Bóc tờ lịch cuối cùng của tháng Ba, tôi bỗng sững sờ: Lại một BA MƯƠI THÁNG TƯ nữa đang tới! Ôi! 30/4, với cách mạng đó là một mốc son tươi rói, đối với dân tộc ta, đó là một ngày vĩ đại. Còn với lớp chúng tôi - những người lính - thì đó là một ngày đặc biệt, bởi nó chứa đựng trong đó ăm ắp những kỷ niệm của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Dù cho năm tháng cứ trôi đi, nhưng mỗi lần tới ngày 30/4 lại thức dậy trong chúng tôi những ký ức không bao giờ phai nhạt.
Ký ức của chúng tôi là lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954 rằng “Chúng ta phải chuẩn bị cho cuộc kháng chiến với đế quốc Mỹ” đã trở thành hiện thực vào ngày 5/8/1964, khi không quân Mỹ mở đầu cuộc ném bom miền Bắc nước ta. Lúc đó, cả nước sôi sục khí thế căm thù giặc. Từ thành thị đến nông thôn, từ khắp các công trường, nhà máy, bến cảng, đội hình cuộc sống đã được sắp xếp lại để bước vào thời chiến. Mười năm hòa bình tuy ngắn ngủi, nhưng cũng đủ thời gian để ngấm vào máu thịt mỗi người dân miền Bắc những giá trị của độc lập, tự do, để bây giờ có thể tự tin bước vào cuộc chiến đấu mới. Lúc ấy, chúng tôi mới chỉ mười tám, đôi mươi, thuộc lớp thanh niên đầu tiên được hưởng những trái ngọt đầu mùa của nền dân chủ cộng hòa. Chúng tôi được hưởng thụ một nền giáo dục trong sáng, sống trong một xã hội “Người với người sống để yêu nhau” (Tố Hữu), chịu ảnh hưởng sâu sắc tính nhân văn của phong trào thi đua xây dựng miền Bắc XHCN và ý thức sống vì miền Nam ruột thịt; phơi phới ước mơ trước ngưỡng cửa các trường đại học, nhưng cũng sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần.
Vào thời gian này, cả miền Bắc hừng hực khí thế căm hờn trước vụ đầu độc của Mỹ - Diệm đã giết hại cả nghìn tù nhân trong trại giam Phú Lợi; cùng với đó là lời nhắn nhủ “Hãy nhớ lấy lời tôi” của anh Nguyễn Văn Trỗi (người đặt bom định ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Macnamara) trước pháp trường xử bắn, rồi sự trở về oanh liệt của “Người con gái Việt Nam” - chị Trần Thị Lý. Ngồi trên ghế nhà trường mà lòng chúng tôi sôi sục căm hờn, muốn vỡ tung lồng ngực trong tiếng hô “đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Âm hưởng hùng hồn của bài ca “Giải phóng miền Nam” đã thôi thúc chúng tôi, hơn 200 anh em, chủ yếu từ các trường cấp III Lê Hồng Phong (Phổ Yên), Trần Phú (Phú Bình) và Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên) - trong số này có liệt sĩ Vũ Xuân - “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ.
Ký ức của chúng tôi là những ngày tháng miệt mài trên thao trường, vai đeo hai, ba chục viên gạch, tập leo đèo, vượt suối, luyện sức cho một cuộc hành quân xa mà gian khổ chưa sao lường hết. Chúng tôi bâng khuâng khoác bộ bà ba đen thay cho bộ quân phục, cảm giác như khoác trên vai một sứ mệnh vẻ vang sẽ đi vào lịch sử: Sứ mệnh vượt Trường Sơn ra trận, giải phóng miền Nam.
Ký ức của chúng tôi là những trận đánh không cân sức giữa một bên là quân đội nhà nghề được trang bị hiện đại, có sự yểm trợ tối đa của máy bay siêu âm, phản lực, với pháo dàn, bom tấn và cả đàn trực thăng bay rợp trời, với một bên là những người lính chân đi dép lốp, đầu đội mũ tai bèo, trang bị thô sơ, để rồi sau đó vỡ ra một điều rằng “to gan hơn béo bụng”. Chiến thắng không thuộc về sức mạnh của đạn bom, mà thuộc về sự khôn ngoan và lòng dũng cảm của con người.
Ký ức của chúng tôi là những năm tháng khó khăn ở chiến trường. Có thời gian súng đạn không được tiếp tế, phải lấy súng giặc đánh giặc. Lương thực cạn kiệt, quân trang tơi tả, hàng tháng trời đói cơm nhạt muối, sốt rét triền miên giữa rừng sâu đại ngàn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Chính vào lúc đó, niềm tin vào Đảng, vào Bác, niềm tin vào thắng lợi đã giúp chúng tôi giữ vững ý chí chiến đấu, đi tiếp chặng đường kháng chiến còn lại.
Ký ức của chúng tôi là sự hợp lưu của những đoàn quân hùng mạnh từ trên rừng đổ xuống, từ miền Bắc tiến vào, từ trong lòng các đô thị mở ra, nhanh như bão lốc, mạnh như thác đổ, ầm ầm xe pháo trong cuộc hành quân tiến công hùng vĩ nhất trong lịch sử Quân đội ta ra chiến trường, để ngày 30/4/1975 cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc lập - sào huyệt cuối cùng của kẻ thù.
Nhưng sâu xa hơn cả là ký ức về tình yêu thương con người. Dường như sự phũ phàng, tàn bạo của chiến tranh đã làm nảy sinh trong mỗi con người một thứ tình cảm đặc biệt, không giống tình máu mủ ruột già mà sâu sắc, tinh tế hơn tình yêu đôi lứa, đằm thắm hơn cả tình bằng hữu, một thứ tình cảm chân chất và sòng phẳng, trộn lẫn giữa giận dữ và yêu thương, đôi khi pha chút tục tằn mà vẫn thanh cao bay bổng. Đó là tình đồng đội! Trong ký ức của mình, chúng tôi không bao giờ có thể quên được hình ảnh trong những trận chiến đấu ác liệt, xác đồng đội nằm ngổn ngang, có đồng chí chết không nhắm được mắt, những thi thể không còn nguyên vẹn, những nấm mồ đào vội, chôn vội, những thân cây, mỏm đá, cán xẻng khắc tên, nhưng tất cả đều bị bom đạn chém phạt, cày xới xóa đi mọi vết tích, chỉ còn lại những cái tên được in đậm trong trí nhớ mỗi người. Chính trong những khoảnh khắc mong manh giữa sống và chết, giữa cái nhục với cái vinh, tình đồng đội đã hun đúc chí căm thù giặc, khích lệ những hành động dũng cảm, nâng đỡ, che chở chúng tôi. Tình đồng đội không phải chỉ có “Uống cùng viên thuốc chia đau/ Quên mình chia lửa cứu nhau chia hầm” (thơ Tố Hữu) mà nó còn là sự vun đắp những thiệt thòi, lấp đầy những khiếm khuyết để hoàn thiện cái chất “người” trong mỗi cá nhân. Tình đồng đội, đó là sự thủy chung cao hơn mọi cung bậc và không có hồi kết, trong nội hàm của nó có những tình tiết không thể mô tả bằng ngôn ngữ, mà chỉ người trong cuộc mới có thể nhận ra. Nhờ có tình đồng đội mà anh em chúng tôi có thể vượt qua được “10 năm bom đạn, cháo rau, sốt rừng” (Tố Hữu).
Tình đồng đội cũng giúp chúng tôi giải tỏa cho nhau những mặc cảm về một sự thua thiệt đời thường, an ủi, động viên nhau khi đau yếu lúc tuổi đã xế chiều. Về với đời thường, anh em chúng tôi cho dù địa vị xã hội khác nhau, mỗi người mỗi cảnh nhưng tất cả đều có chung một thời để nhớ và tự hào. Mỗi năm, mỗi lần gặp nhau lại bâng khuâng nhận ra: Danh sách các đồng đội cùng trang lứa cứ vơi dần theo thời gian. Nghe từ trong sâu thẳm mỗi cõi lòng lời nhắn nhủ của những người đã khuất: Hãy sống sao cho xứng đáng với những người không được sống… Trong những năm cuối đời, chúng tôi vẫn nhắc nhau: Dù thời gian không còn nhiều, sức lực không còn nhiều, nhưng chớ bao giờ để cho hình ảnh người lính Cụ Hồ bị hoen ố trong con mắt thế hệ sau. Hãy góp sức, góp phần làm sáng mãi tinh thần 30/4 cùng non sông, đất nước!