Một số vấn đề đặt ra qua một năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI)

09:50, 15/05/2013

Ngày 16/1/2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Đây là một Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm theo dõi, ngay từ khi Nghị quyết mới ban hành cũng như trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện.

Việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể và thể hiện quyết tâm trách nhiệm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các nội dung của Nghị quyết được thể chế hoá, cụ thể hoá bằng chỉ thị, kế hoạch và các quy định, quy chế, hướng dẫn… của Trung ương tương đối nhanh, kịp thời và khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện ở các cấp. Công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, cũng như nội dung, quy trình, phương pháp tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cũng có những điểm mới so với các lần trước đây, có tác dụng tích cực và đem lại một số kết quả bước đầu.

 

Hiện nay, việc đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết, nhất là việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đang còn có những ý kiến khác nhau, thậm chí có ý kiến còn hoài nghi, thiếu tin tưởng vào việc thực hiện Nghị quyết. Song, với thái độ khách quan và ý thức trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng, chúng ta có thể khẳng định rằng: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng tuy còn một số mặt hạn chế, nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau đây:

 

1. Thông qua việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương đã góp phần củng cố, nâng cao nhận thức tư tưởng, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về tình hình Đảng và công tác xây dựng Đảng hiện nay; thấy rõ tính cấp bách và sự cần thiết phải tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng để khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Từ đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của Đảng, đề cao ý thức tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết; tạo được sự quan tâm theo dõi và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng.

 

2. Tuy thời gian thực hiện còn ngắn (thực chất mới gần 1 năm), nhưng cả bốn nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đề ra đã được triển khai thực hiện khá đồng bộ, từ việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng, đến công tác tổ chức, cán bộ và việc xây dựng cơ chế, chính sách và công tác giáo dục chính trị, tư tưởng như: Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; triển khai việc xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Quốc hội đã bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh lãnh đạo do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Ban Bí thư đã ban hành Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các cấp…, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Nghị quyết.

 

3. Thông qua việc chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân ở các cấp đã giúp các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn những ưu điểm để tiếp tục phát huy; những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm để kịp thời sửa chữa, khắc phục. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình một cách thẳng thắn trên tinh thần đồng chí đã tăng cường thêm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; trong mỗi cấp ủy, tổ chức đảng có sự hiểu biết, cảm thông, chia sẻ với nhau hơn; nhiều cấp ủy và cán bộ, đảng viên đã nhận dạng rõ và sâu sắc hơn về những biểu hiện của sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở ngay trong cơ quan, địa phương, đơn vị cũng như của bản thân mình, làm cơ sở để mỗi người tự đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của mình chính xác hơn. Có thể nói, đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng vừa qua là một dịp tốt để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại chính mình, qua đó tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, gia đình và có những giải pháp cụ thể để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.

 

4. Trên cơ sở thấy rõ những thiếu sót, khuyết điểm của mình, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đã đề ra phương hướng phấn đấu và các giải pháp cụ thể, phù hợp để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Sau kiểm điểm, nhiều cấp ủy địa phương đã quy định cụ thể về việc tổ chức các hội nghị, lễ cưới, lễ tang; quy định không uống rượu, bia buổi trưa trong các ngày làm việc; quy định chặt chẽ việc cán bộ lãnh đạo đi công tác nước ngoài; tiến hành rà soát, điều chỉnh hoặc thu hồi các dự án đã được cấp phép nhưng chậm triển khai hoặc chủ đầu tư không có khả năng thực hiện; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy và sắp xếp, bố trí lại cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị cho phù hợp; chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra, và kết luận để điều chuyển hoặc xem xét, xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên, công chức có dư luận liên quan đến tham nhũng, tiêu cực; tập trung xem xét, giải quyết các vụ khiếu kiện lâu ngày và đưa ra xét xử những vụ án lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Hà Nội đã thực hiện thí điểm lấy phiếu tín nhiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy; Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm việc thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp sở, ngành; Thái Bình đã bổ sung quy trình đề bạt cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, tăng tính công khai, minh bạch và quy định tất cả cán bộ lãnh đạo từ cấp huyện đến cấp tỉnh đều phải về dự sinh hoạt định kỳ hàng tháng với các chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố v.v. Có thể nói, những việc làm cụ thể, thiết thực nêu trên đã có tác dụng tích cực trong xã hội và bước đầu đem lại niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào việc thực hiện Nghị quyết.

 

5. Thông qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng, các cấp ủy đảng đã rút ra được một số kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng nói chung, trong chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nói riêng. Có thể nói, với quy trình tiến hành kiểm điểm từ trên xuống dưới, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu của cấp trên và người đứng đầu; việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tập thể và cá nhân trước khi kiểm điểm; việc gợi ý kiểm điểm đối với những nơi có vấn đề nổi cộm; việc thông báo kết quả sau kiểm điểm đối với các tổ chức và cá nhân đã đóng góp ý kiến trước kiểm điểm bằng các hình thức phù hợp… là những cách làm mới, có tác dụng tích cực trên nhiều mặt. Những nội dung và cách làm mới nêu trên đã thực sự phát huy tác dụng và cũng là những kinh nghiệm quý trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và việc tự phê bình, phê bình trong Đảng hiện nay nói riêng. Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và phòng ngừa sai phạm đối với cán bộ, đảng viên ở các cấp; là bước đi ban đầu quan trọng để đưa tự phê bình và phê bình trong Đảng trở thành thường xuyên, nền nếp như Nghị quyết của Trung ương đã đề ra.

 

Tuy nhiên, với thái độ nghiêm túc và nhìn thẳng vào sự thật, có thể nêu lên một số mặt hạn chế cần khắc phục và những vấn đề đặt ra cần suy nghĩ qua việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp vừa qua như sau:

 

Một là, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình ở các cấp, một số cấp ủy chỉ đạo chưa thật chặt chẽ, cụ thể nên vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, thiếu sót như: việc đóng góp ý kiến của cấp dưới đối với tập thể cấp ủy và cá nhân các cấp ủy viên cấp trên trước kiểm điểm nhìn chung còn hình thức, chủ yếu nêu ưu điểm, thành tích, ít góp ý hạn chế, khuyết điểm; báo cáo kiểm điểm của một số tập thể và cá nhân còn nặng về kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyên môn, chưa bám sát vào 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 đã đề ra; việc đề ra phương hướng, giải pháp sửa chữa, khắc phục khuyết điểm của một số cấp ủy còn chung chung, dàn trải và thiếu cụ thể. Trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nhiều nơi vẫn còn biểu hiện tư tưởng nể nang, hữu khuynh, né tránh, chủ yếu ca ngợi thành tích của nhau, không dám thẳng thắn phê bình thiếu sót, khuyết điểm; khi kiểm điểm đã thấy rõ khuyết điểm của tập thể nhưng chưa làm rõ được khuyết điểm và trách nhiệm của các cá nhân; một số nơi qua kiểm điểm đã thấy rõ mức độ khuyết điểm của một số cá nhân cần phải có hình thức kỷ luật, nhưng do nể nang, ngại va chạm, “dễ người dễ ta” hoặc do “lợi ích nhóm” chi phối nên nhiều trường hợp cũng cho qua, chỉ áp dụng hình thức là “rút kinh nghiệm sâu sắc”…

 

Hai là, qua học tập, quán triệt Nghị quyết và việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân, vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện nội dung, yêu cầu và kết quả thực hiện Nghị quyết, nên còn hoài nghi, thiếu tin vào việc thực hiện, cụ thể là:

 

(1). Một số người chưa nhận thức sâu sắc về tình hình Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, chưa nhận diện rõ sự suy thoái trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” mà Nghị quyết nêu ra ở đâu và là ai? Một số không thấy rằng trong mỗi tổ chức và mỗi con người đều có mặt tốt và mặt xấu cùng tồn tại, một người trước đây tốt, được mọi người kính trọng, quý mến, nhưng nếu không thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, “lòng dạ không còn trong sáng nữa” và sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng thì người đó sẽ trở thành người suy thoái. Mặt khác, những biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên chính là sự hoang mang, dao động, suy giảm lý tưởng, niềm tin; là sự hữu khuynh, nể nang, né tránh, thấy đúng không dám đứng ra bảo vệ, thấy sai không dám thẳng thắn đấu tranh; là động cơ cá nhân, vụ lợi và “lợi ích nhóm”; là tư tưởng ngại khó, ngại khổ, không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; là những việc làm phô trương, hình thức, thành tích chủ nghĩa, gây lãng phí của công… Do nhận thức chưa đầy đủ, toàn diện như vậy, nên một số người đã cho rằng sự suy thoái chỉ có ở nơi khác và ở người khác, không thấy có ở trong cơ quan, đơn vị mình.

 

(2). Cũng do nhận thức chưa đầy đủ và toàn diện, nên có một số người lại đồng nhất việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng với việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Có người không thấy việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng chỉ là một trong bốn nhóm giải pháp để thực hiện Nghị quyết của Trung ương. Trong thực tế, cùng với việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã và đang chỉ đạo thực hiện khá đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp khác để thực hiện Nghị quyết như: công tác giáo dục chính trị tư tưởng; công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách…

 

(3). Có một số người khác lại chưa quán triệt sâu sắc mục đích, yêu cầu và phương châm, phương pháp tiến hành trong quá trình kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, còn nóng vội, thiếu bình tĩnh và cho rằng: tình hình suy thoái, tiêu cực, tham nhũng ở trong Đảng như hiện nay thì phải xử lý kỷ luật, cách chức hoặc đưa ra khỏi Đảng thật nhiều, nhưng qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này chỉ có một số ít cán bộ, đảng viên phải xử lý kỷ luật là không nghiêm túc và chỉ là “đánh rắn giữa khúc”, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng là không đạt yêu cầu, thậm chí có người còn nặng lời cho rằng: Nghị quyết Trung ương 4 là “hỏng rồi” hoặc “kết quả kiểm điểm vừa qua chỉ là con số không…”. Những nhận thức lệch lạc, thiếu toàn diện như trên cần được chấn chỉnh và khắc phục kịp thời.

 

Ba là, mục tiêu của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là để mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên thấy rõ những khuyết điểm của mình để đề ra giải pháp sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: khi kiểm điểm, mỗi tập thể và cá nhân đều đề ra phương hướng và nhiều nội dung, giải pháp để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, nhưng sau khi đã kiểm điểm xong, thì những giải pháp đề ra để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm lại chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Nhìn chung, những việc làm cụ thể, thiết thực để sửa chữa, khắc phục thiếu sót, khuyết điểm của các tập thể và cá nhân còn ít và rất khiêm tốn so với phương hướng và những giải pháp đã đề ra. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Có như vậy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) mới trở thành hiện thực trong cuộc sống./.