“Mỗi lần họp mặt Ban Chiến đấu toàn quốc Cựu Chiến binh (CCB) Đoàn Pháo cao xạ 94-24, vào dịp 30/4 hằng năm, trong lòng tôi lại dâng trào niềm vui xen lẫn sự bồi hồi, xúc động, ký ức một thời binh lửa lại ùa về, tôi nhớ đồng đội, nhớ các bạn Lào, nhớ một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”- Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Thắng tâm sự với chúng tôi trong niềm xúc động dâng trào.
Một thời để nhớ
Ông Thắng kể: Lần gặp mặt gần đây nhất, đó là dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, các đồng chí chiến binh Tiểu đoàn Pháo cao xạ 94-24 từ 15 tỉnh, thành trong cả nước đã về họp mặt tại Câu lạc bộ Cựu chiến binh ở phường Láng Hạ, Hà Nội. Niềm vui như vỡ òa khi anh em chúng tôi được đón tiếp những người bạn Lào, hoan hỉ, mừng rỡ như đón người thân lâu ngày gặp lại. Trong số đó có đồng chí Keo-ta, cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào làm Trưởng đoàn; đồng chí Bang xỉ, Phó Tuỳ viên quân sự Đại sứ quán Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, quê ở huyện Mường Mày, tỉnh A Tô Pư. Đó là địa danh lưu giữ nhiều kỷ niệm của tôi trong những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn, chúng tôi đã nhận được sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ của các bạn Lào, đặc biệt là những người dân của tỉnh A Tô Pư .
Tiểu đoàn Pháo xạ 37 ly bấy giờ có nhiệm vụ cơ động dọc theo tuyến đường 14b bên Tây Trường Sơn (đoạn từ Binh trạm 37 đến Binh trạm 53, thuộc tỉnh A Tô Pư bên nước bạn Lào) để bảo vệ cho các đoàn xe của bộ đội ta vận chuyển đạn dược, vũ khí vào chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Nhiệm vụ nặng nề với những trận chiến đấu diễn ra ngày đêm vô cùng ác liệt. Trong khi đó, vấn đề hậu cần đảm bảo cho đời sống bộ đội lại khó khăn, thiếu thốn, anh nuôi phải kiếm thêm rau rừng để cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Trước tình thế đó, Đảng ủy Sư đoàn 470 cho phép chúng tôi thành lập hậu căn cứ tăng gia. Tôi được cấp trên tin tưởng, phân công làm Trưởng ban tăng gia và dân vận, còn mỗi đại đội cử thêm một số đồng chí để cùng xây dựng khu hậu cứ tăng gia, cung cấp rau xanh, lương thực, thực phẩm cho đơn vị. Tôi đã nhận nhiệm vụ cùng anh em vào bản Săm Bòi và bản Mường Mọ xin đất và xây dựng hậu căn cứ tăng gia. “Vạn sự khởi đầu nan”, bộ phận tăng gia thiếu thốn đủ thứ nhưng tôi đã liên hệ với Trưởng bản, vận động bà con giúp đỡ nên bước đầu đã vượt qua được những khó khăn, xây dựng cơ sở vật chất ổn định. Trong bản có hai cô gái tên là Noong Khiệp và Noong Hin biết nói tiếng Việt, lại rất nhiệt tình, nên đã giúp đỡ các thành viên trong Ban giao tiếp với người dân trong bản.
Cùng ngồi trò chuyện bên ấm trà thơm tỏa hương thơm dịu, cựu chiến binh Nguyễn Bá Tiệp, CCB Sư đoàn 470, Đoàn tiếp lời: Tôi ở Bộ phận Quân giới của Tiểu đoàn, phải bám sát đơn vị phục vụ chiến đấu, thỉnh thoảng mới có dịp ra cứ gửi rau về giúp anh nuôi. Mỗi lần như thế, đồng chí Thắng lại dẫn tôi vào bản đổi muối lấy gà để thết đãi tôi, nhưng món ăn tôi thích nhất vẫn là rau củ cải luộc chấm với tương do đồng chí Thắng tự làm. Đồng chí kể với tôi nhiều chuyện về sự đùm bọc của dân bản, có nhà cho hạt rau cải, hạt bí, hạt bầu, có nhà thì cho lợn giống, gà giống, mỗi lần thấy máy bay đến ném bom vào trận địa pháo, dân bản lại kéo nhau ra hỏi xem bộ đội có ai bị chết hay bị thương không, người cho thạ chanh, người cho buồng chuối, đu đủ chín bảo mang ra trận địa cho bộ đội ăn. Cái bụng dân bản thương các con bộ đội Việt Nam lắm! Tết đến, Trưởng bản lại mời bộ đội Việt Nam vào trong bản ăn Tết, các noọng (các cô gái) thi nhau té nước, anh nào cũng ướt hết mà vẫn vui, vẫn múa, uống rượu cần ăn thịt nướng và xôi cùng dân bản. Đặc biệt, dân bản rất quý mến đồng chí Thắng, coi anh như người trong bản vì ngoài việc chỉ đạo bộ phận tăng gia hoàn thành chỉ tiêu rau xanh của các đơn vị giao, đồng chí Thắng còn thường xuyên vào bản làm công tác dân vận, khi thì giúp nhà này lợp nhà, khì thì giúp nhà kia băm lồ ô làm giát lát nhà sàn. Trong bản còn nhiều nhà chưa quen với việc cấy lúa nước, đồng chí Thắng ra tận ruộng hướng dẫn rồi cùng bà con cấy lúa. Nhà nào có người ốm, đồng chí Thắng tận tình thăm hỏi, cho thuốc và hướng dẫn cách uống thuốc. Những ca bệnh nặng, đống chí Thắng phải về tận đơn vị nhờ y tá của Tiểu đoàn vào tiêm. Có lần dân bản hết muối, đồng chí Thắng mang muối vào giúp dân bản, cả bản chia nhau mỗi nhà một ít, dân bản vui lắm vì khi đó muối còn quý hơn thịt, cá…
Dấu ấn ngày trở lại
Cuối năm 2009, ông Thắng mới có dịp cùng Đoàn công tác của tỉnh ta sang thăm nước ban Lào. Trước ngày lên đường, hàng tuần trời ông Thắng ngủ không trọn giấc bởi những hồi hộp, thao thức. Niềm vui, niềm hạnh phúc như vỡ òa khi một lần nữa bước chân ông lại được đặt lên mảnh đất chất chứa bao kỷ niệm ân tình. Cảnh vật đã có nhiều thay đổi, nước bạn Lào đang trên đà phát triển văn minh hơn, hiện đại hơn nhưng tình người vẫn vẹn nguyên sau bao tháng năm không phai mờ. Chuyến đi thêm một lần nữa khắc ghi trong trái tim ông những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình anh em 2 nước láng giềng. Nhưng có một câu chuyện cảm động mà theo lời ông nói “Tôi muốn được kể với tất cả mọi người, trong mọi điều kiện có thể về tấm lòng của nhân dân Lào dành cho Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta”. Đó là, khi tới thăm một số cơ quan, ban, ngành, một số tỉnh của nước bạn Lào, ở đâu, ông Thắng cũng thấy tượng Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng, dưới lá cờ đỏ búa liềm và cờ Tổ quốc của Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Ông có hỏi một cô gái trẻ (theo dự đoán của ông Thắng chưa đến 30 tuổi), là nhân viên lễ tân ở một cơ quan là vì sao ở đây không đặt tượng của lãnh tụ nước Lào mà lại đặt tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không nghĩ ngợi lâu, cô gái trả lời ngay: Dạ thưa, chúng tôi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới là đúng với đạo lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giác ngộ các đồng chí lãnh tụ Đảng, Nhà nước Lào đi theo cách mạng, làm cách mạng. Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đã từ bỏ ngai vàng đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia nhập phong trào cộng sản Đông Dương, sau đó làm Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Sau khi kể cho chúng tôi nghe xong câu chuyện này, ông Thắng xúc động: Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam, mà còn sống mãi trong tría tim nhân đân Lào và nhân loại toàn thế giới! Đúng là, nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn! Bác làm gì cũng không nghĩ cho cá nhân mà chỉ nghĩ cho tập thể. Học được theo Bác điều đó là raast khó. Nhưng trong suốt quá trình công tác và cả đến bây giờ, tôi luôn tâm niệm điều đó và tôi đã gặt hái được nhiều thành công khi đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trước…
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ tỏa sáng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Thắng ra quân và xin vào làm công nhân ở Nhà máy Xi măng Cao Ngạn. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống chiến đấu không sợ hy sinh gian khổ, ông Thắng đã lăn lộn cùng cán bộ và công nhân Nhà máy vượt qua khó khăn thời kỳ bao cấp và đưa Nhà máy phát triển đi lên. Người cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa đã được tặng hai Huân chương Chiến công trên mặt trận xây dựng đất nước; được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác. Ông Thắng đã được bầu làm Giám đốc Nhà máy và Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và Thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên. Hiên nay, dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Thắng vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, được bầu làm Trưởng ban Kinh tế đối ngoại Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên; Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Thái Nguyên. Ở trên những cương vị này, ông Thắng đã xây dựng một ngôi nhà ở tới 11, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) gắn biển với tên gọi là “Nhà Luông Pra Bang” – là nơi diễn ra các hoạt động hội nghị, hội thảo, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ… của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Ban Liên lạc lưu học sinh tỉnh Thái Nguyên… Ông coi các lưu học sinh Lào đang học tập tại Thái Nguyên như con cháu, người thân trong gia đình. Ngày Tết cổ truyền của cả hai dân tộc, ông thường gói bánh chưng làm quà gửi tới các lưu học sinh. Ngoài ra, trong suốt những năm tháng qua, ông đã tận tình giúp đỡ nhiều cán bộ của nước bạn Lào sang học tập tại nước ta về vật chất, tinh thần và nhiệt tình truyền đạt những kiến thức lý luận chính trị, kinh nghiệm lãnh đạo mà ông đã tích lũy được trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, công tác.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - người cựu chiến binhcó tinh thần lao động không mệt mỏi, luôn nỗ lực góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng thêm bền chặt, gắn bó, đoàn kết…
Trước khi chia tay, ông Thắng không quên nói lại về buổi gặp mặt các cựu chiến binh hôm đó: Chúng tôi và các bạn Lào cùng múa Năm Vông, hát các bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ, các bài hát về tình hữu nghị Việt - Lào. Trong bữa tiệc thân mật, đồng chí Keo-ta, Trưởng đoàn tâm sự: “Chúng tôi còn thiếu nhiều cán bộ lắm, cán bộ khoa học kỹ thuật còn có thể học ở các nước khác, riêng cán bộ lãnh đạo Đảng chỉ đào tạo ở Việt Nam thôi, chúng tôi không bao giờ quên lời dạy của bác Hồ “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Cuộc vui lưu luyến như không muốn chia rời, âm vang mãi mãi trong ký ức của chúng tôi về những người bạn Lào đã cùng chiến đấu đánh Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa...
H.Đ