Huyền thoại Ấp Bắc

08:59, 30/04/2013

Về thăm Di tích lịch sử quốc gia Ấp Bắc, thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), nhìn trên các khu đồng, thấy thấp thoáng trong nắng chiều tháng Tư những mô hình máy bay, xe thiết giáp, tàu chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (VNCH) bốc cháy, tôi liên tưởng tới năm xưa, cánh đồng này từng chứng kiến cuộc chiếc đấu ngoan cường, huyền thoại của quân dân Ấp Bắc. Và từ đâu đó, lời hát đầy kiêu hãnh, tự hào văng vẳng: “Bom rơi thì mặc bom rơi/ Chị em Ấp Bắc vẫn khơi bếp hồng/ Thổi nồi cơm dẻo thơm nồng/ Giúp anh bộ đội no lòng đánh hăng”.

50 năm đã trôi qua, nhưng trận Ấp Bắc ngày 2-1-1963 như còn hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Đó là một trận đánh quy mô lớn, diễn ra vào giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của du kích Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam đối với quân chính quy của Quân lực VNCH. Thắng lợi không chỉ thuần tuý về chiến thuật, mà còn mang ý nghĩa chiến lược, làm rung chuyển giới báo chí Mỹ, làm cho nhân dân Mỹ quan tâm hơn đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

 

Trong trận đánh này, Quân lực VNCH đã huy động lực lượng lớn, gồm một tiểu đoàn bộ binh của Sư đoàn 7 và 2 tiểu đoàn bảo an, 1 chi đoàn thiết giáp gồm 13 xe M113 và 3 đại đội bộ binh, trong đó có 2 đại đội làm lực lượng dự bị; 8 máy bay tiêm kích, 20 trực thăng đổ quân và vũ trang, 11 máy bay quan sát và vận tải, 13 tàu xuồng các loại và 1 tiểu đoàn pháo binh chi viện. Tổng cộng gần 1.800 quân do cố vấn Mĩ trực tiếp chỉ huy. Đối lại, Quân dân Ấp Bắc có 2 đại đội bộ binh và 30 du kích, với 1 khẩu súng cối 60mm là hỏa lực chi viện.

 

Trận đánh diễn ra liên tục suốt từ 6 giờ sáng đến 20 giờ, trong ngày quân ta mở 5 đợt tấn công, chủ động “đối chọi” lại những phương pháp tác chiến "tân kì" nhất của Quân lực VNCH với những thiết xa vận, trực thăng vận, quân nhảy dù... Bằng Lòng dũng cảm, mưu trí, thông minh, ý chí cách mạng, quân dân Ấp Bắc đã đánh bại kẻ địch với trang bị vũ khí tối tân, phương tiện tác chiến hiện đại. Sau 14 giờ chiến đấu, quân dân Ấp Bắc đã tiêu diệt và làm bị thương 450 nguỵ quân Sài Gòn; 3 cố vấn Mỹ bị chết, 4 bị thương; bắn hạ 8 máy bay trực thăng; bắn cháy 3 xe lội nước M113 và bắn chìm 1 tàu chiến Mỹ.

 

Những trực thăng, thiết giáp bọc thép của Quân lực VNCH từng tung tác, gây nhiều tội ác trên mảnh đất quê hương đã bị quân dân Ấp Bắc đánh bại. Ngay sau trận đánh huyền thoại Ấp Bắc, tại Mỹ Tho đã dấy lên phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” được phát động từ tháng 3 đến tháng 12-1963. Sau gần 10 tháng phát động phong trào giết giặc, quân dân Mỹ Tho đã bức hàng, bức rút trên 300 đồn bót, thu 1.200 súng, giải phóng 62 xã, phá 174 ấp chiến lược của địch, xây dựng 122 xã, 573 ấp chiến đấu, lực lượng dân quân du kích phát triển lên hơn 10.000 người, trong đó có hơn 1.000 phụ nữ. Tiêu diệt 5.900 tên địch, bắn rơi, bắn hỏng 32 máy bay các loại, phá 1.006 lần ấp chiến lược và giữ quyền làm chủ ở nông thôn.

 

Tựa như một Bạch Đằng, Đống Đa, Chi Lăng... quân dân Ấp Bắc đã làm nên một huyền thoại, đi vào sử sanh. Sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất - nơi xảy ra trận đánh huyền thoại Ấp Bắc được Nhà nước ta xây dựng thành Khu di tích cách mạng Chiến thắng Ấp Bắc. Trên khuôn viên rộng 2 ha, một quần thể kiến trúc tái tạo lại hình ảnh của trận đánh, và những chiến lợi phẩm: Pháo 105 ly, máy bay lên thẳng, xe bọc thép của địch, xác giặc nhảy dù treo trên ngọn cây, cuộc họp giao ban của cán bộ, chiến sĩ trước trận đánh, mô hình quân dân ngâm mình trong nước hướng mũi súng về phía địch... Cạnh đó là nấm mộ chí của 3 liệt sĩ dũng cảm: Đỗ Văn Trạch, Nguyễn Văn Đừng và liệt sĩ Hùng đã dùng thủ pháo đánh cháy xe lội nước 113 của địch. Và sững sững, hiên ngang dưới bầu trời Ấp Bắc là bức tượng đài Chiến sĩ gang thép nặng 18 tấn, người cầm súng, người cầm thủ pháo hiên ngang đứng trên xe tăng địch. Từ năm 1993, Di tích Chiến thắng Ấp Bắc đã được Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia.