân nhắc để bảo đảm phù hợp với kết luận của Bộ chính trị về Đề án 86-TW4 (Đề án Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội) là: “Hiện nay, chưa nên đặt vấn đề xây dựng Luật về giám sát và phản biện xã hội; chưa sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về nội dung này; chưa đặt vấn đề về bổ sung, sửa đổi Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan về vấn đề này vì chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn” (Công văn số 4767-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng ngày 2-1-2013).
Hơn nữa, cũng cần xác định rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để quy định phạm vi giám sát và phản biện xã hội chỉ bao gồm hẹp trong phạm vi những vấn đề “có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân” hay là mở rộng ra mọi vấn đề. Xác định rõ hơn về giá trị pháp lý của hoạt động giám sát và phản biện xã hội? Trách nhiệm của đối tượng bị giám sát, phản biện trong việc thi hành kết luận giám sát, phản biện? Xác định rõ mối quan hệ giữa giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận với các quy trình, thủ tục xử lý, giải quyết công việc của Nhà nước, ví dụ trong quy trình lập pháp, phản biện xã hội của Mặt trận ở giai đoạn nào, thủ tục ra sao, nếu không có phản biện của Mặt trận thì dự án Luật có đủ điều kiện để trình ra Quốc hội hay không?
Ngoài ra, vai trò, cơ chế của hoạt động giám sát, hoạt động phản biện xã hội; quy định về nghĩa vụ của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; hình thức phản biện xã hội trong dự thảo luật cũng bị cho là còn chung chung, chưa sát thực tiễn. “Giám sát với cơ quan Nhà nước, còn phản biện với những chính sách chưa ban hành nhưng có chính sách ra đời rồi chưa đúng thì vẫn cần phản biện và giám sát. Thậm chí có những chính sách chưa ra đời vẫn cần phản biện. Tôi đề nghị phải đưa khung pháp lý rất cụ thể cho cả hai hoạt động này, dự thảo nêu còn quá nguyên tắc, vận hành trong cuộc sống rất khó. Ngay như Quốc hội muốn giám sát vấn đề gì hiện nay còn rất khó dù đã có luật quy định rất cụ thể. Cho nên cần nêu rõ phạm vi, quy trình, thủ tục, phân quyền cho thật rõ” – bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phản biện xã hội cần tránh hình thức. Nếu lấy ý kiến của văn bản luật họ chỉ tiếp thu, trả lời rồi “chấm dứt” thì rất mơ hồ, không hiệu quả. Phải ra một kết quả thực. Về trưng cầu ý dân, MTTQVN được tham gia những vấn đề do Quốc hội quyết định trưng cầu là phù hợp.
Ông Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh kiến nghị cần nghiên cứu kỹ hai khái niệm giám sát và phản biện. Khái niệm trong dự thảo chưa rõ, còn trùng lặp với các tổ chức khác, nên xác định rõ giám sát ở đây là giám sát mang tính chất nhân dân. Phản biện xã hội, MTTQ chủ động lấy ý kiến phản biện hay tham gia, tập hợp ý kiến của nhân dân?
Cho rằng không nên nhầm lẫn quyền giám sát của MTTQ với quyền giám sát của Quốc hội, của Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cảnh báo vấn đề này nếu thể chế hoá không tốt sẽ biến MTTQVN thành một bộ phận của bộ máy Nhà nước, gây nhiều rườm rà, phức tạp trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho hay Quốc hội đã có Luật Giám sát nên phải có thời gian chuẩn bị thêm xem có sự trùng lặp giữa giám sát mang tính quyền lực Nhà nước và giám sát mang tính nhân dân không? Ý kiến của Bộ Nội vụ cũng chưa đồng tình vì giám sát và phản biện của MTTQ chưa được ghi trong luật. Đó là chưa kể sau khi sửa đổi Hiến pháp, còn nhiều nội dung liên quan đến quyền của MTTQVN cần được tiếp tục làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết luận khẳng định dự thảo Luật MTTQVN (sửa đổi) có nhiều cái mới cần thiết nhưng còn một số vấn đề như: giám sát, phản biện, đại diện và bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân thì chưa được làm rõ. Vì vậy dự thảo luật cần được chuẩn bị thêm, có thể đưa ra kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 lấy ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào năm 2014.