Khiêm tốn và giản dị là một trong những đức tính đặc sắc nhất của đạo đức Hồ Chí Minh. Trong cuốn sách "Vĩ đại một con người" (H), Giáo sư Trần Văn Giàu viết:
"Cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ Hồ rất sôi nổi, long trời, lở đất đến như vậy, tiếng thơm lan tỏa khắp năm châu bốn bể, trong Ðảng và Chính phủ (nhà nước và đoàn thể) Việt Nam. Cụ Hồ là người lãnh đạo tối cao được kính mến như vậy, nhưng đời sống của Cụ rất bình thường, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Tính khiêm tốn, giản dị của Cụ được ca tụng hết lời, cũng như đức quên mình vì mọi người".
Giáo sư Giàu nêu lên nhiều chứng dẫn.
Chủ tịch Thượng nghị viện Chi-lê Xan-va-đo A-giên-đê, sau khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tháng 5-1969, nhận xét: "Chưa bao giờ chúng tôi thấy sự giản dị và sự vĩ đại lại kết tinh ở một con người như Hồ Chí Minh".
Ông M. Kha-li của Cộng hòa A-rập thống nhất khẳng định: "Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc sống giản dị, khiêm tốn".
Giáo sư viết tiếp: "Cả Việt Nam, toàn thế giới đều biết đến bộ quần áo ka-ki sờn, đôi dép cao-su mòn, ngôi nhà gỗ đơn sơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Quả thật, từ cuộc sống thường ngày của Bác, ta có thể nêu lên hàng trăm hàng nghìn dẫn chứng về đức khiêm tốn và giản dị của Người.
Năm 1948, từ chiến khu Việt Bắc, giữa lúc phong trào thi đua xây dựng đời sống mới đang lên, Bác Hồ gửi thư chúc thọ cụ Phùng Lục, phụ lão cứu quốc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Ðông. Thư viết:
"... Những vị thượng thọ như Cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà.
Trong ngày chúc thọ, cụ lại miễn sự tế lễ linh đình, mà đem số tiền 500 đồng quyên vào quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái tấm gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.
Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc Cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe...".
Vị Chủ tịch nước 58 tuổi gửi thư cho một bậc thượng thọ, tự xưng mình là cháu, quả là việc xưa nay hiếm, có một không hai.
Cũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới. Anh em cảnh vệ kiếm được một con ngựa, mời Bác cưỡi. Bác nói: "Chúng ta có bảy người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện".
Anh em khẩn khoản mãi, không nỡ từ chối, Bác trả lời:
- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba-lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.
Cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Tại một ngọn đồi thấp, Bác đứng nói chuyện với nhân dân. Càng gần trưa, nắng càng gắt. Nhìn Bác đứng giữa nắng, ai cũng băn khoăn. Ðồng chí Chủ tịch huyện cho tìm mượn được chiếc ô, định giương lên che cho Bác, Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi. Bác có phải là vua đâu.
Có lẽ những mẩu chuyện cụ thể như thế này thì nhiều lắm, kể ngày này qua ngày khác cũng không hết được.
Về bộ quần áo ka-ki, đôi dép cao-su và ngôi nhà gỗ của Bác Hồ, sẽ không có gì đáng nói nếu đó chỉ là những vật dụng thông thường, nếu đằng sau những thứ ấy không phải là một nếp sống thanh cao, một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn.
Bộ quần áo ka-ki
Bộ quần áo ka-ki gắn liền với cuộc đời của Bác ngay từ những ngày đầu nước nhà giành được độc lập, trải qua hai cuộc kháng chiến cho đến khi Bác qua đời. Báo Pháp Ðây Paris, số ra ngày 18-6-1946, đã viết:
"Chủ tịch nước Việt Nam là một người giản dị quá đỗi". Quanh năm ông chỉ mặc một bộ quần áo ka-ki xoàng xĩnh và khi những người cộng tác quanh ông để ý, nói với ông rằng với địa vị của ông ngày nay, nhiều khi cần phải ăn mặc cho trang trọng, thì ông mỉm cười trả lời: "Chúng ta tưởng rằng chúng ta được quý trọng vì có áo đẹp mặc, trong khi bao nhiêu đồng bào đang mình trần rét run trong thành phố và các vùng quê".
Sự ăn ở giản dị đến cực độ, như một nhà ẩn sĩ, đó là một đức tính rõ rệt nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Hai mươi lăm năm sau, năm 1971, sau khi Bác Hồ đã mất, một người Mỹ - nhà báo, nhà văn Ðây-vít Hăm-bớc-xtơn, trong cuốn sách "Hồ" của mình, do nhà xuất bản Răng-đôm Hao-xơ ở Niu-oóc ấn hành, đã viết:
"... Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Găng-đi, hơi giống Lê-nin, hoàn toàn Việt Nam. Có lẽ hơn bất cứ một người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc của ông, và đối với cả thế giới, ông là hiện thân của một cuộc cách mạng. Thế nhưng đối với hầu hết nông dân Việt Nam, ông là biểu tượng của cuộc sống, hy vọng, đấu tranh, hy sinh và thắng lợi của họ. Ông là một người Việt Nam lịch sự, khiêm tốn, nói năng hòa nhã, không màng địa vị, luôn mặc quần áo đơn giản nhất - cách ăn mặc của ông không khác mấy người nông dân nghèo nhất - một phong cách mà phương Tây đã chế giễu ông trong nhiều năm, cười ông thiếu nghi thức quyền lực, không có đồng phục, không theo thời trang. Cho đến một ngày họ mới tỉnh ngộ và nhận thấy chính cái giản dị ấy, cái sùng bái sự giản dị ấy, cái khả năng hòa mình vào nhân dân ấy là cơ sở cho sự thành công của ông".
Ðôi dép cao-su
Ðôi dép cao-su của Bác "ra đời" vào năm 1947, được "chế tạo" từ một chiếc lốp ô-tô quân sự của địch bị bộ đội ta phục kích tại Việt Bắc.
Trên đường công tác, Bác nói vui với anh em cán bộ đi cùng: Ðây là đôi hài vạn dặm trong chuyện cổ tích ngày xưa...
Mười một năm sau, đôi dép cao-su ấy vẫn được Bác sử dụng trong chuyến thăm Ấn Ðộ vào tháng 2-1958.
Chuyện kể lại: Khi Bác lên máy bay, ngồi trong buồng riêng, anh em cảnh vệ lập mẹo, giấu dép đi, để sẵn một đôi giày mới. Bác phát hiện và ôn tồn nói:
- Bác biết các chú cất dép của Bác đi chứ gì. Nước ta còn chưa được độc lập hoàn toàn. Nhân dân ta còn khó khăn. Bác đi dép cao-su nhưng bên trong lại có đôi tất mới thế là đủ lắm mà vẫn lịch sự.
Ðiều ít ai nghĩ tới là suốt thời gian ở Ấn Ðộ, các chính khách, nhà báo, quay phim, chụp ảnh lại rất chú ý đến đôi dép của Bác. Nói đúng hơn là họ quan tâm đến phong cách giản dị của một con người vĩ đại.
Bác Hồ đã được các nhà lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân, nơi Bác đến thăm, dành cho sự yêu mến và kính trọng đặc biệt. Bác Hồ từ chối không ngồi chiếc ghế vàng dành để đón tiếp Người, mà ngồi cùng ghế như những người bình thường. Bác đến tận nơi bắt tay người lái tàu còn đầy than bụi.
Tại cuộc đồng diễn của hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Ðộ chào mừng Bác Hồ, các em rầm rộ hô vang: "Cha, cha Hồ" (Bác Hồ). Thủ tướng Nê-ru ngồi cạnh Bác sung sướng nói vui:
- Ngài là "đối thủ" đáng yêu của tôi, vì được các em gọi là Bác.
Ở Ấn Ðộ, các em thiếu nhi chỉ gọi Nê-ru là Bác và Bác Hồ là người thứ hai được các em gọi là Bác.
Tờ báo Tri-nu-ne Am-ba-la xuất bản tại Niu Ðê-li, ngày 8-2-1958, viết:
"Thật là một đặc ân cho nhân dân Ấn Ðộ được vinh dự chào mừng tiến sĩ Hồ Chí Minh. Với sự giản dị và chân tình của mình, tiến sĩ Hồ Chí Minh đã khiến mọi người yêu mến ở bất cứ nơi nào ông đến".
Thủ tướng Nê-ru nói: "Chúng ta được tiếp xúc với một người. Người đó là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm cả về tầm vóc. Ðược gặp Người ấy là một người từng trải, khiến chúng ta trở nên tốt hơn".
Ngôi nhà nhỏ
Trong tạp chí "Những vấn đề Viễn Ðông" số 4 năm 1990, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (trước đây) Ni-ka-lai Phê-đê-ren-cô, kể lại khá tỉ mỉ chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Ðoàn Xô-viết tối cao Liên Xô Vô-rô-si-lôp vào năm 1957. Viện sĩ đặc biệt nói đến cuộc thăm "xã giao" của Chủ tịch Vô-rô-si-lôp tại nhà riêng của Bác Hồ ngay trong khuôn viên Phủ Chủ tịch (căn nhà trước đây người thợ điện trong Phủ Toàn quyền ở). Tiếp khách Bác Hồ nói:
- Ðồng chí Vô-rô-si-lôp thân mến ạ. Tôi thật băn khoăn khi thấy đồng chí phải tới thăm ngôi nhà nghèo nàn của tôi. Ðồng chí thấy đấy, tôi thích giản dị. Cái buồng nhỏ này là nơi tôi đọc sách. Còn bên kia là buồng ngủ. Nhà chỉ vừa đủ cho một người nên cũng chẳng có chỗ để mời đồng chí ngồi. Hay là mời đồng chí ngồi ngay trên chiếc chiếu này. Không phải là tôi không có ghế dài, nhưng bày ra nó chiếm chỗ.
Buồng đọc sách chỉ có một chiếc bàn giấy và một chiếc ghế tựa. Còn buồng ngủ có một chiếc giường trải chiếu.
Hồ Chí Minh nói khẽ:
- Xin lỗi vì đồ đạc quá ít, nhưng tôi lại thích như vậy.
Chúng tôi không ở lại lâu trong nhà của Chủ tịch. Rời khỏi nhà, Vô-rô-si-lôp nói với tôi:
- Tôi không thể tưởng tượng được rằng một vị Chủ tịch nước, một nhà lãnh đạo nổi tiếng lại chỉ ở một cái nhà xoàng xĩnh như vậy. Hay là có chuyện đùa gì đây?
Tôi đáp:
- Tôi không tin rằng Hồ Chí Minh muốn đùa. Nhà của đồng chí đó thật. Vì vậy đồng chí đó mới không muốn có cuộc viếng thăm của chúng ta.
- Nếu thật quả như vậy thì chúng ta phải suy nghĩ về những lâu đài, biệt thự của chúng ta tại Mát-xcơ-va. Và Vô-rô-si-lôp buồn rầu nói thêm: Bây giờ thì tôi nhìn thẳng mặt đồng chí Hồ Chí Minh làm sao đây? Và tôi sẽ nói làm sao đây với các đồng chí của tôi...
Tôi đã từng qua nhiều thành phố lớn trên trái đất. Thành phố Mê-hi-cô, Tô-ki-ô, Niu-oóc, Thượng Hải. Nhưng cuộc đi thăm ngôi nhà nhỏ của Hồ Chí Minh có lẽ là một kỷ niệm đã khắc sâu trong tâm trí tôi nhiều hơn tất cả.
---------------------------------------
Tháng 5-2013
(*) NXB Chính trị quốc gia, 2008.