Trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện đầu tư của Trung ương, tỉnh, đánh giá đúng tầm ảnh hưởng của báo chí (BC), nên BC Thái Nguyên đã có bước phát triển nhanh, khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, diễn đàn của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Các cơ quan BC của tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, phù hợp với tình hình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động BC, xuất bản của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì tham mưu xây dựng Quy hoạch phát triển BC, xuất bản của tỉnh đến năm 2020 là sở cứ pháp lý tạo đà cho các cơ quan BC, xuất bản phát triển nhanh, mạnh hơn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Hiện trên địa bàn tỉnh, ngoài 3 cơ quan báo chí địa phương là: Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Văn nghệ Thái Nguyên, còn có 40 bản tin của các sở, ban, ngành, đoàn thể; 4 trang thông tin điện tử tổng hợp được Bộ TT&TT cấp phép và nhiều trang thông tin điện tử khác đang hoạt động. Ngoài ra, còn có 4 văn phòng đại diện, cơ quan thường trú của các báo Trung ương, địa phương bạn… Ở thời điểm năm 2013, các phương tiện chuyển tải thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều: Báo Thái Nguyên phát hành hằng ngày và có thêm ấn phẩm Thái Nguyên Hằng tháng; Báo Văn nghệ cũng là tờ báo dày dặn về số kỳ phát hành trong tháng. Đài PT-TH tỉnh có 2 kênh sóng truyền hình, 1 kênh sóng phát thanh với tần suất lớn, lượng thông tin đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó phải kể đến báo Thái Nguyên điện tử, Cổng thông tin điện tử của tỉnh cùng nhiều trang Web, bản tin… đóng góp tích cực vào việc chuyển tải thông tin cả chiều lên và chiều xuống.
Nhìn chung, mạng lưới BC của tỉnh hiện nay đã phát triển khá toàn diện với đầy đủ các loại hình và đều phát huy được thế mạnh của mình, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, BC vẫn chưa vươn tới đối tượng thụ hưởng chính là người dân, tỷ lệ người dân đặt mua báo rất thấp. Hiện nay, lượng phát hành của Báo Thái Nguyên mỗi kỳ mới đạt khoảng 6.000 tờ. Trong khi đó, ở tỉnh khó khăn hơn Thái Nguyên về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như Cao Bằng thì lượng phát hành báo lại cao gấp hơn gấp rưỡi (9.200 tờ/kỳ); báo Yên Bái phát hành mỗi kỳ 8.500 tờ; báo Bắc Giang 10.500 tờ/kỳ.
Theo đồng chí Sầm Việt An, Tổng Biên tập Báo Cao Bằng, thực hiện Kết luận số 29-KL/TW ngày 25-8-2012 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đã có văn bản chỉ đạo và cấp ngân sách mua báo Đảng tỉnh phát cho các trưởng xóm, tổ trưởng dân phố, những người có uy tín trong cộng đồng. Trong khi đó báo Yên Bái phát hành thêm cho đại biểu HĐND cấp xã, phường, thị trấn; báo Bắc Giang phát hành tới tất cả các đồng chí nguyên là bí thư, chủ tịch các huyện, thành, thị, giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Giang cũng bỏ kinh phí mua báo cho các đồng chí là phó ban an toàn giao thông cấp xã, phường, thị trấn, các huyện mua cho đài cấp xã và chi hội trưởng các đoàn thể ở thôn, xóm, tổ dân phố. Thực tế cho thấy, việc mua và cấp báo cho các đối tượng trên mang lại hiệu quả cao, vì đây là những người gần dân nhất. Tờ báo Đảng sẽ là cuốn cẩm nang giúp cán bộ cơ sở nắm bắt kịp thời thông tin từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền tỉnh tới những mô hình, điển hình tiên tiến để nêu gương học tập và làm theo.
Ngoài lượng phát hành báo thấp thì hạ tầng sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng truyền thanh, truyền hình ở cấp huyện, xã của tỉnh ta cũng còn hạn chế. Thông tin điện tử chưa phát huy hết tính ưu việt cũng như lợi thế về thời gian, không gian của tờ báo mạng. Hoạt động xuất bản, in, phát hành chậm thích ứng với sự thay đổi của cơ chế thị trường. Vẫn còn tình trạng in và phát hành xuất bản phẩm lậu, gây hậu quả xấu cho quá trình phát triển hoạt động xuất bản của tỉnh. Song, hạn chế lớn nhất hiện nay của BC tỉnh nhà là chất lượng thông tin: thông tin nhiều nhưng còn nhạt; tính phát hiện, phân tích, phản biện yếu. Nguyên nhân là do một số cơ quan BC vừa thiếu đội ngũ, lại không có nhiều nhà báo có kinh nghiệm cũng như tầm ảnh hưởng về nghề nghiệp…
Theo đồng chí Phan Hữu Minh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, để thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển báo chí thì có 2 vấn đề phải quan tâm, đó là: Thứ nhất, về con người cần có chính sách để khuyến khích những người có năng lực làm BC bằng cơ chế ưu đãi về thu nhập, hưởng thụ, vị trí để họ có thể đem tài năng cống hiến thực sự chứ không phải làm việc để lấp đầy tờ báo hay một chương trình phát thanh - truyền hình. Nói như thế có nghĩa cần một chính sách đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn lực con người. Thứ hai đã là đến lúc cần tính đến hiệu quả kinh tế của BC. Tỉnh, Nhà nước có thể tạo điều kiện về cơ chế để các cơ quan BC vươn lên tự lo một phần cho chính mình, giảm chi cho ngân sách. Đồng thời bằng cách nào đó giúp cho mỗi người dân đều có báo để đọc; được hưởng thụ thông tin qua hệ thống phát thanh, truyền thanh cấp xã. Nhanh chóng đầu tư phương tiện đầu cuối để thu tín hiệu truyền hình. Nói tóm lại phải tìm mọi cách nâng cao tỷ lệ người dân được trực tiếp hưởng thụ BC.
Là người theo sát và trực tiếp đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản của tỉnh từ đầu đến nay, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên khẳng định: “Quy hoạch được xây dựng khá công phu. Nhìn vào đó, chúng tôi thấy được định hướng phát triển BC, xuất bản của tỉnh. Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là nguồn nhân lực và đầu tư trang thiết bị nâng cấp báo Thái Nguyên điện tử, Nhà in Báo Thái Nguyên. Với sự cố gắng của tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên hiện có, Tòa soạn đã và đang nỗ lực phát triển theo đúng định hướng, và đã trở thành báo Đảng địa phương đầu tiên trong khu vực miền núi trung du Bắc bộ tiên phong xuất bản báo hàng ngày. Điều đó cho thấy sự quyết tâm của Tòa soạn với mong muốn được phục vụ kịp thời hơn nhu cầu thông tin của độc giả. Tôi cũng hoàn toàn ủng hộ việc phát triển các cơ quan đại diện thường trú BC trên địa bàn để tỉnh ta sớm trở thành trung tâm BC của vùng.
Với vai trò là cơ quan chủ quản tham mưu xây dựng Quy hoạch phát triển BC, xuất bản của tỉnh, đồng chí Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở TT&TT cho rằng: Nếu được HĐND tỉnh thông qua Quy hoạch tại kỳ họp chuyên đề lần này thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan BC phát triển. Quy hoạch được thông qua còn có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển nền BC, xuất bản của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng trên cơ sở phát triển đồng bộ về số lượng, chủng loại, hạ tầng mạng lưới kỹ thuật và nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu được thông tin của nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Căn cứ pháp lý đã có, với chủ trương tiếp tục phát triển Thái Nguyên thành trung tâm của vùng Việt Bắc, chúng ta tin tưởng rằng sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của tỉnh từ nhân lực đến phương tiện làm việc, cơ chế, chính sách đãi ngộ sẽ tạo đà cho BC Thái Nguyên phát triển đúng với tầm vóc.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG: Tôi nhận thấy các cơ quan BC, nhất là hệ thống các cơ quan BC của tỉnh, luôn là những người bạn đồng hành và hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp. Vì thế, TNG thường xuyên đặt mua báo Thái Nguyên cho các nhà máy, các tổ chức đảng, đoàn thể và các phòng chuyên môn nghiệp vụ của Công ty. Tôi cũng thường xuyên xem báo mạng, tivi để cập nhật thông tin liên quan về thị trường, về tình hình thời sự trong nước và quốc tế. |
Ông Phạm Văn Cảnh, Tổ 15, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên): Nghỉ hưu, tôi có nhiều thời gian hơn để đọc báo, nghe đài, xem truyền hình. Tôi thấy BC của tỉnh thông tin đã đa dạng, phong phú, nhiều chiều. Tuy nhiên, qua xem báo, ti vi tôi thấy nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn thiếu rất nhiều thông tin, nguyên nhân do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền để mua báo cũng như tivi. Vì thế, họ thiếu nhiều thông tin nên khi bị các phần tử tuyên truyền trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thì dễ bị lôi kéo, kích động. Nếu có điều kiện, tỉnh nên tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm phát sóng phát thanh - truyền hình ở vùng lõm; cấp báo, tạp chí của Đảng miễn phí cho các xóm thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. |
Vũ Thị Thúy Hằng, lớp K7A, Trường Đại học CNTT và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên): Trong suốt 4 năm học đại học, em liên tục được công nhận là sinh viên giỏi, được nhận Giấy khen của Hiệu trưởng Nhà trường và Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Mới đây, em cũng là sinh viên duy nhất của Trường được nhận học bổng Shinnyo-en cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Có được kết quả trên là do ngoài học tập trên lớp, em thường xuyên truy cập vào các báo mạng để khai thác thêm thông tin liên quan đến bài học. Qua xem báo, em còn nắm được những tin tức của tỉnh, tình hình trong nước, thế giới được các báo cập nhật khá nhanh. Theo em, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay thì việc giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên biết khai thác những thông tin có ích trên các trang báo mạng sẽ hỗ trợ rất lớn cho quá trình học tập. |
Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020
Với báo in: - Giai đoạn 2012-2015, Báo Thái Nguyên phát triển thành nhật báo. Giai đoạn 2016-2020 phát triển thêm tờ tin nhanh buổi chiều và ấn phẩm dành cho đồng bào dân tộc. - Báo Văn nghệ Thái Nguyên phát triển thêm ấn phẩm điện tử. Giai đoạn 2016-2020 phát hành tuần báo. - Giai đoạn 2012-2015, phát triển 3 tạp chí “Chè Thái Nguyên”, “Xây dựng nông thôn mới” và “Thông tin và Truyền thông”. - Giai đoạn 2016-2020: Phát triển Tạp chí Lao động và Công đoàn. - Thụ hưởng thông tin báo in: chỉ tiêu số lượng báo, tạp chí địa phương/người/năm đạt 2,5 tờ vào năm 2015 và 3,5 tờ vào năm 2020.
Phát thanh - Truyền hình: - Đến năm 2015, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên là cơ quan truyền thông đa phương tiện có quy mô Đài của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. - Đến năm 2015, 100% số xã đầu tư xây dựng trạm truyền thanh.
Báo điện tử: - Xây dựng báo điện tử Thái Nguyên theo mô hình tòa soạn hiện đại, xuất bản với 3 thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung.
Cổng thông tin điện tử: - Nâng cấp Cổng thông tin điện tử tỉnh là cổng thành phần của Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Xuất bản: -Đến năm 2020 nhịp độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 10-12%; doanh thu đạt 270-272 tỷ đồng. |