Ngày 29/5, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã được chuyển tới các ĐBQH. Trong đó, nội dung đáng lưu ý được nhiều ĐBQH đề cập là tình hình biển Đông đang diễn ra rất phức tạp. Có xử lý tốt vấn đề biển Đông mới đạt được mục tiêu ổn định lâu dài để phát triển toàn diện kinh tế, xã hội. Bên hành lang kỳ họp QH chiều 29/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Thưa bộ trưởng, sau sự việc va chạm nghiêm trọng trên biển Đông vừa rồi giữa tàu cá Trung Quốc và tàu cá Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã ra công hàm phản đối, song phía Trung Quốc đã có những luận điệu phản bác ngang ngược. Vậy tiếp theo ta sẽ có những động thái ngoại giao gì để giải quyết sự việc này?
* Bộ trưởng PHẠM BÌNH MINH: Chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh ngoại giao. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nêu rất rõ vùng đánh cá đó nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, việc Trung Quốc cản trở việc đánh cá của ngư dân ta là đi ngược lại Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, trái với tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), gây phức tạp thêm tình hình trên biển. Nguyên tắc của ta là bảo vệ ngư dân và những hành vi cản trở ngư dân Việt Nam như vậy là rất nghiêm trọng.
* Báo cáo tổng hợp ý kiến ĐBQH tại tổ lần này đề cập rất nhiều đến vấn đề biển Đông với mối quan ngại sâu sắc. Bộ trưởng có chia sẻ với đại biểu?
* Đúng là gần đây tình hình biển Đông có những căng thẳng gia tăng. Chúng ta đã thông qua Luật Biển năm 2012 và đang tiếp tục thực thi Luật Biển. Đối với các tranh chấp trên biển Đông thì lập trường của Chính phủ rất rõ ràng là phải giải quyết thông qua hòa bình, đối thoại, tôn trọng Công ước Luật Biển. Đó là về chính sách ngoại giao, còn ngư dân Việt Nam có quyền đánh cá trên các vùng biển của ta, ta sẽ tiếp tục bảo vệ ngư dân đánh cá một cách hợp pháp. Vấn đề biển Đông luôn được báo cáo ở các kỳ họp QH và việc các ĐBQH đặc biệt quan tâm là đương nhiên.
* Có ý kiến ĐBQH cho rằng báo cáo của Chính phủ về biển Đông còn chưa đủ thông tin mà cử tri trông đợi?
* Chính phủ sẽ có báo cáo bổ sung, tùy thuộc vào chương trình kỳ họp.
* Ta đã dùng biện pháp ngoại giao lâu nay, song dường như vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của cử tri và người dân, trong khi phía Trung Quốc ngày càng ngang ngược. Có ý kiến đặt vấn đề sử dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn, chẳng hạn khởi kiện, như Phillipines đã làm?
* Chúng ta đang dùng tất cả các biện pháp để đấu tranh bảo vệ ngư dân. Đấu tranh ngoại giao là biện pháp trong thời bình và luôn là biện pháp được tất cả các nước sử dụng. Các sự việc tranh chấp trên biển luôn xảy ra, không chỉ với ngư dân Việt Nam mà còn với ngư dân các nước khác trong khu vực. Ta dùng biện pháp ngoại giao và tất cả các biện pháp hòa bình có thể.
* Phải chăng việc Thủ tướng tham gia Đối thoại Shangri-La lần này cho thấy Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến các diễn đàn đa phương?
* Việt Nam đã tham gia diễn đàn này từ nhiều năm, nhưng năm nay, Thủ tướng là cấp cao nhất trực tiếp tham gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tất cả các diễn đàn khu vực một cách chủ động, tích cực, đó cũng là quan điểm nhất quán của chúng ta. Thủ tướng tham gia và với tư cách diễn giả chính và có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc, liên quan đến đường lối chính sách của Việt Nam. Cũng sẽ có một số cuộc gặp song phương đang được sắp xếp.
* Thông điệp của bài phát biểu này là gì, thưa Bộ trưởng?
* Chủ đề của Đối thoại Shangri-La là hòa bình, an ninh trong khu vực, sẽ bàn đến tất cả các vấn đề liên quan, chắc là sẽ có vấn đề biển Đông. Diễn đàn Shangri-La là diễn đàn được tổ chức thường niên, không bị tác động bởi các sự kiện khác..