Đảo Phú Quốc (Kiên Giang) nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, được hình thành từ xa xưa và có lịch sử tồn tại đã ba thế kỷ. Đất và người Phú Quốc ở nơi đầu sóng từng trải qua thăng trầm, được tôi luyện, thử thách tạo nên vẻ đẹp thấm đẫm chất Anh hùng. Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi, những người con của núi rừng Việt Bắc đã hướng về Phú Quốc, đến với người lính đang canh giữ biển đảo, để tìm hiểu một vùng đất quả cảm và tri ân những người con kiên trung đang yên nghỉ tại đất này…
Đảo Ngọc phía trời Nam
8h20 phút, chiếc Airbus của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bắt đầu cất cánh từ sân bay Nội Bài đưa những người con đất Bắc “qua núi, qua sông, qua đồng lúa chín” đến với miền Nam thân thương. Cách Thái Nguyên cả nghìn km đường bay, nhưng đối với những người làm báo Đảng thì Phú Quốc cũng rất gần, trên khoang máy bay, hình ảnh về đất nước nơi đầu sóng bắt đầu được chúng tôi tái hiện bằng lịch sử:
Quá trình khai mở đất phương Nam với vai trò là một trấn từ năm 1708 và một tỉnh từ năm 1900 Hà Tiên là mảnh đất cuối cùng của người Việt trong việc khẳng định chủ quyền của đất nước. Trong đó Phú Quốc và các hòn đảo phụ cận là những tụ điểm dân cư quan trọng để hình thành trấn Hà Tiên. Năm 1868, Pháp đặt ách cai trị lên đảo, ý thức và phong trào chống giặc của người dân nơi đây vẫn duy trì âm ỉ. Năm 1930, sau khi Đảng ra đời người dân Phú Quốc bắt đầu tham gia vào hoạt động cách mạng. Năm 1945, cùng cả nước Phú Quốc vùng lên giành chính quyền trong tay phát xít Nhật…
…Chuyến bay Hà Nội - Phú Quốc của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam chuẩn bị hạ cánh, đề nghị quý khách gập bàn ăn và thắt dây an toàn… tiếng cô tiếp viên cất lên đưa chúng tôi về hiện tại, không ai bảo ai, tất cả cùng háo hức quan sát bên ngoài qua từng ô cửa nhỏ. Từ trên cao nhìn xuống, huyện đảo hắt lên màu xanh yên bình của rừng, của biển. Có lẽ chính tiềm năng “rừng vàng, biển bạc” này mà Phú Quốc được mệnh danh là đảo Ngọc.
Đã “có lời” từ trước lên chỉ sau vài tiếng sau khi đặt chân đến đảo chúng tôi đã có buổi làm việc nhanh với huyện ủy Phú Quốc. Đồng chí Nguyễn Đức Châu, Trưởng Ban Tuyên giáo giới thiệu với chúng tôi những nét chính về mảnh đất này: Huyện đảo Phú Quốc nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích đất tự nhiên 589km2, gồm 27 đảo lớn nhỏ. Đảo Phú Quốc lớn nhất (567km2) với 150km bờ biển nằm trong vùng biển tiếp giáp với vùng biển của nhiều nước: Thái Lan, Malaisia, Campuchia. Dân số của huyện hiện có trên 102.000 người với 8 xã và 2 thị trấn.
Những năm gần đây Phú Quốc đã có nhiều chuyển biến về mọi mặt, riêng năm 2012 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 27,17%, thu nhập đầu người bình quân đạt 57,28 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, du lịch và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Với diện tích rừng tự nhiên lớn, hệ thực vật phong phú, bãi biển đẹp, nhiều sản vật đặc biệt, Phú Quốc có tiềm năng lớn để phát triển du lịch…
Theo đúng lịch trình, điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, nơi yên nghỉ của trên 3.000 mộ liệt sĩ, trong đó trên 1.500 mộ có tên và quê quán, được phân thành 8 khu. Các anh đến đây từ khắp các tỉnh thành trong cả nước, chiến đấu cho nền độc lập và yên nghỉ lại nơi này. Đang giữa tiết Thanh minh, nghĩa trang rất đông người đến viếng. Cùng thân nhân của các anh hùng quả cảm, chúng tôi thắp nhang kính cẩn cúi đầu. Trong khói trầm lan tỏa và hương hoa sứ nồng nàn, chúng tôi - những người con của núi rừng Việt Bắc, của đất ATK lịch sử thì thầm lời khấn nguyện: Các anh hãy yên lòng nơi đất mẹ, chúng tôi sẽ sống xứng đáng với máu, xương của các anh đã đổ xuống, sẽ tiếp tục tuyên tuyền về chiến công hôm qua, thành quả hôm nay của dân tộc để hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau…
Rời nghĩa trang trong ánh chiều tà, chúng tôi tranh thủ thời gian còn lại trong ngày đến Bảo tàng Cội nguồn nằm trên khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Một điều khiến chúng tôi bất ngờ đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, giới thiệu những sản phẩm của rừng, biển ở Phú Quốc, từ vỏ sò, ốc đến nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử. Đúng như cái tên Cội nguồn, đến đây chúng tôi hình dung được đất và người Phú Quốc qua những cổ vật tìm thấy trên đảo: Hàng trăm rìu đá cổ có niên đại ngàn năm tuổi, những mộ, chum của nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng… Trong Bảo tàng còn có một khu bày bán ngọc trai cuốn hút nhiều du khách, ngọc trai ở đây được đưa về từ Trung tâm nuôi cấy ngọc trai trên đảo. Và cũng chính những sản phẩm này đã khiến chúng tôi tìm đến Trung tâm nuôi cấy ngọc trai để khám phá. Đây được coi là cơ sở nuôi cấy ngọc trai lớn nhất của Việt Nam. Từ những con trai bình thường dưới biển, người ta cấy vào đó phôi, sau một thời gian nuôi dưỡng sẽ cho thu hoạch những viên ngọc lấp lánh. Ngọc trai Phú Quốc có màu trắng sữa, một số quý hiếm có màu đen tuyền hay hổ phách. Vài năm trở lại đây cư dân trên đảo đã nhanh chóng nắm bắt những kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai của Úc và Nhật Bản để nâng cao trình độ nuôi cấy. Với công nghệ sản xuất hiện đại người ta có thể tạo ra những viên ngọc có hình thù như ý muốn: hình trái tim, giọt mưa, hình thoi… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Chính vì thế ngọc trai được coi là một trong những đặc sản nổi tiếng ở Phú Quốc.
Từ hồ tiêu, nước mắm nghĩ về chè
Trước khi lên đường đi công tác, biết chúng tôi đến Phú Quốc, nhiều người bạn đã “nhắn nhe”: Nhớ mua hạt tiêu và nước mắm về làm quà nhé!. Nhắc đến Phú Quốc là nhắc đến hạt tiêu cũng như nói đến Thái Nguyên là nói đến chè. Hạt tiêu và nước mắm là những đặc sản có sức lôi cuốn du khách khám phá nên chúng tôi đã dành một phần trong quỹ thời gian ít ỏi của chuyến đi để tìm hiểu những sản vật này.
Cây Hồ tiêu được trồng ở Phú Quốc đã hàng trăm năm. Với diện tích trung bình 471ha tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Thời điểm diện tích lớn nhất là vào những năm 1995-2000 với hơn 1.000 ha. Đây là thời điểm giá tiêu cao nhất (100 - 120.000 đồng/kg, tương đương 30 - 40 kg gạo) người trồng tiêu có lãi từ 200 - 300 triệu đồng/ha (thời điểm năm 1995 - 2000). Giống trồng chủ yếu là 2 giống Hà Tiên và Phú Quốc. Hai nhóm giống này có thời gian thu hoạch gần tương đương nhau từ tháng 11 âm lịch kéo dài hết tháng 2 âm lịch. Năng suất tiêu ở Phú Quốc trung bình là 2.000 - 3.000 kg/ha, mật độ trồng từ 2.500 - 3.000 nọc/ha. Người Phú Quốc trồng tiêu bằng nọc sống và rất ít sử dụng phân bón hóa học. Chất đất ở Phú Quốc hình như có duyên với cây tiêu nên Tiêu Phú Quốc hạt mẩy, vỏ mỏng, ruột đặc, vị cay nồng và hương thơm không nơi nào sánh kịp.
Cùng với tiêu, nước mắm Phú Quốc đã trở nên nổi tiếng và chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Làng nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc hình thành và phát triển hơn 200 năm. Cá ở Phú Quốc nhiều, không thể ăn tươi hết nên người dân đem muối để sử dụng lâu dài, từ đó mà hình thành nghề sản xuất nước mắm. Cá đánh về trộn 2 hay 3 phần cá với 1 phần muối cho vào thùng gỗ đậy kín và nén chặt, sau 12 tháng cá chín rục và cho ra nước mắm nguyên chất. Người ta nói rằng nhiều loại cá có thể chế biến làm nước mắm, nhưng người sản xuất nước mắm ở Phú Quốc chỉ sử dụng cá cơm. Sở dĩ cá cơm Phú Quốc cho ra sản phẩm đặc trưng bởi vùng biển này có loài rong đặc biệt, là nguồn thức ăn của cá cơm, tạo nên hương vị rất riêng khi dùng cá cơm làm nước mắm. Nước mắm Phú Quốc để càng lâu càng ngon, nước mắm cốt mầu nâu sậm trong vắt và sánh đặc và có vị đặc trưng riêng không thể trộn lẫn nước mắm ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước. Hiện, ở Phú Quốc có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm, ước tính sản lượng gần 20 triệu lít/năm. Trong đó Dương Đông và An Thới là hai địa điểm sản xuất nước mắm nhiều nhất đảo.
Từ hạt tiêu và nước mắm Phú Quốc chúng tôi lại nghĩ về đặc sản xứ mình. Ở Thái Nguyên, trong các siêu thị hay trên nhiều cửa hàng, hạt tiêu và nước mắm Phú Quốc bán rất nhiều. Muốn thưởng thức đặc sản ấy với người Thái Nguyên chỉ cần bước chân khỏi nhà đến chợ. Nước mắm, tiêu theo đường thủy, đường bộ, đường không tỏa đi muôn ngả. Còn chè Thái Nguyên? Chúng tôi có ý hỏi người dân nơi đảo Ngọc về cây chè, rất nhiều người nghe nói đến chè Thái, cũng biết đấy là sản phẩm thơm, ngon đặc biệt nhưng chưa có duyên để thưởng thức. Trong những quán cà phê hay hàng ăn bao giờ người dân cũng có một cốc trà đá. Nhưng đó là loại chè được nhập từ T.P Hồ Chí Minh về, cư dân Phú Quốc cũng có thói quen uống trà nhưng không phải là chè Thái. Cây chè trên đất Thái Nguyên đã tồn tại hàng trăm năm, ngành sản xuất chè cũng đi từ thủ công đến hiện đại. Thương hiệu chè Thái Nguyên đã nổi tiếng trong và ngoài nước, song có lẽ đường đi của chè chưa thật sự được nối dài nên có những địa phương trên dải đất hình chữ S vẫn vắng bóng sản phẩm này. Chúng tôi đem mấy ấm chè mang theo gửi lại quán cà phê mình ngồi trong những ngày lưu lại đảo, thôi thì “chè ít, tình nhiều”, ước mong một ngày nào đó người dân nơi đây sẽ biết đến “vị ngọt đượm nơi đầu lưỡi” của chè Tân Cương. Biết đâu một ngày không xa, nếu có cơ hội trở lại hòn đảo Ngọc chúng tôi sẽ được nhâm nhi hương chè Thái giữa muôn trùng sóng vỗ…
Tin, yêu người lính đảo
Trong chuyến công tác về phương Nam, nơi mà chúng tôi háo hức đến nhất chính là Hải quân vùng 5. Vùng 5 quản lý phía Nam biển Đông và vịnh Thái Lan thuộc vùng biển hai tỉnh Cà Mau (phía Tây Nam của Cà Mau) và Kiên Giang.
Đang vào đợt huấn luyện chiến sĩ mới nên cán bộ, chiến sĩ ở cụm huấn luyện đều rất khẩn trương và bận rộn. Bài học đầu tiên của các chiến sĩ Hải quân hôm nay là niềm tự hào về tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt, là lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là quyết tâm sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Biết chúng tôi đến đây từ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc, lãnh đạo Tiểu đoàn 565 đã dành những phút giải lao của các chiến sĩ mới để chúng tôi gặp gỡ và giao lưu. Giữa không khí ấm áp tình quân dân chúng tôi đã cùng nắm tay nhau hát lên những bài ca về biển, đảo, để nhắc nhở mọi người dân đất Việt và nhắc nhở chính mình góp sức chung tay bảo vệ biển quê hương.
Rau xanh trên đảo được các chiến sĩ trồng và chăm sóc hằng ngày.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 còn tổ chức tốt các mặt đảm bảo hậu cần. Bởi thế chúng tôi không hề ngạc nhiên khi thấy những luống rau muống xanh mướt, những chai nước lọc tinh khiết mang thương hiệu Giếng Ngọc và từng thùng nước mắm chất lên nhau cao ngất khi đến thăm cụm sản xuất thuộc Phòng Hậu cần. Trước khi đến với các chiến sĩ Hải quân vùng 5, chúng tôi có thêm thông tin: Năm 2012, Bộ Tư lệnh Vùng 5 đã tiếp nhận hai tàu Hải quân HQ-264 và HQ-265, được biên chế về Lữ đoàn 127, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc. Bởi thế khi đến Lữ đoàn 125, thăm quan tầu Hải quân chúng tôi đều cảm nhận rằng, những con tàu này đã và đang tạo nên thế và lực mới, góp phần nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo, đồng thời nâng cao sức chiến đấu, cũng như nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển.
Giữa trập trùng sóng nước, câu chuyện về lính đảo, về tình yêu biển của các chiến sĩ nơi đây cứ níu giữ chúng tôi. Hoàng hôn đã buông nhưng chưa ai trong Đoàn muốn rời tầu, chỉ đến khi đồng chí lái xe giục giã chúng tôi mới luyến tiếc tiếp tục cuộc hành trình đến với các chiến sĩ canh vùng trời vùng, biển ở Trạm Rađa 620, D511 nằm trên địa phận xã Gành Dầu. Những người lính trên Trạm phần lớn quê ngoài Bắc. Các anh từ Thái Bình, Bắc Giang, Hà Nội, Thanh Hóa đến với Phú Quốc bằng tình yêu biển dạt dào và trách nhiệm thiêng liêng với đất nước. Nhiều người trong số các anh gia đình vẫn ngoài kia, mỗi năm chỉ về phép một lần. Công việc của người lính Rađa dường như không bao giờ ngơi nghỉ: trực 24/24 giờ, tham gia huấn luyện và thực hiện nhiều công việc khác. Trạm hoạt động độc lập, ở trên cao, cách xa trung tâm chỉ huy nên ở đây rất hiếm nước ngọt, bởi thế các anh quý nước như xăng và luôn săn siu từng giọt. Khó khăn, vất vả là thế nhưng các anh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù, sẵn sàng chiến đấu và “Khi Tổ quốc cần chúng tôi sẽ hy sinh”.
Tối trên biển đến thật nhanh, chúng tôi rời Trạm Rađa khi cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Chính trị đang ngồi chờ bên mâm cơm tối. Chút bỡ ngỡ ban đầu qua mau, cái nắm tay xiết chặt cùng lời thăm hỏi ân cần khiến mọi người trở lên thân thiết. Thái Nguyên chỉ thấy rừng chẳng có biển đâu, cuộc giao lưu rộn rã tiếng cười hòa trong tiếng sóng, chúng tôi cùng chia sẻ thông tin về biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, trao nhau từng dòng địa chỉ và những món quà mang hơi ấm quê hương. Giơ cao bức tranh Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đỉnh Đèo De (Định Hóa) tặng những người lính biển, đồng chí Đỗ Thị Thìn, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Trưởng đoàn công tác xúc động: Chúng tôi tặng những người lính đảo món quà nhỏ này và mong rằng khi nhìn bức ảnh các anh sẽ nghĩ về Thái Nguyên, về đất liền đang ngày đêm sát cánh cùng các anh canh giữ biển, đảo.
Có lẽ quá cảm động, Trưởng đoàn của chúng tôi chưa nói hết những điều muốn gửi gắm qua bức ảnh mang theo. Bởi khi các anh nhìn vào đó, không chỉ một Thái Nguyên đang hiển hiện với núi Cốc, sông Công, với thép, với chè mà “như còn đâu đây bóng hình của Bác” - Nghĩ về Bác lòng mỗi chúng ta trong sáng hơn, còn các anh sẽ được truyền thêm sức mạnh, sắt son vào con đường Đảng và Bác đã chọn, thêm bền gan, vững trí, chắc tay súng bảo vệ biển, đảo quê hương.
Sóng vẫn vỗ, lời hát vẫn tiếp lời, nhưng đêm đã về khuya và cuộc hội ngộ nào cũng đến phút chia tay. Chuẩn đô đốc, Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 5 Ngô Văn Phát hiếm khi xúc động và vui đến thế, ông cứ nắm chặt tay từng người trong Đoàn chẳng muốn rời: Các đồng chí cứ yên lòng, dù khó khăn đến đâu chúng tôi cũng nguyện đem hết sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Xin gửi tới đất và người Thái Nguyên những tình cảm mặn mòi của biển, của những người lính đảo cuối trời Nam.
Tạm biệt những người lính đảo, chúng tôi mang theo về tình yêu và nỗi nhớ biển, mong ước một ngày được gặp lại các anh giữa Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc…
Chuyến công tác lần này về phương Nam đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc, thêm một chuyến đi xa để hiểu đất nước mình. Lịch sử đã trao cho Phú Quốc sứ mệnh của một đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam Tổ quốc. Ngót một thế kỷ chìm trong loạn lạc, Phú Quốc đã chứng tỏ ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam: không chịu cam tâm làm nô lệ, liên tục đứng lên chống lại kẻ thù. Và hôm nay, những người dân của đảo Ngọc đang góp sức xây dựng quê hương, canh giữ biển đảo, viết tiếp bản hùng ca bất diệt của non sông.