Sáng 30/5, tại Hà Nội khai mạc hội nghị cấp Bộ trưởng các bên liên quan thực hiện Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) lần thứ 2. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
Trong giai đoạn 1 (2010-2012), nhiều hoạt động đã được triển khai trên cả 4 hợp phần chiến lược gồm: Đánh giá, giám sát rủi ro, cảnh báo sớm; phòng ngừa và giảm nhẹ; ứng phó thiên tai; phục hồi sau thiên tai.
Hợp tác về quản lý thiên tai thảm họa giữa ASEAN và các đối tác cũng đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều dự án cụ thể thông qua sự hỗ trợ của các đối tác như: Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mỹ, Liên minh châu Âu.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, ở cấp độ khu vực, quản lý thảm họa thiên tai luôn là ưu tiên cao của các quốc gia ASEAN, cũng như trong hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.
Việc thông qua Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng cho các nỗ lực tăng cường hợp tác phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong khu vực ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, hội nghị cần tập trung vào một số vấn đề như tăng cường quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý thiên tai thảm họa của ASEAN với các kênh liên quan… Việc khôi phục hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về quản lý thảm họa là bước đi thiết thực; chú trọng công tác huy động nguồn lực để thực hiện các dự án cụ thể và thực chất.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cần cụ thể hóa các thỏa thuận và cam kết hợp tác quản lý thiên tai, thảm họa cấp khu vực của ASEAN vào chương trình phát triển quốc gia của mỗi nước thành viên, trong đó cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao nhận thức cộng đồng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đầu tư nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai. Tôi tin tưởng rằng, với cam kết chính trị cao của các quốc gia thành viên ASEAN, nỗ lực chung của toàn khu vực, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN có khả năng ứng phó cao và an toàn trước thiên tai”.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai có xu hướng ngày càng bất thường, khó dự báo và cực đoan hơn đang làm xáo trộn cuộc sống của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn ở mỗi quốc gia. Điều này làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, đòi hỏi các nước trong khu vực ASEAN phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc ứng phó với thảm họa thiên tai./.