Cuộc chiến tranh kết thúc, đất nước sạch bóng thù, non sông liền một dải, dân tộc Việt Nam lại chung lòng xây dựng cuộc sống mới. 38 năm sau đất nước đã có những bước chuyển quan trọng, với nhiều thành tựu trong xây dựng hòa bình. Nhưng ký ức về cuộc chiến tranh thần thánh thì vẫn mãi mãi đi cùng mỗi người Việt Nam...
Ngày mới trên chiến khu xưa
Năm 1951, Trung ương Cục miền Nam ra đời, thay cho Xứ ủy Nam bộ có từ năm 1946. Trong những năm tháng chiến tranh, Trung ương Đảng đã xác định vai trò to lớn của Trung ương Cục miền Nam, nên đã tập trung ở đây rất nhiều lãnh đạo tài giỏi, cả trên mặt trận chính trị, quân sự lẫn ngoại giao. Trung ương Cục miền Nam thực sự là “bộ não” của cách mạng miền Nam, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương. Các cá nhân từng công tác tại Trung ương Cục miền Nam đều có những đóng góp to lớn, sau khi hòa bình lập lại đều nắm những cương vị chủ chốt của Đảng, Chính phủ.
Trung ương Cục miền Nam từng có nhiều giai đoạn đứng chân trên đất Tây Ninh. Nhất là ở vùng Tân Biên, nơi có những khu rừng già âm u và cũng giáp biên giới Campuchia (qua vùng Xa Mát). Tây Ninh từng bị địch chà đi xát lại, sau hòa bình kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, ai đến Tây Ninh vào thời điểm này đều ngỡ ngàng trước sự vươn lên hết sức mạnh mẽ. Suốt những chặng đường dài vài chục cây số bám theo đường lớn, là những cánh rừng cao su bạt ngàn. Cao su Tây Ninh diện tích lớn nhất nước và cũng đem lại giá trị kinh tế cao nhất nước ở loại cây công nghiệp này. Giáp Campuchia, Tây Ninh có nhiều cửa khẩu. Xa Mát đã có quyết định đầu tư cho đến năm 2020 sẽ trở thành cửa khẩu quốc tế quan trọng. Còn hiện thời, Mộc Bài là cửa khẩu quốc tế đường bộ lớn nhất phía Nam trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài gồm: Khu thương mại công nghiệp (phi thuế quan), Khu quản lý hành chính, Khu quản lý và kiểm soát cửa khẩu quốc tế, Khu đô thị và dân cư, Khu du lịch - dịch vụ, Khu vực phát triển nông - lâm nghiệp với tổng diện tích 21.284 ha bao gồm các xã Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh thuộc huyện Bến Cầu và các xã Phước Lưu, Bình Thạnh, Phước Chỉ thuộc huyện Trảng Bàng. Đặc biệt, nằm trên đường xuyên Á tại đây có 3 cửa khẩu, gồm Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và hai cửa khẩu phụ Phước Chỉ, Long Thuận, phục vụ cho các hoạt động giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với Campuchia và các nước trong khối ASEAN. Mộc Bài chỉ cách T.P Hồ Chí Minh 70 km và thủ đô Phnom Penh của Campuchia 170 km. Vì thế, nếu trong chiến tranh nơi đây là căn cứ địa cách mạng, thì nay đã trở thành giao điểm quan trọng giữa hệ thống đường quốc tế và đường quốc gia ở phía Nam đất nước.
Du khách nước ngoài thăm địa đạo Củ Chi (T.P Hồ Chí Minh)
Máu và hoa
Gần 40 năm. Cỏ cây đã phủ xanh những vùng đất lở loét đạn bom nhưng hôm nay đi đâu trên dải đất này người ta cũng lại nhớ về những năm tháng vô cùng ác liệt. Này đây địa đạo Vịnh Mốc, nơi người dân “Lũy thép Vĩnh Linh” tự vùi mình trong lòng đất để bám trụ nơi bom đạn khốc liệt, cái chết có thể đến với mỗi con người bất cứ lúc nào.
Này đây cây cầu Hiền Lương lịch sử, là nơi “nước sông chia đôi sơn hà” với vĩ tuyến 17 như một nhát chém xẻ chia đất nước. “Bên kia cầu Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê...” Bên này sông là ta, bên kia sông là địch, và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng là để đến một ngày “Anh đứng chờ em giữa cầu Hiền Lương”.
Này đây Làng Vây, nơi xe tăng Bộ C Hồ lần đầu tiên xung trận trên chiến trường miền Nam.
Này đây một thị xã Quảng Trị đổ nát, chỉ duy nhất còn lại một ngôi nhà hai tầng sau những trận chiến ác liệt năm 1972.
Ngày 30/4 là dịp để chúng ta nhìn lại cuộc chiến, suy ngẫm về những gì được mất để từ đó thêm quyết tâm, thêm năng lượng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, không phụ máu xương của những người đã khuất. |
Này đây Khe Sanh, này đây Đường Chín..., biết bao con người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, trước khi từ giã cõi đời vẫn mong đến ngày nước nhà thống nhất.
Quảng Trị, “bãi chiến trường xưa nay đã thành thương trường”. Điều đó đúng với Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo. Cửa khẩu Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, đối diện với cửa khẩu Den Savanh của Lào), là nút quan trọng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây. Năm 2008, Chính phủ tiếp tục phê duyệt quy hoạch chung các khu kinh tế cửa khẩu tại Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, Khu kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo là một trong 9 khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, quy chế, biện pháp và chính sách.
Như vậy là Lao Bảo - Khe Sanh nói riêng và Quảng Trị đất lửa nói chung không chỉ là vùng đất máu lửa mà là vùng đất đến nay đã nở hoa. Hoa nở trên điêu tàn của cuộc chiến. Hoa nở trong cuộc sống bình dị của mỗi người dân Quảng Trị, từng chịu đựng biết bao hy sinh mất mát. Quảng Trị, mảnh đất máu và hoa đang vươn mình, vững bước đi tới tương lai.
Chiến thắng 30/4/1975 đi vào lịch sử dân tộc như một trang vàng chói lọi. Cả dân tộc đã làm cuộc trường kỳ kháng chiến ròng rã 21 năm trời, với biết bao xương máu để giành cho được độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Trong những ngày cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ leo thang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn thì chúng ta cũng quyết giành bằng được độc lập dân tộc”. Quyết tâm của Người, ý chí của Người cũng là quyết tâm, ý chí của tất cả những người Việt Nam yêu nước. |